Cảnh báo quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng bản chất
Bộ Y tế cho biết, hiện nay, qua quá trình hậu kiểm, Bộ Y tế phát hiện một số sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, nhiều tổ chức, cá nhân lấy danh nghĩa tặng quà tặng từ thiện nhưng thực chất là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mạo danh danh nghĩa cơ quan y tế, cơ quan quân đội, công an, thậm chí quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng có thể chữa tiểu đường, huyết áp, xương khớp,…
Trong khi Thanh tra Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và facebook để làm rõ các tồn tại nêu trên, Bộ Y tế khuyến cáo tới người tiêu dùng:
- Bộ Y tế khẳng định không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh, thay thế được thuốc chữa bệnh.
- Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
- Không mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc bán trôi nổi trên các trang mạng xã hội.
- Khi mua các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn bán hàng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.
- Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.
Cảnh báo quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng bản chất (ảnh minh họa).
Hà Nội dẫn đầu số điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1
Năm nay, cả nước có 24.555 điểm 10, nhiều gấp hơn 4 lần so với năm 2020. Có 3.859 lượt học sinh đạt từ 27,0 điểm của tổng 3 môn thi theo các khối thi đại học truyền thống, tăng 1.775 lượt so với năm 2020.
Điểm cao nhất của thí sinh Hà Nội ở khối A00 là 29.15 điểm, khối A01 là 29.15 điểm, khối B00 là 29.5 điểm, khối C00 là 28.75 điểm và khối D00 là 29.1 điểm.
Trong 100 thí sinh có tổng điểm các bài thi cao nhất cả nước, Hà Nội có 17 thí sinh, trong đó thí sinh Trần Ngọc Anh - lớp 12 chuyên Văn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam giữ vị trí thủ khoa của cả nước với tổng số điểm thi là 57,45 điểm.
Thí sinh Trần Thị Bích Ngân - lớp 12 chuyên Địa của trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam có ba trong tổng số 6 bài thi đạt điểm 10, ở các môn Địa lý, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ.
Theo thống kê, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 với 2.239 thí sinh. Tiếp đến, TP HCM với 1.641, Thanh Hoá 1.275, Hải Phòng 1.124.
Dữ liệu điểm thi của Bộ GD&ĐT cung cấp, môn Giáo dục Công dân có 18.680 điểm 10, nhiều gấp năm 2020 là 4,45 lần (năm 2020 có 4195 điểm 10 môn này).
Môn Ngoại ngữ có 4.582 điểm 10, nhiều gấp năm 2020 là 13,9 lần (năm 2020 có 328 điểm 10).
Các môn Toán, Hoá, Địa lý, Lịch sử có số điểm 10 ít hơn năm trước.
Hà Nội dẫn đầu số điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 (ảnh minh họa; nguồn Phapluatplus.vn).
Chuyến tàu đặc biệt chở 814 công dân về Hà Tĩnh
Chuyến tàu đặc biệt mang số hiệu SE14, chở 814 công dân sinh sống, làm việc tại TP.HCM và các tỉnh phía nam đã về đến Hà Tĩnh.
Trước đó, Hà Tĩnh lên phương án đón công dân tại TP.HCM cùng các tỉnh vùng dịch về quê. Người dân muốn về quê sẽ đăng ký với Sở Lao động, Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Hà Tĩnh hoặc qua Hội đồng hương Hà Tĩnh tại các tỉnh phía nam.
Để chuẩn bị cho việc đón công dân về quê, 13 huyện, thị, thành phố của Hà Tĩnh đã kích hoạt các khu cách ly tập trung và điều kiện cần thiết để đưa người có nhu cầu trở về, đảm bảo quy định phòng dịch.
Rạng sáng 26/7, chuyến tàu đặc biệt mang số hiệu SE14 đã đưa 814 công dân Hà Tĩnh sinh sống, làm việc tại TP HCM và các tỉnh phía nam về đến ga Hương Phố (huyện Hương Khê) và ga Yên Trung (huyện Đức Thọ) của tỉnh Hà Tĩnh.
Khoảng 3h45’ ngày 26/7, đoàn tàu dừng tại ga Hương Phố, thị trấn Hương Khê, tại đây có 92 hành khách xuống tàu. Ngay khi xuống sân ga, họ được lực lượng chức năng hướng dẫn đi theo lối riêng để ra xe đợi sẵn di chuyển về điểm cách ly tập trung.
Lực lượng chức năng địa phương đón người dân từ vùng dịch về quê an toàn, đảm bảo quy định phòng dịch bệnh. Người dân khi xuống tàu sẽ di chuyển đến vị trí khai báo thông tin và được cán bộ y tế đo thân nhiệt trước khi đưa lên xe về khu cách ly tập trung.
Sau gần 20 phút dừng ở Ga Hương Phố, tàu SE14 tiếp tục hành trình chở số công dân còn lại của 11 địa phương về ga Yên Trung (thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ).
Chuyến tàu đặc biệt chở 814 công dân về Hà Tĩnh (ảnh Phapluatplus.vn).
4 trường hợp người lao động được trả lương ngừng việc vì Covid-19
Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có Công văn 264/QHLĐTL-TL gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố về việc trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Công văn hướng dẫn việc trả lương ngừng việc như sau:
- Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 99 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.
- Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như:
(1) Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
(2) Người lao động phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3) Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
(4) Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc.
Thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 99 của Bộ luật Lao động, cụ thể:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 (áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP ):
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I: 4.420.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II: 3.920.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III: 3.430.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng.
4 trường hợp người lao động được trả lương ngừng việc vì Covid-19 (ảnh minh họa; nguồn: dangcongsan.vn)
Thực hư thông tin Hà Nội lập 3.000 chốt kiểm dịch COVID-19 trong nội thành
Ngày 26/7, trên mạng xã hội facebook bất ngờ xuất hiện một bài đăng có nội dung: “sáng mai Hà Nội có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải có đầy đủ giấy tờ tuỳ thân và chứng minh lý do ra đường có lý do cần thiết. Cả nhà chia sẻ cho nhau biết nhé”.
Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, bài đăng đã thu hút sự chú ý của dư luận và gây hoang mang trong thời điểm TP.Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ thướng Chính phủ.
Liên quan đến thông tin này, cùng ngày, một lãnh đạo Công an TP.Hà Nội cho biết thông tin nói trên hoàn toàn là bịa đặt và không có cơ sở, gây hoang mang dư luận.
Theo vị này, Công an TP.Hà Nội đã đề nghị các đơn vị nghiệp vụ an ninh mạng, Thanh tra Sở thông tin và Truyền thông xác minh, xử lý người đăng tải thông tin sai sự thật, gây hoang mang cho người dân nói trên.
Trước đó, TP.Hà Nội đã triển khai 23 chốt kiểm dịch COVID-19 tại các cửa ngõ Thủ đô có nhiệm vụ kiểm soát phương tiện và người từ các địa phương khác tiến vào Hà Nội và ngược lại. Tại 23 chốt kiểm dịch có 11 cán bộ gồm 2 cán bộ cảnh sát giao thông, 1 cảnh sát cơ động, 2 thanh tra giao thông, 2 cán bộ y tế, 2 cán bộ quân đội và 2 cán bộ tư pháp của địa phương. Tổ trưởng được giao cho lực lượng Cảnh sát sát giao thông.
Thông tin sai sự thật được lan truyền trên mạng xã hội.
Hà Nội xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng trong 3 ngày giãn cách xã hội
Ngày 26/7, Công an TP.Hà Nội cho biết, trong ngày các đơn vị tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, nhắc nhở, tuyên truyền và xử phạt hành chính đối với 250 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền 499,5 triệu đồng, 11 cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành việc tạm dừng hoạt động bị phạt 54 triệu đồng.
Ngoài ra, các đơn vị cũng xử phạt hơn 268 triệu đồng đối với 135 trường hợp có các hành vi vi phạm phòng, chống dịch khác như không thực hiện biện pháp cách ly, ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang không đúng quy cách...
Tại quận Thanh Xuân, từ ngày 24/7 đến 10h sáng 26/7, các đơn vị lập biên bản xử phạt 24 trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, trong đó 13 cá nhân ra đường không có lý do chính đáng, 11 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, tổng số tiền phạt là 53 triệu đồng.
Ngày 26/7 là ngày thứ 3 Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng chức năng quận Ba Đình tiếp tục cắm chốt, duy trì xử phạt các cá nhân ra ngoài đường không có lý do chính đáng; ngăn chặn giải quyết dứt điểm không để các chợ tạm hoạt động; đảm bảo giãn cách phòng chống dịch tại chợ truyền thống.
Riêng sáng 26/7, theo Ban Chỉ đạo Phòng Chống dịch phường Ngọc Khánh, thành viên Ban Chỉ đạo 197 phường đã tăng cường các chốt trực, kiểm tra, xử phạt 8 trường hợp vi phạm với số tiền 8 triệu đồng.
Như vậy, tính từ thời điểm Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội đến nay, công an thành phố và các đơn vị đã xử phạt hành chính số tiền hơn 1,5 tỷ đồng các trường hợp vi phạm.
Trong những ngày tiếp theo của đợt giãn cách này, Công an TP Hà Nội sẽ tích cực phối hợp, tiếp tục tuyên truyền, đồng thời tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, quyết tâm cùng toàn thể hệ thống chính trị và người dân Thủ đô chung sức, đồng lòng chiến thắng được dịch bệnh.
Hà Nội xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng trong 3 ngày giãn cách xã hội (Ảnh minh họa).
Người phụ nữ đá văng dép, "múa võ" trước mặt công an tại chốt kiểm dịch
Mạng xã hội lan truyền đoạn clip, hình ảnh ghi lại cảnh một người phụ nữ ăn mặc chỉn chu nhưng có nhiều hành động làm náo loạn tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 như đá văng đôi dép đang đi, liên tục "múa võ", đánh trống... ngay trước mặt lực lượng chức năng.
Trả lời báo chí một vị lãnh đạo Công an xã Tiến Thắng cho biết, chốt kiểm soát dịch Covid-19 được các lực lượng chức năng đặt trên địa bàn xã tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc để kiểm soát các phương tiện và người ra vào thành phố. Sau khi người phụ nữ có nhiều hành động lạ tại chốt kiểm dịch, lực lượng chức năng đã mời người này lại làm việc.
Người phụ nữ liên tục có những hành động lạ ngay trước mặt lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch (nguồn nld.com.vn)
"Khi làm việc với lực lượng chức năng, người này không xuất trình được giấy tờ tuỳ thân nào. Đồng thời, lực lượng chức năng xác định người phụ nữ này không đủ năng lực hành vi dân sự (có biểu hiện không bình thường) nên không xử lý và cho người thân đưa về" - vị lãnh đạo cho biết thêm.