Theo đó, thầy cùng các giáo viên khác của trường đã tổ chức xây dựng nhóm hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng học trên lớp đòi hỏi sự trao đổi qua lại tích cực giữa các học sinh. Điều này có tác động tích cực đối với các em khuyết tật như: Tăng cường động cơ học tập, khuyến khích nảy sinh hứng thú mới, kích thích sự giao tiếp…
Thầy cô giáo còn xây dựng các nhóm hỗ trợ về ngôn ngữ đọc, viết. Ở các nhóm này, giáo viên tập trung vào mục tiêu giải quyết những khó khăn trong đọc văn bản và kỹ năng viết (bao gồm cả viết đúng nội dung và phần chính tả, hình thức chữ viết) của học sinh khuyết tật.
Các hình thức hỗ trợ trong nội dung này có thể thực hiện linh hoạt cả ở trên lớp, trong giờ ra chơi hoặc ở nhà để học sinh khuyết tật có thể tự luyện tập dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của học sinh bình thường khác. Giáo viên cũng thường xuyên theo dõi hiện trạng chữ viết của các bạn học sinh khuyết tật, xác định nguyên nhân các bạn viết chữ xấu (cách cầm viết, tư thế ngồi, khó khăn do khuyết tật, tâm lý khi viết…), từ đó lựa chọn phương pháp giúp đỡ cho phù hợp.
Thầy cô cũng thường xuyên biểu dương những tấm gương về sự cố gắng, nỗ lực thay đổi cách viết. “Nét chữ là nét người” - sự cố gắng, nỗ lực của các bạn học sinh trong rèn luyện chữ cần được ghi nhận và khuyến khích phát huy trong toàn thể lớp học - đây cũng là điều mà giáo viên cần biết để động viên học sinh khuyết tật.
Thầy giáo tích cực hỗ trợ các em hòa nhập học tập (Ảnh: Báo Lao động)
Ngoài ra, các kênh truyền thông khác như trang Facebook, Zalo của Đoàn trường, của chi đoàn lớp cũng cập nhật liên tục các hoạt động, việc làm giúp đỡ các bạn khuyết tật. Vai trò, chức năng của nhóm cộng đồng rất quan trọng góp phần đổi mới nhận thức về học sinh khuyết tật trong cộng đồng dân cư và gia đình học sinh khuyết tật; Tư vấn cho gia đình về các khó khăn trong học tập của học sinh khuyết tật để giúp đỡ, tạo niềm tin cho họ… Tất cả góp phần lan tỏa niềm tin, sự chia sẻ, yêu thương tới học sinh khuyết tật trong nhà trường.
Còn tại Thái Nguyên, có khoảng trên 1.500 học sinh khuyết tật đang theo học. Không may mắn có được sức khỏe tinh thần và thể trạng bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa, những học sinh khuyết tật gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình sinh hoạt, học tập cùng mọi người. Thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp phải thực sự thấu hiểu, kiên nhẫn mới có thể giúp các em dần phát triển.
Nhiều giáo viên phụ trách lớp có học sinh khuyết tật thường phải đến thăm gia đình các em, tìm hiểu hoàn cảnh và tâm tư học trò cũng như người nhà, cùng động viên, chia sẻ những khó khăn trong giáo dục, nên dần dần đã tạo được sự tin cậy và hợp tác tốt của phụ huynh. Sau mỗi kỳ và mỗi năm học, các em biết đọc, biết viết, biết làm toán, không chỉ thầy cô giáo vui mừng, mà gia đình cũng từ đó thêm niềm tin với nhà trường với giáo viên.
Hay cô Linh Thị Sơn giáo viên trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội, người luôn hết lòng kề vai, sát cánh vì học sinh câm điếc không quản ngại khó khăn. Cô giáo Linh Thị Sơn chia sẻ, cô sinh năm 1985, dân tộc Nùng, trong một gia đình có bố mẹ là nông dân, ở huyện miền núi Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, có 5 anh chị em.
Cô giáo Sơn dạy trẻ khuyết tật (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)
Bản thân cô Sơn cũng là một người khuyết tật từ nhỏ, vì vậy cô luôn có những sự thấu hiểu và đồng cảm nhất định đối với những người khuyết tật trong xã hội. Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, chủ nhiệm lớp, cô Sơn còn được Ban giám hiệu nhà trường tín nhiệm giao thêm nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội của trường.
Xuất phát từ tình yêu đối với các em học sinh câm điếc nơi đây mà cô Tổng phụ trách đội của trường luôn cần mẫn cùng học sinh xây dựng và tập luyện các tiết mục văn nghệ không quản sớm tối hay ngày nghỉ.
Cô Sơn cùng với Đội văn nghệ của nhà trường xây dựng tập luyện các tiết mục văn nghệ tham gia Liên hoan văn nghệ trẻ em thiệt thòi toàn thành phố và cũng đạt danh hiệu tiết mục xuất sắc tiêu biểu; góp phần thúc đẩy các phong trào của nhà trường đi lên. Với tư cách là Tổng phụ trách đội của trường cô đã kết hợp cùng nhóm Dự án Kid+ tổ chức buổi chia sẻ về nội dung phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho toàn bộ học sinh trong trường, giúp các em nâng cao hiểu biết và phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục.
Đặc biệt, cô thường xuyên cùng với học sinh tổ chức các chương trình sinh nhật tập thể, giao lưu với các hội nhóm, trường bình thường nhằm góp phần nâng cao hiểu biết của xã hội đối với người khiếm thính nói riêng, người khuyết tật nói chung, giúp các em tự tin, hòa nhập với cộng đồng. Cô cũng tổ chức các hoạt động vui chơi ngoại khóa cho học sinh để các em luôn cảm thấy tự tin và hòa nhập với các bạn trong và ngoài nhà trường.