Cái chết và nỗi đau người ở lại
Vụ việc nam sinh trường chuyên tại Hà Nội nhảy lầu tự tử vào rạng sáng 1/4 chưa thôi ám ảnh người dân. Theo thông tin ban đầu, khoảng 4h15 ngày 1/4, Công an phường Phú La nhận tin báo từ đơn vị quản lý về việc phát hiện thi thể một nam thanh niên tại khu vực sảnh khu chung cư Văn Phú Victoria, nghi rơi từ tầng cao xuống. Công an phường sau đó đã tới phong tỏa hiện trường, phối hợp với Công an quận Hà Đông khám nghiệm, điều tra.
Danh tính nạn nhân là L.N.N.M. (16 tuổi) trú tại một căn hộ tầng 28 tòa V1. Nạn nhân đang học lớp 10 tại một trường THPT chuyên ở Hà Nội. Trước khi tự tử, nạn nhân có để lại thư tuyệt mệnh với nội dung tiêu cực.
Hiện nay, trên mạng xã hội lan truyền đoạn camera, ghi lại cảnh nam sinh ra ban công nhà nhảy lầu gây xôn xao. Cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc truy tìm người phát tán đoạn clip trên.
Cũng chọn cái chết để giải toả áp lực, một nữ sinh lớp 8 tại Bắc Ninh trước khi mất đã để lại bức thư rồi treo cổ tự tử. Theo thông tin trên VOV, khoảng 10h sáng 31/3, gia đình cháu N.K.V, học sinh lớp 8, trường THCS Đ. P., thành phố Bắc Ninh phát hiện cháu L tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng cùng với một bức thư tuyệt mệnh nói về việc tự tử.
Ngoài thư tuyệt mệnh, trong phòng của V. còn có nhật kí với nội dung buồn bã, tiêu cực nên mọi người suy đoán em có dấu hiệu trầm cảm nên quyết định treo cổ tự tử.
Theo bức ảnh nhật kí của V. mà VOV đăng tải, những dòng tâm sự V. viết trong sổ nhật ký có nhắc đến chuyến đi chơi cuối cùng trước khi chết: "Hôm nay mình đi chơi như kiểu hai người sắp chết đi chơi với nhau những ngày cuối cùng vậy...".
Bức thư tuyệt mệnh của nữ sinh V.
Bên cạnh đó, tại hiện trường, gia đình phát hiện K.V có để lại thư tuyệt mệnh với nội dung không muốn mọi người dằn vặt.
Báo Dân Trí trích đăng bức thư như sau: "Lời đầu tiên con muốn nói là việc con thành ra như vậy không phải do ai cả, chỉ là do con không xứng đáng, vậy thôi. Thế nên xin mọi người đừng dằn vặt hay nhận hết lỗi về mình, nó chỉ khiến con cảm thấy tội lỗi hơn thôi.
Mong mọi người giữ gìn sức khỏe, dù con đi rồi nhưng con vẫn luôn quan sát và ở bên mọi người. Cuối cùng, con xin lỗi và cảm ơn mọi người, vì tất cả".
Theo giáo viên trường THCS Đ.P., trong quá trình học tập tại trường em L học giỏi, chăm ngoan, ít nói không có biểu hiện về tâm lý. Hiện, nguyên nhân của 2 vụ tử tử nói trên đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Nỗi lòng thầm kín của con trẻ cần sự thấu hiểu, chia sẻ của phụ huynh
Tâm lý của những đứa trẻ vị thành niên sẽ có sự thay đổi nhất định, khiến chúng khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong học tập, trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống. Đây là yếu tố có thể dẫn đến những rối loạn tâm thần và làm tăng nguy cơ tự sát ở trẻ.
Trên thực tế, rất nhiều cha mẹ Việt thường có tư duy muốn con phải nghe lời tuyệt đối, đến mức áp đặt khiến trẻ muốn chống đối. Với những trẻ không chống đối, sự dồn nén tâm lý lâu ngày có thể đưa đến những hành vi phản ứng không ngờ. Hậu quả là chúng có thể tự sát vì trầm cảm, một số khác tự sát vì “giận cha mẹ”, một số vì lo lắng không đáp ứng được kỳ vọng của người khác.
Như 2 vụ việc học sinh tự tử vừa nói ở trên, dư luận đang có những ý kiến trái chiều. Người trách bọn trẻ dại dột, suy nghĩ bồng bột rằng tại sao phải chọn con đường ấy, trong khi có thể ngồi xuống nói chuyện để giải quyết.
Kẻ lên án sự vô tâm, ích kỷ của bố mẹ khi quá kỳ vọng, giám sát cũng như thờ ơ vơi tâm tư của con trẻ. Vấn đề ai có lỗi, ai sai ai đúng ở đây giờ đặt lên bàn cân chẳng còn ý nghĩa nữa khi người đi cũng ra đi rồi. Chỉ có người ở lại, mãi ôm nỗi đau và day dứt đến tận cuối đời. "Bản án" này đâu có dễ chịu với gia đình nạn nhân, một vết thương mà mãi chẳng bao giờ chữa lành.
Vậy nên, có chăng từ những tình huống đã xảy ra, người lớn đã đến lúc thay đổi, để trở thành những ông bố bà mẹ tốt hơn với con mình. Việc hiểu rõ những dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp các bậc phụ huynh tìm cách giải quyết và ngăn ngừa kịp thời, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Khi đã rõ vấn đề thì mới xét đến chuyện bố mẹ cùng con xử lý mâu thuẫn hay để con tự xử lý. Cha mẹ hãy xây dựng mối quan hệ thân thiết với con cái bằng những hành động nhỏ như việc nói lời yêu thương, lời xin lỗi, hỏi thăm. Những việc làm như thế tuy rất nhỏ và đơn giản nhưng lại có tác động rất phi thường vì sẽ tạo nên sự thân thiết, niềm tin của con cái với bố mẹ, là động lực lớn với trẻ.
Cha mẹ đừng coi những mâu thuẫn của con là số 0, là không đáng gì vì thực tế trẻ em nhạy cảm hơn chúng ta rất nhiều. Các chuyên gia tâm lý đồng ý rằng, sự gắn kết vững chắc giữa cha mẹ và con cái tạo cảm giác an toàn và là tiền đề giúp trẻ phát triển nhận thức về giá trị bản thân không đơn độc, xứng đáng được yêu thương.
Để mối quan hệ của con cái và cha mẹ được thoải mái, công bằng hơn, phụ huynh tránh những điều sau:
Không áp đặt thành tích học tập hoặc kì vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cần sắp xếp thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ hợp lý.
Cần tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học tập và trong các mối quan hệ xã hội.
Dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống.
Về phía nhà trường, cần tạo môi trường học tập thân thiện với sự quan tâm, đồng hành của giáo viên.
Hãy nhớ rằng, tự tự ở trẻ vị thành niên có thể phòng ngừa được. Ngay bây giờ, rất cần sự chung tay xây dựng của gia đình, nhà trường và xã hội để cuộc sống của các em được an toàn, hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn.