Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 1/12, Tướng Xô cho biết, vụ án Việt Á rất phức tạp, nhiều bị can là cán bộ, đảng viên, thậm chí cán bộ cao cấp. Tại vụ án do Bộ Công an điều tra, trong 29 bị can bị áp dụng biện pháp ngăn chặn có 2/3 là đảng viên.
Do tính chất của vụ án, ngày 20/10, Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương xử lý các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý nghiêm người can thiệp, tác động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch gây hậu quả rất nghiêm trọng; có hành vi thông đồng, hợp thức hóa hồ sơ mua sắm, đấu thầu vì mục đích vụ lợi, vì động cơ cá nhân gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước; nhận tiền và lợi ích vật chất khác...
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, ngày 1/12. Ảnh: VGP
Các trường hợp được xem xét giảm nhẹ xử lý là người vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong đấu thầu, ký kết hợp đồng, hợp thức hóa hợp đồng gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng các vi phạm này xảy ra trong trường hợp cấp bách, hướng dẫn của cấp trên chưa kịp thời, chưa đầy đủ.
Những người này cũng không có hành vi vụ lợi hay động cơ cá nhân, đã chủ động kịp thời báo cáo...; không có thỏa thuận thông đồng về việc nhận hoa hồng; vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, chỉ đạo của cấp trên; những người trên tuyến đầu phòng chống dịch có nhiều thành tích đáng ghi nhận...
Các trường hợp được miễn kỷ luật nhưng yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc là người vi phạm trong bối cảnh phòng chống dịch cấp bách, không vụ lợi, không có động cơ cá nhân, gây hậu quả ít nghiêm trọng. Họ chủ động, kịp thời báo cáo đầy đủ, trung thực, tự giác, nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục cơ bản, kịp thời hậu quả do sai phạm gây ra. Những đảng viên này không giữ chức vụ mà thực hiện chức trách, nhiệm vụ do cấp trên giao.
"Chủ trương trên nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật nhưng đồng thời thể hiện tính nhân văn, khoan hồng, bản chất tốt đẹp của chế độ", ông Xô nói, cho biết Bộ Công an đề nghị người vi phạm tiếp tục trung thực khai báo với cơ quan có trách nhiệm, nộp lại số tiền đã nhận sẽ được xem xét khi vụ án tiếp tục mở rộng điều tra.
Từ khi sai phạm tại Công ty Việt Á bị phanh phui, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố gần 100 người. Trong số này có 3 nguyên Ủy viên Trung ương là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Hàng loạt lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế của 24 tỉnh, thành phố cũng bị khởi tố, tạm giam. Khi mở rộng điều tra, ngoài một vụ án do Bộ Công an đang thụ lý; các tỉnh, thành cũng khởi tố 24 vụ án theo thẩm quyền. Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng khởi tố một vụ án khác, bắt hai sĩ quan.
Vụ án được coi là điển hình về "tham nhũng có hệ thống" do tính quy mô, xảy ra từ cơ quan, bộ ngành trung ương đến các địa phương.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, nhằm thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Việt Á chi "hoa hồng" lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.