Hiện nay, công nghệ thông tin với những ứng dụng tiện ích đã và đang trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho con người trong cuộc sống. Với người khuyết tật, công nghệ thông tin trong công cuộc chuyển đổi số ngày càng trở nên có ý nghĩa hơn khi có thể giúp họ giải quyết được những khó khăn gặp phải trong học tập, lao động, sinh hoạt và tham gia vào các hoạt động xã hội. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cuộc sống một cách thuận lợi và đầy đủ hơn, để họ có thể vững tin trên hành trình lan tỏa những năng lượng tích cực tới xã hội.
Chia sẻ trên báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, bà Huỳnh Ngọc Hồng Nhung - Chủ tịch hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ cho rằng, người khuyết tật là nhóm yếu thế thường gặp khó khăn trong việc vận động. Vì vậy, chuyển đổi số có vai trò quan trọng đối với việc hòa nhập của người khuyết tật về sinh hoạt thường nhật cũng như trong tìm kiếm việc làm. Qua đó, người khuyết tật có thể tự mình tham gia các công việc như tham gia thủ tục hành chính, ngân hàng, giao tiếp với người thân, bạn bè, mua sắm online... Các tiện ích của việc chuyển đổi số ngày càng hiện đại cũng như dễ dàng truy cập hơn, giúp người khuyết tật trên địa bàn tham gia vào hoạt động xã hội nhiều hơn, tích cực hơn.
Tuy nhiên, việc thiếu các ứng dụng công nghệ thông tin thuần Việt dành cho người khuyết tật khiến họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận với các nền tảng số.
Là một người khiếm thị, anh Đàm Văn Hợp (Đắk Lắk) chia sẻ với báo Lao Động rằng, phần lớn các ứng dụng công nghệ ở thời điểm hiện tại khó sử dụng với anh. Các ứng dụng có thể tiếp cận được thì hầu hết đều có giao diện phức tạp, phần mềm đọc màn hình không thân thiện. Người khiếm thị phải phụ thuộc vào người khác hoặc sử dụng các ứng dụng thay thế.
Còn anh Nguyễn Thế Đạt (Hà Đông, Hà Nội) cũng nhận thấy tại Việt Nam, các ứng dụng công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật còn khá ít. Các công ty phát triển ứng dụng công nghệ chưa thực sự phù hợp với người khuyết tật. Dù rất yêu thích công nghệ nhưng anh Đạt vẫn chưa tìm được lối ra cho mình cũng như nhiều người khuyết tật khác.
Trang web tích hợp trợ lý ảo tương tác bằng giọng nói và công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói (ảnh minh họa - vnexpress.net).
Theo ANTV, việc chuyển đối số hiện nay không chỉ tạo thuận lợi cho người khuyết tật trong công việc mà cả trong cuộc sống. Bởi các tiện ích, dịch vụ được chuyển đổi số ngày càng hiện đại và dễ dàng hơn, giúp người khuyết tật có thể hòa nhập và tự mình thực hiện các hoạt động như sử dụng dịch vụ công, dịch vụ y tế, giao tiếp, mua sắm trực tuyến. Tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội nâng cao trình độ kiến thức và tiếp cận các thông tin việc làm dễ dàng hơn. Việt Nam đã không ngừng nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận của người khuyết tật với công nghệ thông tin. nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thúc đẩy quyền và mức độ hoà nhập của người khuyết tật trong chuyển đổi số thì cần phải có thêm nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa trong việc thiết kế và ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin dành riêng cho người khuyết tật.
Việc chuyển đổi số đang không ngừng lan tỏa trong mọi lĩnh vực, sẽ mở ra nhiều cơ hội để người khuyết tật chủ động hơn trong việc tiếp cận, thích ứng và hòa nhập cuộc sống. Từ đó, tạo sự bình đẳng trong xã hội, giúp người khuyết tật thu hẹp “khoảng cách số” để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi số.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-trong-cong-cuoc-chuyen-doi-so1683806596.html