Anh Nguyễn Ngọc Thưởng (27 tuổi) và chị Diệp Thị Bé Thu (26 tuổi), sống tại phường 3, TP.Vị Thanh (Hậu Giang). Cả hai không may mắn khi phát triển cơ thể không bình thường, khuyết tật ở chân, đi phải chống nạng.
Anh Thưởng cho hay, anh đã từng đi học may 3 tháng tại địa phương. Xin việc ở địa phương không được. Chàng trai tật nguyền quyết tâm chuyển sang mô hình nuôi cá, gà , vịt. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm, nhiều lần bán bị rớt giá, thất thoát nên anh lên TP.HCM tìm con đường mới. Nhờ sự chỉ dẫn của người quen, anh xin được công việc tại nhà máy sản xuất bao bì, dành cho người khuyết tật.
Chăm chỉ làm việc, trong tay có ít vốn, anh chàng lại về quê "xây" tiếp giấc mơ làm trang trại. Nhờ sự hỗ trợ của Đoàn phường về vốn vay, anh Thưởng có điều kiện mở rộng mô hình. Đợt vừa rồi, anh xuất bán gần 5.000 con gà, thu lãi hơn 40 triệu đồng.
Anh Thưởng phát triển kinh tế từ chăn nuôi gà (Ảnh: Thanh Niên)
Và rồi trời se duyên, đưa chị Thu Bé- cô gái cùng khuyết tật chân đến với anh Thưởng, cùng xây dựng gia đình. Không chỉ phát triển kinh tế, anh Thưởng còn là chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật của địa phương.
Không chỉ kết nối các bạn trẻ khuyết tật tham gia CLB, anh còn nỗ lực vận động xe lăn, tặng quà hỗ trợ thanh niên cùng cảnh ngộ và các em nhỏ có số phận thiệt thòi. Vừa qua, anh Thưởng phối hợp đoàn phường đi trao trực tiếp 15 phần quà cho thanh niên và 25 suất cho các em thiếu nhi khuyết tật. Anh cũng là 1 trong 50 tấm gương khuyết tật được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương danh hiệu Toả sáng nghị lực Việt 2021.
Chăn nuôi gà không quá kỳ công, song với vợ chồng anh thì rất vất vả, gian nan. Song, việc nào làm được, cả hai vợ chồng cùng tự túc còn những lại có người thân hỗ trợ.
Tổ ấm nhỏ của đôi vợ chồng khuyết tật (Ảnh: Thanh Niên)
Sau một năm chung sống, cả 2 nhận tin vui, bé trai kháu khỉnh chào đời, được đặt tên là Minh Nhật. “Khuyết tật, lại khởi nghiệp từ tay trắng, vợ chồng tôi khuyên nhau cố gắng làm thì khó khăn cũng chỉ là thử thách. Chúng tôi mong muốn con lớn lên sẽ có điều kiện học hành tử tế để có tương lai xán lạn hơn”, chị Thu bộc bạch.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Phương Thanh (sinh năm 1978, ngụ ấp Sơn Hòa, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, An Giang) cũng là người khuyết tật vượt khó, có ích cho xã hội. Hai chân bại liệt, chỉ học hết lớp 9 và chị chọn nghề may để phụ giúp gia đình.
Từ hai bàn tay trắng và kinh nghiệm nghề, đến nay chị Thanh đã mở được cơ sở may cho riêng minh, với gần 30 lao động. Công việc thuận lợi, đầu ra ổn định, một tuần trung bình cơ sở của chị xuất 2 đơn hàng, số lượng từ 3.0000-4.000 sản phẩm. Thu nhập bình quân tại đây từ 3,5 -4 triệu đồng/tháng.