Theo báo cáo về “Thị trường ứng dụng di động 2021” do Appota, công ty cung cấp các giải pháp nền tảng và nội dung cho ngành công nghiệp giải trí số tại Việt Nam, phát hành, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó có 64% thuê bao kết nối 3G và 4G.
Tỷ lệ người dùng internet cũng chiếm 70%, với trung bình 6,5 giờ/ngày, trong đó, 95% dùng internet qua thiết bị di động với trung bình 3,3 giờ/ngày.
Nền tảng số chiếm nhiều thời gian của người Việt nhất vẫn là Facebook, với 25% thời gian, và kế đó là YouTube chiếm 12% thời gian dùng điện thoại của người Việt Nam. Tiếp theo là Zalo (7%), Messenger (6%) và TikTok (4%).
Việt Nam được xem là quốc gia có tỉ lệ dân số sử dụng internet cao trong khu vực và là thị trường đầy tiềm năng cho các nền tảng số, ngành công nghiệp quảng cáo, giải trí, thương mại số.
Trong số các ứng dụng phổ biến được tải xuống tại Việt Nam, các ứng dụng mạng xã hội, xem phim và nhắn tin được tải xuống nhiều nhất, với các tỉ lệ lần lượt là 28%, 16% và 15%.
Vẫn theo báo cáo của Appota, năm 2020, TikTok trở thành ứng dụng phát triển mạnh nhất với 30% người dùng di động tại Việt Nam cài đặt ứng dụng, khiến TikTok trở thành mạng xã hội phổ biến thứ 4 tại Việt Nam, sau Facebook, Zalo và Instagram.
Lý giải cho sự bùng nổ này, báo cáo của Appota cho rằng tình trạng cách ly, giãn cách xã hội đã góp phần giúp TikTok trở thành ứng dụng giải trí phổ biến nhất với gần 2 triệu lượt tải mỗi tháng, với hầu hết người dùng là thuộc thế hệ Z, từ 16-24 tuổi.
Ngoài ra, các ứng dụng giao đồ ăn vốn xa lạ với người dân Việt Nam trước đây (chỉ chiếm 20%) giờ cũng trở thành nhu cầu và thói quen hàng ngày, với tỷ lệ tăng gấp 4 lần trong năm 2020 do đại dịch COVID-19 bùng phát.