Theo phán ánh trên báo Lao động, ông Lê Văn Thương, 68 tuổi, đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng nguyên là trưởng phòng của một công ty nước ngoài đóng trên địa bàn thành phố. Ông Thương nghỉ hưu cách đây 8 năm với mức lương hưu 5 triệu đồng/tháng.
Mức lương khá thấp so với bình quân bởi khác với lao động trong nước được tính lương hưu bình quân 5 năm cuối, lao động ở các doanh nghiệp nước ngoài tính lương bình quân kể từ ngày đầu tiên đi làm cho đến khi nghỉ hưu.
Ông Thương nhẩm tính: Mỗi tháng trung bình tiền điện, nước, điện thoại... mất hai triệu dù đã dè xẻn; thêm một triệu nữa dành cho việc ma chay cưới hỏi là ba. Hai triệu còn lại dành cho việc ăn uống, cà phê và tất tần tật những nhu cầu khác trong 30 ngày, gồm cả xăng xe và quần áo.
Ông cho rằng, nếu không có tích luỹ hay nguồn hỗ trợ khác từ con cháu, thì ông không sống nổi bằng lương hưu của mình.
Dù mức lương của hai vợ chồng bà Bùi Thị Hiền (giáo viên nghỉ hưu), với mức 7 triệu đồng/tháng, nhưng bà Hiền bảo “vẫn vô cùng chật vật, từng đi du lịch nhưng không dám ngủ khách sạn”.
Giải pháp tốt nhất cho những lao động nghỉ hưu khó khăn do lương hưu thấp, trong khi không có nguồn tích luỹ hoặc hỗ trợ từ con cháu chính là tìm việc làm thêm. Tuy nhiên, hầu hết thị trường các tỉnh miền Trung, hệ sinh thái việc làm cho đối tượng này hiện rất ít nên đôi khi nhóm lao động này có không nuốn “an hưởng tuổi già” cũng lực bất tòng tâm.
Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, ở Miền Trung, do đặc thù của các nền kinh tế, hiện những người được ký hợp đồng làm việc sau khi nghỉ hưu không nhiều và chỉ tập trung ở một số ngành nghề đặc thù.
Cũng theo ông, có trên dưới 2.000 lao động nghỉ hưu được ký hợp đồng làm việc ở Đà Nẵng thời điểm này là quá ít so với nguồn như lực hiện có.
Lương hưu thấp. giá cả leo thang liên tục là một trong những yếu tố khiến người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu muốn rút BHXH một lần, nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt.
Tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người hưởng BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Song, vấn đề lương hưu không đủ sống thì việc rút BHXH một lần lắm khi là việc buộc phải làm khi không có sự lựa chọn tốt hơn.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/khi-nguoi-gia-khong-song-noi-bang-luong-huu1650341370.html