Em Phạm Thị Mỹ ( lớp 10A6 Trường THPT Phước Long, tỉnh Bình Phước) khuyết tật từ trong bụng mẹ. Mặc dù được bố mẹ đưa đi tập vật vật lý trị liệu, nhưng bệnh tình không cải thiện.
Năm 2017, chị Phượng và anh Khánh (bố mẹ Mỹ) bỏ nghề chài lưới ở Bạc Liêu, lên Bình Phước mưu sinh. Tại đây, anh Khánh ngày đi bán vé số, tối chạy xe ôm. Chị Phương bóc vỏ lụa hạt điều ở xưởng gần phòng trọ để tiện lo cho con. Cuộc sống chưa kịp ổn định thì xảy ra đại dịch Covid-19 khiến hai vợ chồng mất việc làm. Khó khăn thêm chồng chất khi anh Khánh bị viêm túi mật, phải nằm viện hơn 2 tháng nay.
Em Mỹ luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm qua (Ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng)
Tuy nhà nghèo, bản thân tàn tật nhưng ý chí học hành của em Mỹ khiến mọi người cảm phục. Suốt 10 năm qua, Mỹ luôn đạt danh hiệu học sinh vượt khó học giỏi. Năm 2020, Mỹ xuất sắc giành huy chương vàng môn điền kinh tại hội thao dành cho người khuyết tật tỉnh Bình Phước. “Vợ chồng tôi không biết chữ. Anh và chị của Mỹ cũng chưa học hết lớp 5 bởi gia cảnh quá nghèo. Thấy Mỹ chịu học và học được, chúng tôi ủng hộ, động viên con, nhưng sắp tới sẽ rất khó khăn khi chỉ còn mình vợ tôi bươn chải”, anh Khánh trải lòng.
Tương tự, em Nguyễn Đình Khải (SN 2014, thôn Phủ, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) bị khuyết tật bẩm sinh, không có 2 tay. Tuy cuộc sống có khó khăn, vất vả nhưng Khải luôn có tinh thần rất cao trong việc học tập, nhiều năm liền cháu được nhà trường khen thưởng có thành tích khá trong học tập.
Em Khánh viết chữ bằng chân rất đẹp (Ảnh: VOV)
Bố em cho biết, từ khi 2 tuổi Khải đã nói sõi, cháu biết dùng chân chơi trò chơi, tự xúc ăn cơm… Khi đi mẫu giáo, anh Thịnh mong con có môi trường để hòa nhập, Khải có thể thoải mái chơi đùa cùng bạn bè, được tập tô, tập vẽ, tập viết cùng các bạn. Niềm mong mỏi của người cha đã trở thành hiện thực với sự nhiệt tình trợ giúp của thầy cô, Khải đã có thể làm được nhiều thứ bằng đôi chân của mình.
Nghị lực của cậu bé khiến nhiều người khâm phục, cảm động.