Đó là câu chuyện của chị Phạm Thi Trang tại sự kiện "Ngày hội việc làm dành cho người khuyết tật trên nền tảng online Metaverse 2022" do chương trình Tình nguyện Quốc tế World Friends Korea tổ chức trong tuần qua.
Với vai trò diễn giả, chị cho biết, bản thân sinh ra khoẻ mạnh nhưng do di chứng của một số căn bệnh mà chị trở nên khuyết tật. Năm đó, chị mới 18 tuổi. Việc học hành dang dở, chị trải qua nhiều công việc khác nhau, có thời gian buôn bán ngoài đường. Bất kể ngày nắng hay mưa, chị Trang lên chợ Đồng Xuân lấy quần áo về bán ở các chợ, vỉa hè, quán nước. Không ít lần chị Trang bị nhân viên quản lý trật tự đô thị thu giữ hàng vì sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để bày bán hàng hóa.
Năm 2012, chị tham gia Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân và được cô chú trong hội động viên học thêm trung cấp để tìm một công việc phù hợp.
Sau khi học xong trung cấp, khi đó chị đã 30 tuổi bắt đầu xin việc ở một công ty dịch thuật. Theo thông báo của người quản lý, chị sẽ thử việc trong một tuần, nhưng hết một tuần chị lại bước sang thử việc tuần thứ hai, thứ ba... mà không hề có phản hồi. Thêm vào đó, sự khắt khe của người quản lý khiến nhiều lần chị Trang phải nuốt ấm ức vào trong. Đến tuần thứ tư, chị Trang gặp quản lý và đề nghị xin rút hồ sơ để tìm cơ hội mới nếu chị chưa đạt tiêu chuẩn của công ty. Chị cũng cho rằng đã thử việc tuần thứ tư mà không được thì chị cũng không thể giúp ích gì cho sự phát triển của công ty. Nghe chị nói vậy, người quản lý cho biết sang tuần sẽ báo cáo cấp trên để ký hợp đồng.
Chị Trang nhận bằng khen của Ủy ban Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC
"Hóa ra họ thử tính kiên nhẫn của mình và tôi nhận ra rằng mình không đủ tính kiên nhẫn. Trong cuộc sống cần nhất là sự nỗ lực, kiên trì và biết nhẫn ở thời điểm cần thiết", chị Trang rút ra kết luận sau quãng thời gian thử việc. Ngày nhận được tháng lương đầu tiên, chị vô cùng sung sướng. Dù đồng lương không cao nhưng chính là động lực để chị tiếp tục cố gắng.
Một thời gian sau, chị Trang chuyển sang một văn phòng khác. Sau một thời gian, chị Trang tích lũy được vốn kinh nghiệm và nghỉ việc ở công ty, mở một cửa hàng dịch thuật nho nhỏ. Ngoài ra, chị cũng kinh doanh thêm một số mặt hàng tiêu dùng. Thời điểm hiện tại, chị Trang thấy hài lòng với công việc cũng như mức thu nhập.
Ngoài ra, chị còn tham gia Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật quận Thanh Xuân, chị Trang đã mang tâm niệm chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm mình đã trải qua và có một công việc trước là để giúp bản thân mình, sau là giúp được những người xung quanh.
Để trang bị nghề nghiệp cho người khuyết tật trong Câu lạc bộ, chị Trang đã tổ chức một số lớp đào tạo tin học, photoshop... dưới sự hỗ trợ của Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ cũng tổ chức các lớp tiếng Anh miễn phí với các tình nguyện viên trong nước và nước ngoài. Qua các lớp học, nhiều thanh niên khuyết tật được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hỗ trợ giới thiệu đến một số doanh nghiệp.
Chị Trang chia sẻ: "Khi người khuyết tật được hỗ trợ và bản thân mỗi người quyết tâm dấn thân, chịu khó thì sẽ thành công. Còn nếu chỉ đứng nhìn hay nghĩ rằng mình không làm được thì cơ hội sẽ qua đi, bản thân người khuyết tật cũng không biết được năng lực của mình ở đâu. Cách tốt nhất chính là thay đổi chính bản thân mình".
Tương tự, chị Đặng Thị Sáu- hội viên khuyết tật thôn Đông 2, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa). Sinh ra trong gia đình nghèo, bị khuyết tật bẩm sinh ở chân, khiến việc đi lại rất khó khăn.
Mặc dù phải chịu thiệt thòi, khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày, và khó hơn tìm kiếm việc làm phù hợp, chị đi gõ cửa khắp nơi nhưng chẳng ai nhận vào làm, không vì vậy mà chị buông xuôi, phó mặc cho số phận. Từ đó, chị luôn nung nấu ý nghĩ phải làm điều gì đó để chăm lo cho gia đình, chị nghĩ còn đôi tay khỏe mạnh là còn khả năng lao động, chị quyết tâm tìm cho mình một công việc để nuôi bản thân.
Hội Phụ nữ xã luôn đồng hành, chia sẻ và dành cho chị Sâu nhiều sự động viên, lúc đầu Hội hỗ trợ cho chị mượn vốn xoay vòng tại Chi hội với số tiền 6 triệu đồng và Hội trao phương tiện sinh kế để tạo điều kiện cho chị nuôi gà thả vườn. Lấy ngắn nuôi dài, đến nay gia đình chị nuôi 100 con gà và 50 con gà mái đẻ, hàng tháng thu nhập khoảng 1- 2 triệu đồng/tháng.
Bằng nghị lực và sự cần cù, chăm chỉ của bản thân, tuy chị không có đôi chân nhanh nhẹn nhưng bù lại chị có đôi bàn tay rất khéo léo, khỏe mạnh. Tất cả mọi việc tưởng chừng như đơn giản nhưng nó là cả sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chị, nhờ nghị lực và ý chí vươn lên.
Không ngừng ở đó chị còn tận dụng số tiền nuôi gà để mở sạp bán rau hành tại chợ thôn Đông, đến nay cuộc sống của chị đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định nhờ vào chăn nuôi gà và sạp bán rau hành tại chợ thôn Đông.
Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào phụ nữ, sinh hoạt tổ Hội rất năng nổ nhiệt tình, chị sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm làm ăn với những người khuyết tật cùng hoàn cảnh với chị và bà con lối xóm, được nhiều người trong thôn tin yêu và quý trọng.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/tu-co-gai-ban-hang-rong-den-ba-chu-cua-hang-dich-thuat1652544277.html