Tạo điều kiện thuận lợi cho người từ TP HCM trở về các địa phương khác
Ngày 15/7, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn số 4777/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước bối cảnh thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam đã triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, để kịp thời hỗ trợ và triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân và duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội cần thiết trên địa bàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trực tiếp chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận người lao động, người dân từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam trở về các địa phương và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch; không để tình trạng phải chờ đợi, quy trình, thủ tục phức tạp, kéo dài, gây bức xúc cho người dân; có kế hoạch cụ thể bố trí chuyên chở, thực hiện các quy định về cách ly, phòng chống dịch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác theo tinh thần hỗ trợ tối đa, không gây khó khăn, phiền hà cho người lao động, người dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Bảo đảm nguồn hàng hóa, nhu yếu phẩm đầy đủ, dồi dào và vận chuyển kịp thời từ các địa phương đến thành phố để phục vụ đời sống của người dân, không để tình trạng thừa, thiếu cục bộ hoặc ứ đọng, không kịp thời vận chuyển, phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm đến nơi sử dụng và người dân; bảo đảm các hoạt động giao thông vận tải thuận tiện, thông suốt giữa các địa phương và thành phố đối với các hàng hóa phục vụ cho các hoạt động kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu cần thiết, đồng thời, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh theo quy định.
Rà soát, phân bổ kịp thời, ưu tiên các nguồn vaccine cho thành phố và một số tỉnh, thành phố phía Nam để thực hiện tốt chiến dịch tiêm vaccine một cách khoa học, hợp lý, an toàn, hiệu quả và kịp thời cho các đối tượng theo quy định, trong đó lưu ý bổ sung đối tượng ưu tiên là những người lao động phục vụ trong các lĩnh vực vận tải, vận chuyển, phân phối các hàng hóa, nhu yếu phẩm giữa các địa phương và Thành phố hoặc công nhân làm việc tại các doanh nghiệp tập trung, khu công nghiệp, cảng biển, các dịch vụ logistics quan trọng, thiết yếu và các đối tượng cần thiết khác theo yêu cầu thực tiễn phát sinh.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người từ TP HCM trở về các địa phương khác (ảnh minh họa phapluatplus).
Người đã tiêm vaccine có thể rút ngắn thời gian cách ly
Ngày 16/7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với gần 130 đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố.
Tại cuộc họp, trước thắc mắc của đại diện Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh về việc những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã tiêm một mũi vaccine phòng COVID-19, nếu là F1 thì sẽ thực hiện cách ly như thế nào, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay Bộ đang thí điểm thực hiện cách ly 7 ngày đối với những người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine tại Quảng Ninh. Những người đã tiêm một mũi vaccine cũng sẽ như vậy.
Nhận định tình hình dịch tại TPHCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, các địa phương này đang đối mặt với sự bùng phát dịch rất phức tạp. Trong những ngày tới, có thể gia tăng nhiều trường hợp mắc, trường hợp tử vong.
Theo Bộ trưởng, biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các chủng ở những đợt dịch trước. Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày, không phải 5 ngày như trước đây.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý, một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc, chưa đầy đủ, chưa quyết liệt Chỉ thị 16 của Chính phủ về phòng chống dịch, thậm chí có nơi còn chần chừ, nấn ná.
"Chợ vẫn họp đông thì rất khó chấm dứt chuỗi lây nhiễm. Có địa phương chưa giám sát, chưa xét nghiệm, kế hoạch phòng chống dịch còn chậm", Bộ trưởng cho biết.
Người đã tiêm vaccine có thể rút ngắn thời gian cách ly (ảnh minh họa).
Khởi tố, bắt tạm giam nguyên GĐ Sở GD-ĐT Thanh Hóa do thông đồng nhà thầu
Chiều 16/7, Văn phòng Bộ Công an cho biết, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị Hằng, nguyên GĐ Sở GD-ĐT (hiện là Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa) cùng 8 đồng phạm khác do “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các gói thầu giáo dục đầu tư cho bậc Tiểu học tại Thanh Hóa.
Cùng chiều 16/7, cơ quan CSĐT thực hiện lệnh khám nhà bà Hằng cùng các đồng phạm, thu giữ nhiều tài liệu quan trọng.
Trong 9 bị can, có 7 bị can bị bắt tạm giam, 2 bị can được tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cụ thể, khởi tố bắt giam bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, hiện là Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa; Trịnh Hữu Nghĩa, Trưởng phòng kế hoạch tài chính thuộc Sở GD-ĐT Thanh Hóa; Nguyễn Văn Phụng, Phó phòng kế hoạch tài chính thuộc Sở GD-ĐT Thanh Hóa; Bùi Trí Thức, chuyên viên kế phòng kế hoạch tài chính thuộc Sở GD-ĐT Thanh Hóa; Nguyễn Quốc Việt, Thẩm định viên Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC Value; Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Thanh Hóa; Vũ Thị Ninh, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Thanh Hóa.
Riên bị can Lê Văn Cương, nguyên Trưởng phòng kế hoạch tài chính thuộc Sở GD-ĐT Thanh Hóa và Hồ Thị Sáu, Giám đốc khối thẩm định thuộc Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC Value được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, bà Phạm Thị Hằng đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền thông đồng với Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC Value và nhà thầu là Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Thanh Hóa để nhà thầu này trúng 2 gói thầu cung cấp đồ dụng học tập giảng dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.
Trước đó, nhằm phụ vụ công tác điều tra, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản gửi Sở TN-MT Thanh Hóa đề nghị tra soát, ngăn chặn việc thực hiện các thủ tục mua bán, chuyển đổi về tài sản nhà đất đối với các cá nhân là lãnh đạo, cán bộ thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Bà Phạm Thị Hằng làm Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa từ năm 2012 cho đến tháng 11/2020. Đến ngày 4/12/2020, bà được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Vào trung tuần tháng 4, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã công bố quyết định thanh tra lĩnh vực giáo dục tỉnh Thanh Hóa.
Đầu tháng 6, khi công tác thanh tra vừa kết thúc, bà Hằng đã xin tạm nghỉ việc để “làm việc với cơ quan chức năng”.
Đến nay, quyết định Thanh tra của Bộ GD-ĐT vẫn chưa được công bố.
Bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, hiện là Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, đã bị khởi tố bị can và bắt tạm giam (Ảnh Phapluatplus).
Hà Nội 128.879 hồ sơ đăng ký trực tuyến vào lớp 1
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, sau khi kết thức thời gian tuyển sinh trực tuyến vào lớp 1 năm học 2021 - 2022, TP có tổng số 128.879 hố sơ đăng ký (chiếm 87,4% số hồ sơ phân tuyến).
Các huyện đã hoàn thành 100% chỉ tiêu giao, gồm: Đan Phượng, Mỹ Đức, Thanh Oai. Có 195 trường đã hoàn thành chỉ tiêu thuộc các địa phương: Ba Đình, Đan Phượng, Quốc Oai, Mỹ Đức, Mê Linh…
Trong suốt thời gian từ ngày 12 - 14/7, hệ thống vận hành thông suốt, ổn định, không nghẽn mạng. Từ 0h ngày 15/7 hệ thống tự động đóng cổng tuyển sinh trực tuyến vào lớp 1 và tự động kích hoạt cổng tuyển sinh trực tuyến trẻ 5 tuổi vào trường mầm non (tuyển bổ sung).
Theo kế hoạch đã được Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường mầm non, tiểu học, THCS vẫn áp dụng hai hình thức tuyển sinh, gồm tuyển sinh trực tuyến và tuyển sinh trực tiếp.
Cha mẹ học sinh có thể lựa chọn một trong hai hình thức này để đăng ký tuyển sinh. Thời gian tuyển sinh trực tuyến bắt đu từ ngày 12 đến ngày 20/7, trong đó chia theo từng độ tuổi.
Cụ thể, đăng ký tuyển sinh vào lớp 1 từ ngày 12/7 đến hết ngày 14/7; Đăng ký tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào trường mầm non từ ngày 15 đến hết ngày 17/7; Đăng ký tuyển sinh vào lớp 6 từ ngày 18/7 đến hết ngày 20/7.
Kết thúc đợt đăng ký tuyển sinh lớp 1 theo hình thức trực tuyến, Hà Nội ghi nhận 128.879 hồ sơ đăng ký thành công (chiếm 87,4% số hồ sơ phân tuyến) ảnh Laodong.vn
Bị chỉ trích khi làm từ thiện, Thủy Tiên viết tâm thư mong mọi người đừng nói lời khó nghe
Làn sóng COVID-19 đợt 4 bùng phát mạnh ở TP.HCM đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Trước tình hình này, nhiều nghệ sĩ đã chung tay giúp sức để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Sáng 15/7, ca sĩ Thủy Tiên đã đăng tải một đoạn clip và cho biết hơn 20 tấn gạo giúp đỡ bà con đã về đến kho. “Bà con công nhân biết gạo đi từ thiện nên dù đêm hôm khuya khoắt vẫn chủ động đến giúp đỡ, khuân vác, sắp xếp… Trong hoạn nạn, tình người luôn ấm áp, thương yêu và chia sẻ cùng nhau", Thủy Tiên cho biết.
Bài viết của bà xã Công Vinh nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Bên cạnh những người khen ngợi nữ ca sĩ, có không ít những ý kiến trái chiều. Một tài khoản Facebook bình luận:
“Gạo thì từ thiện nhiều, nhưng số người nhận được là nhà giàu hay nghèo kìa. Biết bao nhiêu người từ thiện nhưng vẫn có nhiều người ở khu dịch bệnh vẫn không có gạo nấu, thậm chí gia đình không có tiền đóng trọ".
Một số người khác cho rằng, nữ ca sĩ không nên đi từ thiện nữa sau loạt lùm xùm của cô và vài nghệ sĩ cách đây không lâu.
“Có những nơi địa phương họ rất hỗ trợ giúp cho mình vào giúp bà con, nhưng có những khu vực F0 quá nhiều, quá nghiêm trọng thì ngay cả địa phương cũng không cho phép nhóm mình vào, và bản thân mình cũng phải bảo vệ các bạn tình nguyện viên vì họ còn gia đình và phải đi giúp đỡ nhiều nơi, không thể bất chấp tính mạng gia đình được… Mong mọi người thông cảm, nếu có những vùng quá nguy hiểm không thể đến được cũng đừng vì giận mình mà nói lời khó nghe”.
Thủy Tiên cho rằng nhóm của cô đã nỗ lực để mang nhu yếu phẩm cần thiết đến những người có hoàn cảnh khó khăn nên những bình luận chỉ trích sẽ khiến các tình nguyện viên buồn lòng.
“Ngoài ra việc này là do tự Tiên làm chứ không kêu gọi quyên góp của bất cứ một ai, nên sức mình đến đâu, khả năng tài chính đến đâu mình sẽ giúp đến đó mong mọi người cũng chia sẻ, thông cảm, đừng nói lời khó nghe nếu mình không thể giúp được nhiều hơn”, nữ ca sĩ cho biết.
Bà xã Công Vinh nhắn nhủ, đây là thời điểm mọi người cần đồng lòng và lan tỏa những điều tốt đẹp cùng nhau. “Càng sân si khó chịu càng ghét nhau nói xấu nhau thì sẽ càng sinh ra nhiều năng lượng xấu khiến tình hình càng tệ đi. Nên người góp công người góp của, bạn nào không có gì thì hãy góp một chút lòng lương thiện phát ra tình yêu thương, lời nói và suy nghĩ tốt đẹp tích cực để giúp sự cộng hưởng từ trường tốt đẹp sẽ khiến tình trạng khó khăn này chấm dứt đi nhanh hơn”, Thủy Tiên viết.
Bị chỉ trích khi làm từ thiện, Thủy Tiên viết tâm thư mong mọi người đừng nói lời khó nghe.
Thí sinh không thể hoàn thành thi đợt 1 được dự thi đợt 2
Trừ trường hợp gian lận, thí sinh không thể hoàn thành thi tốt nghiệp THPT đợt 1 vì các lý do khác nhau sẽ được tạo điều kiện dự thi ở đợt tiếp theo.
Đó là chỉ đạo ngày 16/7 của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài việc phải rà soát, tạo điều kiện cho thí sinh chưa thể hoàn thành kỳ thi đợt 1, Phó thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để có kế hoạch cụ thể tổ chức đợt thi tiếp theo, căn cứ tình hình Covid-19.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu có kế hoạch tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp sao cho đảm bảo an toàn, quyền lợi của thí sinh.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 ngày 7-8/7, gần 981.800 thí sinh dự thi. Hiện, hơn 26.000 thí sinh ở 42 tỉnh, thành phố chưa thể thi do ảnh hưởng của Covid-19. Các em này thuộc diện F0, F1, F2 hoặc trong vùng phong tỏa khi kỳ thi đợt 1 diễn ra. Một số do điểm thi phải dừng đột xuất cũng vì liên quan Covid-19.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định những thí sinh diện F0 được đặc cách tốt nghiệp THPT ở đợt 1 theo quy chế thi, nhưng vẫn có nguyện vọng dự thi ở đợt 2 thì vẫn được phép. Những em này cần có đơn hủy quyền được đặc cách.
Bên cạnh đó, những thí sinh đang thi dở đợt 1 thì phải dừng lại cho điểm thi phát hiện ca mắc Covid-19 sẽ được giữ kết quả môn đã thi ở đợt 1 và thi tiếp các môn còn lại ở đợt 2. Việc tuyển sinh đại học dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được thực hiện một lần sau cả hai đợt thi nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra mốc thi tốt nghiệp THPT đợt 2 vào ngày 6-7/8 để các địa phương thảo luận và đề xuất dựa trên tình hình Covid-19. Các Sở Giáo dục và Đào tạo cần xin ý kiến UBND cấp tỉnh và phản hồi lại với Bộ để thống nhất thời gian thi.
Năm 2021, cả nước có hơn 1.021.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm ngoái 100.000. Số vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học gần 759.000. Chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 55%, xét tuyển bằng hình thức khác chiếm 45%.
Thí sinh không thể hoàn thành thi đợt 1 được dự thi đợt 2 (Ảnh minh họa).
Trăn nuốt dê 15 kg
Phát hiện con trăn lớn nằm trong vườn, người dân xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, đã bắt, xẻ bụng lôi con dê nặng 15 kg.
Tối 15/7, anh Nguyễn Đạo Quân, xóm 10, xã Nghi Yên, soi đèn tại khu vườn cạnh bìa rừng thì phát hiện con trăn (giống trăn gấm) quấn quanh gốc cây, bụng phình to. Anh Quân hô hoán nhiều người dân trong làng tới bắt con trăn dài khoảng 5 m.
Lãnh đạo xã Nghi Yên cho biết, khi tới kiểm tra thì người dân đã mổ bụng trăn, lôi ra xác con dê nặng 15 kg đưa cho gia đình bị mất cùng ngày. Xác con trăn nặng khoảng 30 kg cũng bị người dân chia nhau.
Con trăn tại xã Nghi Yên, tối 15/7 (Ảnh vnexpress.net).
Trước đó, nhiều người dân ở khu vực này từng mất dê, gà nên nghi ngờ con trăn là thủ phạm. "Việc người dân bức xúc vì nhiều lần mất vật nuôi, đập chết trăn như vậy cũng khó truy cứu trách nhiệm", lãnh đạo xã Nghi Yên nói.
Ở Việt Nam có 3 loại trăn gồm trăn đất, trăn gấm và trăn cộc đều là động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ, không được săn bắt, buôn bán, sử dụng.