Những năm qua, Chương trình Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm của giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14% thấp hơn giai đoạn 1999 - 2009 là 1,18%[3], thấp hơn rất nhiều so với 3-4 thập kỷ trước đây là trên dưới 3%/năm. Nhờ thực hiện tốt Kế hoạch hoá gia đình đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội.
Tuy nhiên, thách thức trong công tác dân số thời gian tới là rất lớn đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Dự báo trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta vẫn tiếp tục gia tăng và đạt cực đại vào năm 2027-2028. Đặc biệt với những đối tượng thanh niên- nhóm đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục do thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết cũng cần được quan tâm.
Thực tế, tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên, thanh niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình còn một số hạn chế.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), hàng năm có khoảng 250.000 - 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Mặc dù tỷ số phá thai đã giảm nhưng vẫn còn cao. Trường hợp mang thai ngoài ý muốn do không áp dụng biện pháp tránh thai chiếm 55,6%; do thất bại của các biện pháp tránh thai là 39,5% (sử dụng không đúng cách, sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả); do nhu cầu không được đáp ứng - có nhu cầu kế hoạch hóa gia đình nhưng không được cung cấp biện pháp tránh thai, không tiếp cận được dịch vụ.
Do đó, việc thực hiện tốt hơn nữa công tác Kế hoạch hoá gia đình rất cần thiết, nhằm:
- Giảm tối đa số sinh: Thực hiện tốt chính sách Kế hoạch hóa gia đình, giảm được tỷ lệ tử vong ở người mẹ do sinh nở nhiều lần. Đồng thời, tránh được tình trạng phá thai ngoài ý muốn, giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cũng như giảm vô sinh và mang thai bên ngoài tử cung.
- Giảm nhẹ gánh nặng gia đình: Hỗ trợ làm giảm bớt phần nào gánh nặng về gia đình, có nhiều thời gian chăm sóc và nuôi dạy con cái tốt hơn, cũng như điều kiện tham gia vào công tác xã hội. Để từ đó khiến cho cuộc sống gia đình hạnh phúc, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
- Sự ổn định về cuộc sống: Với các cặp vợ chồng trẻ, nguồn kinh tế chưa ổn định thì việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình sẽ giúp có kế hoạch sinh đẻ phù hợp với hoàn cảnh, có hoạch định về cuộc sống và trẻ sinh ra có đủ điều kiện học tập, công tác, nuôi dạy con ngoan khỏe, có ích cho xã hội.
Trường hợp chị em trên 40 tuổi, thực hiện kế hoạch hóa gia đình sẽ giúp họ nhận thức được sự nguy hiểm ở lứa tuổi này, cụ thể như sinh con sẽ gia tăng tỉ lệ bất thường ở trẻ, tăng cao nguy cơ bị tử vong, mắc bệnh lý cho cả mẹ lẫn bé...
https://hoanhap.vn/chi-tiet/day-manh-cong-tac-ke-hoach-hoa-gia-dinh-tai-viet-nam-van1639043449.html