Vừa qua, trường Đại học Tây Nguyên đã diễn ra Hội thảo tổng kết dự án "Nghiên cứu phát triển nền tảng số nhằm thúc đẩy thương mại và việc làm cho người khuyết tật tại Việt Nam. Dự án nằm trong chương trình tài trợ nhỏ của Đại sứ quán Úc cho các dự án nghiên cứu của cựu sinh viên từng học tập và làm việc tại Úc. Thành viên nhóm dự án nghiên cứu gồm 3 giảng viên của khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương và 1 giảng viên của Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Nguyên.
Tại buổi hội thảo, các thành viên đã giới thiệu kết quả nghiên cứu, các ấn phẩm nghiên cứu như sách tham khảo, các bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế từ các hoạt động của dự án.
Đồng thời, nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực cho chương trình nghiên cứu nhằm giúp người khuyết tật hòa nhập vào nền kinh tế số thông qua nền tảng số để thúc đẩy thương mại và việc làm.
Nội dung hội thảo đưa ra một số khuyến nghị như sau: Cần nâng cao hơn nữa nhận thức xã hội về vai trò của người khuyết tật trong nền kinh tế số, xem họ là một thành phần không thể tách rời. Thêm nữa, trọng tâm chính sách về phát triển nền tảng số cần chú trọng và đi vào thực tế hơn với công nghệ hỗ trợ và AI. Cuối cùng, sự liên kết chắc chắn và bền vững hơn giữa nhà trường, doanh nghiệp, các tổ chức người khuyết tật tại địa phương và bản thân người khuyết tật trong việc đưa ra các chương trình đào tại ngắn được kiểm chứng và công nhận (Micro-credentials) nhằm giúp cho người khuyết tật có được các chứng chỉ, bằng cấp để dễ dàng tìm được công việc hoặc hoạt động thương mại trong nền kinh tế số hiện nay.
Một số tổ chức là các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cũng đã bày tỏ sự quan tâm đối với việc kết nối giữa nhà trường, người khuyết tật để người khuyết tật có thể tham gia thiết thực hơn vào các hoạt động thương mại, trên cơ sở khung pháp lý mang tính đa chiều trong đó nền kinh tế số, và các nền tảng số đóng vai trò trung tâm.
Theo thống kê của ngành lao động, cả nước hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó, chỉ khoảng 31% có việc làm, chủ yếu làm ở khu vực chính thức. Đây cũng là đối tượng bị ảnh hưởng rất nặng nề kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy đến. Khảo sát mới đây của Hội Người mù Việt Nam cho thấy, khoảng 30% người khuyết tật đã bị mất việc làm, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị cắt lương.
Nhiều ý kién cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ người khuyết tật có việc làm còn thấp, trong đó phải kể đến là bất cập trong trong hệ thống pháp luật. Nhiều doanh nghiệp không "mặn mà", từ chối nhận người khuyết tật vào làm việc.
Còn bà Đào Thu Hương, cán bộ của tổ chức Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng chính sách việc làm đối với người khuyết tật có những điểm không còn phù hợp. Tuy nhiên theo bà, một phần nguyên nhân khiến người khuyết tật khó tiếp cận việc làm còn do nhận thức của chính đối tượng này. Bà Trần Thị Hồng Hải, Phó Ban Đối ngoại, Phụ nữ và Trẻ em, Hội Người mù Việt Nam cũng thừa nhận tỷ lệ người khuyết tật có việc làm thấp một phần do hạn chế về hiểu biết pháp luật.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng để nâng cao tỷ lệ người khuyết tật có việc làm, các chính sách về lao động việc làm cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, bản thân người khuyết tật phải có ý thức tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ, hiểu biết nhằm đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm.