Mới đây, vào ngày 15/5, tại lễ tốt nghiệp dành cho tân cử nhân, tân kỹ sư của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nữ sinh viên Nguyễn Thị Xuyến (SN 1999) - Lớp Vật Lý kỹ thuật 01 K62 được vinh danh là thủ khoa đầu ra của Viện Vật lý kỹ thuật.
Cô Đinh Thị Nhan (51 tuổi, trú tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã xin nghỉ phép buổi sáng để kịp thời có mặt trong giờ phút thiêng liêng của con gái.
Nữ thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội và mẹ tại lễ tốt nghiệp. (Ảnh: Nguồn Soha)
Nhớ đến công ơn trời biển của mẹ, nữ thủ khoa khi ấy không giấu nổi những giọt nước mắt mà viết rằng: "Con sinh ra chỉ có mình mẹ, mẹ dạy con chăm chỉ và tử tế. Lớn lên, con lại thấy người ta khinh thường mẹ... vì mẹ làm nghề quét rác. Con biết hết, nhưng con phải im lặng. Cho đến hôm nay, mẹ sẽ không còn bị ai chê cười nữa đâu, vì con đã là thủ khoa rồi".
Trước khi tốt nghiệp đại học, Xuyến được nhận vào làm tại một công ty xe ô tô danh tiếng đến từ Nhật Bản, có trụ sở đặt tại Hà Nội.
Tuổi thơ khốn khó, nhiều thiệt thòi
Khi còn trên giảng đường đại học, Xuyến đã sớm nổi tiếng trong cộng đồng sinh viên và được các thầy cô biết đến về sự giỏi giang, ham học. Nhưng ít ai ngờ được rằng, đằng sau vẻ ngoài duyên dáng và nụ cười xinh xắn ấy là một tuổi thơ không hạnh phúc.
Cô thủ khoa sống cùng mẹ sống trong một căn nhà nhỏ bé vừa đủ để kê một chiếc giường, một bàn học. Đây chính là nơi mà hai mẹ con Xuyến đã đồng hành cùng với nhau trong suốt hơn 20 năm qua.
Căn nhà bé nhỏ gắn bó suốt hơn 20 năm học hành của Xuyến. (Ảnh: Nguồn Soha)
Gần 6 giờ tối, cô Nhan vừa đi làm về, tranh thủ đặt vội nồi cơm. Nhìn dáng vẻ của cô, nếu trở lại cách đây hơn hai mươi năm người ta sẽ nghĩ đến ngay đến hình ảnh một người con gái có khuôn mặc khả ái. Nhưng dường như cái đẹp ấy cũng vận vào cái tên của cô đúng như câu "hồng nhan bạc phận", cuộc hôn của cô diễn ra trong một thời gian ngắn.
Không để phiền lụy đến gia đình nhà chồng, trong khi bào thai trong bụng ngày một lớn, cô về nương dựa cha mẹ đẻ ở ven đê thuộc hữu ngạn sông Hồng, sống phụ thuộc vào nghề nông và những công việc thời vụ như phụ hồ, làm thuê tại rạp cưới, ma chay.
Xuyến đến tuổi vào lớp một, cứ ngỡ tưởng rằng em sẽ được đón chào trong vòng tay ấm áp của thầy cô và bè bạn. Nhưng vì không thấy bố Xuyến đến đón, các bạn bắt đầu truyền tai nhau và trêu em là "đứa không có bố", "mẹ mày không chồng mà chửa"...
Những câu nói ấy khiến cho tâm hồn một đứa trẻ vốn đã nhạy cảm bị tổn thương hơn bao giờ hết. "Giờ nhớ lại, khoảng thời gian đó thật là ám ảnh, anh ạ", Xuyến chia sẻ.
Gặp gỡ người thầy giúp thay đổi cuộc đời
Bước sang cấp hai, Xuyến nghĩ rằng mình phải học thật giỏi để được thầy cô quý mến và các bạn khác tôn trọng. Kể từ đó, em ngồi bàn đầu để thầy cô chú ý mình hơn và không bị các bạn xung quanh làm phiền.
Dẫu kết quả học tập có tiến bộ nhiều hơn so với trước, nhưng Xuyến vẫn không tránh khỏi việc bị các bạn bắt nạt. Thậm chí, một bạn ở thôn khác đã ném giẻ lau vào thẳng mặt em và nói: "Về nhà lấy máu xét nghiệm ADN để tìm bố đi!".
Đến năm lớp 9, Xuyến may mắn gặp được thầy Nguyễn Văn Lợi, giáo viên môn Toán.
Thầy giáo Nguyễn Văn Lợi – Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội). (Ảnh: Thanh Hồng)
Vốn là người cùng làng, thầy Lợi hiểu được hoàn cảnh của hai mẹ con Xuyến. Và với quan niệm giáo dục tiến bộ, thầy nhất quán rằng, không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng cũng như không thể giáo dục học sinh với chút ít nhiệt tình.
Có lần thầy căn dặn em rằng: "Bố mẹ có nở mặt nở mày được hay không là nhờ cả vào con cái. Còn nếu con cái hư hỏng, học hành kém cỏi thì ra ngoài chợ chỉ biết lấy cái nón che mặt thôi!".
Cho đến giờ phút này, Xuyến vẫn không thể nào quên được câu nói ấy của thầy. Không phụ lòng thầy cũng như sự vất vả của mẹ, năm đó Xuyến đã thi đỗ vào trường THPT tốp đầu của huyện với số điểm rất cao.
"Em nhận thấy, một người thầy giỏi không bao giờ bằng một người thầy tâm huyết. Bởi người thầy tâm huyết là người biết học sinh của mình cần cái gì và để tìm được người thầy này rất khó. Em đã may mắn gặp được thầy Lợi, thầy đã giúp em thay đổi cuộc đời", Xuyến xúc động nói.
"Con cầm cây bút thì mẹ tốn tiền, còn cầm cây cuốc thì mẹ không tốn tiền"
Nhớ lại hồi Xuyến học cấp một còn chưa chăm học lắm nên cô Nhan có hai lần đưa con ra đồng nhặt cỏ, thấy việc đồng ruộng vất vả quá, Xuyến xin mẹ về học.
Nghe vậy, cô bèn căn dặn con: "Con cầm cây bút thì mẹ tốn tiền, còn cầm cây cuốc thì mẹ không tốn tiền". Kể từ đó, Xuyến được mẹ tạo điều kiện toàn tâm vào việc học, không gian và tuổi thơ của em luôn gắn liền với chiếc bàn học.
Dù không khá giả gì, nhưng hễ Xuyến muốn đi học thêm ở đâu, học thêm môn gì cô cũng cho. Chưa một lần nào cô có ý nghĩ rằng việc học như vậy là tốn tiền cả. Và để có tiền cho con đi học, cô đã làm việc bất kể ngày đêm, bất kể nắng mưa.
Cô Nhan hạnh phúc nhìn giấy khen Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc năm học 2021 - 2022 của con. (Ảnh: Nguồn Soha)
Xót xa cho hoàn cảnh của cô, bố mẹ và các anh chị trong nhà nhiều lần động viên cô làm đơn xin xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo hay đơn giản là đơn xin miễn giảm học phí nhưng cô đều lắc đầu, vì trong xã hội còn rất nhiều người khó khăn, trong khi cô còn sức khỏe. Cô cần phải tự lực để vươn lên trong cuộc sống và hơn hết đây còn là tấm gương để con gái soi chiếu, học tập.
Xuyến càng học tập lên cao thì càng tốn kém, không chỉ tiền học phí, còn phải mua thêm máy tính, sách vở, sách tham khảo. Bởi vậy, từ việc làm những công việc thời vụ, cô xin vào làm công nhân vệ sinh môi trường.
Việc của cô là thu gom rác từ cầu Mai Động tới nút giao Tam Trinh - Lĩnh Nam. Đi từ nhà lúc 3 giờ chiều, hôm sớm thì 12 giờ xong việc, còn nếu muộn phải hơn 3 giờ sáng hôm sau cô mới về đến nhà.
Hình ảnh một người phụ nữ dáng người nhỏ gầy, nặng nhọc đẩy chiếc xe rác nặng tới gần 3 tạ trong cảnh tắc đường không còn quá xa lạ với những với những người bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ trên đoạn đường đó.
Những hôm 3 giờ sáng, ngồi học ở nhà nghe tiếng sấm chớp, gió lớn thổi vẹo cả ngọn cây trước ngõ, Xuyến cảm thấy sốt ruột vì chưa thấy mẹ về. Sợi dây của tình mẫu tử được gắn kết bền chặt hơn, em thật sự thương mẹ và biết ơn mẹ.
"Em thấy mẹ vất vả, khiến em phải nỗ lực, cố gắng hơn. Đôi bàn tay của mẹ bị chai sạn, thô ráp, móng tay rất đen. Tiếp xúc với nhiều chất độc hại, mẹ bị nấm móng, có những lần lên cơn ngứa, rất khổ sở. Nhìn những hình ảnh ấy, em thấy thương mẹ và cảm thấy bản thân cần phải có trách nhiệm nhiều hơn", Xuyến tâm sự
Sự ấm áp của tình bạn, thầy cô nơi giảng đường và những thành tích đáng nể
Năm 2017, Xuyến trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Cũng tại đây, em gặp được những người bạn đáng quý, giúp đỡ em trong học tập và cuộc sống.
Vào kỳ đầu tiên của năm nhất, Xuyến gặp vướng mắc khi học môn Đại số. Dù điểm giữa kỳ em cao nhất lớp, nhưng đến khi kết thúc môn, bài toán quá khó khiến Xuyết bất lực. Quá thất vọng về bản thân, em đã khóc, thấy vậy một anh sinh viên khóa trên đã tiến tới và an ủi: "Em chăm chỉ thế, sao trượt được. Em an tâm đi, trời không phụ lòng người đâu".
Chẳng ngại khó ngại khổ, Xuyến tìm đến bạn bè để được giúp đỡ. Cô gái nhỏ theo chân của các đàn anh, đàn chị để có cách học mới và tìm ra phương thức học tốt nhất. Xuyến may mắn gặp được một người bạn đã chi sẻ, giúp đỡ cô trong rất nhiều môn học khác nhau, và là người đồng hành cùng với những thành tích đáng nể của nữ thủ khoa.
Dẫu được sự giúp của bạn bè, nhưng Xuyến bao giờ cũng là người chủ động tìm hiểu bài giảng, gặp gỡ các anh chị khóa trên để hỏi về kinh nghiệm học tập.
Xuyến sở hữu thành tích học tập ấn tượng và nhiều lần được khen thưởng, mới đây nhất là học bổng Vallet năm học 2020 - 2021 trị giá 20 triệu đồng.
Cho đến kì bảo vệ đồ án tốt nghiệp năm nay, không phụ lòng cô Phương cùng với các thầy cô trong nhóm nghiên cứu, Xuyến đã bảo vệ đồ án đạt loại xuất sắc với số điểm 9,3/10.
Xuyến nhận Giấy khen Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc năm học 2021 - 2022. (Ảnh: Nguồn HUST CCPR)
Thủ khoa lớn lên từ bàn tay người mẹ tảo tần ngày đêm quét rác
Dù không "khoe con" song tại công ty của cô Nhan, mọi người theo dõi mạng xã hội nên đã biết. Cô Nhan còn được mọi người kể lại bài viết "Mẹ của một thủ khoa" được Xuyến đăng tải trên Facebook hôm được vinh danh.
Hai ngày sau, Xuyến mới được mẹ liên hoan về thành tích học tập này. Không mâm cao cỗ đầy, chỉ đơn giản là món thịt gà rán, một món ăn mà Xuyến rất thích.
Giờ đây, nhớ lại câu chuyện mẹ bị khinh thường, Xuyến cho biết đó cũng chính là động lực để thôi thúc em phải trở thành thủ khoa. Chỉ đơn giản để chứng minh một điều rằng, nghề nghiệp của mẹ em cũng cao quý như biết bao nhiêu nghề nghiệp khác, đằng sau một công xưởng sạch sẽ, một văn phòng sạch sẽ là có đôi tay của người quét rác.
Bó hoa mẹ tặng Xuyến trong ngày tốt nghiệp đại học. (Ảnh: Nguồn Soha)
"Em cảm thấy mình may mắn hơn nhiều người, vì họ không có một gia đình tốt. Không có một người mẹ tốt, một người bố tốt, nhưng mẹ đã thay thế vai trò của cả bố và mẹ để dạy em. Mẹ đã là người tử tế, vẫn luôn dạy em những điều tử tế", Xuyến xúc động nói.
Rời căn nhà bé nhỏ của hai mẹ con Xuyến vào lúc hơn 8 giờ tối, tôi nghĩ đến một ngày nào đó trên mảnh đất này sẽ có một căn nhà khang trang được xây dựng. Đó cũng là ước mơ cả đời của cô Nhan và con gái...
Trong vòng phỏng vấn cuối với đại diện Công ty TNHH Nissan Automotive Technology Việt Nam, khi được hỏi có nguyện vọng sang Nhật Bản làm việc hay không, Xuyến đã trả lời rằng bản thân không muốn.
"Trước tình trạng chảy máu chất xám, em chỉ có một mong muốn được làm giàu và cống hiến trên chính mảnh đất quê hương mình", nữ thủ khoa chia sẻ.