Nhà cửa của người dân bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng của bão số 6
Quảng Ngãi: Hàng chục nhà bị tốc mái, hư hỏng, 10 tàu cá còn trong vùng nguy hiểm
Do ảnh hưởng của bão số 6, tại tỉnh Quảng Ngãi chiều tối 23/6 có mưa rất to trên diện rộng, tập trung chủ yếu khu vực phía Bắc với lượng mưa phổ biến từ 120mm-250mm. Mưa lớn đã làm nhiều khu vực trũng thấp bị ngập cục bộ. Nhiều tuyến đường trung tâm thành phố Quảng Ngãi ngập sâu khoảng nửa mét do nước thoát không kịp.
Theo thống kê ban đầu của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bình Sơn, một trận lốc xoáy đã làm ít nhất 15 nhà dân bị sập, tốc mái, hư hỏng hoàn toàn. Rất may, khi xảy ra cơn lốc, người dân kịp thoát ra khỏi nhà nên không thiệt hại về người.
Hiện tỉnh Quảng Ngãi còn 10 tàu với 84 ngư dân hoạt động trên biển nằm trong khu vực nguy hiểm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi đang tiếp tục liên lạc, yêu cầu các tàu khẩn trương di chuyển tránh trú bão.
Ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi đã tập trung chỉ đạo triển khai phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 6, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, chèn chống nhà cửa, công trình công cộng… Tuy nhiên cơn lốc này rất bất ngờ, khó lường gây tốc mái một số căn nhà ở xã Bình Đông. Bây giờ, chúng tôi đang kiểm tra, khảo sát, hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn. Trước hết, bảo vệ tính mạng cho người dân. Nhà cửa, chúng tôi đang khảo sát, chuẩn xác số liệu, báo cáo cấp trên hỗ trợ cho người dân trong điều kiện có thể”.
Du lịch trong phục hồi toàn diện
Trong giai đoạn thí điểm mở cửa trở lại du lịch tại Đảo Phú Quốc, chương trình dự kiến chỉ áp dụng đối với khách đi du lịch thông qua chương trình du lịch trọn gói do doanh nghiệp lữ hành tổ chức, không áp dụng đối với người nhập cảnh với mục đích khác.
Theo đại diện Tổng cục Du lịch, ngày Du lịch thế giới năm nay (27/9) có chủ đề “Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm”. Thông điệp của Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili nhấn mạnh: "Mong muốn đi du lịch và khám phá của con người là một hành vi phổ biến, đó là lý do vì sao du lịch phải được mở cửa cho tất cả mọi người cùng trải nghiệm".
“Thông qua việc kỷ niệm ngày du lịch, chúng tôi cam kết rằng khi du lịch phát triển, lợi ích mang lại sẽ được lan tỏa tới toàn ngành ở từng cấp độ dù đây là lĩnh vực rộng lớn và đa dạng, từ hãng hàng không lớn nhất tới hộ kinh doanh gia đình nhỏ nhất. Hôm nay, chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình, khi chúng ta tiến về phía trước và nỗ lực xây dựng một thế giới thịnh vượng và hòa bình hơn thông qua du lịch, chúng tôi sẽ không bỏ ai lại phía sau. Đây là một cam kết kịp thời và tất yếu. Việc tạm ngừng du lịch quốc tế do đại dịch đã chỉ rõ mối liên quan của ngành du lịch tới xã hội của chúng ta. Những tác động tới kinh tế và xã hội đã vượt xa bản thân ngành du lịch. Và ở nhiều nơi, những thành phần dễ bị tổn thương nhất của xã hội đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất” thông điệp của ông Zurab Pololikashvili nêu rõ.
Nỗ lực vì sự phát triển bao trùm là mở ra tầm nhìn tốt hơn về du lịch cho những người phía sau; đây là cách duy nhất để những người dân và cộng đồng đang có nhu cầu nhất hiện nay có thể tiếp cận được với việc khởi động lại du lịch và xây dựng nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn dành cho tất cả mọi người.
Theo UNWTO, đại dịch COVID-19 đã có một tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội tất cả các quốc gia. Tái khởi động ngành du lịch sẽ giúp khởi động quá trình phục hồi và tăng trưởng. Quan trọng hơn là những lợi ích mang lại phải được lan tỏa một cách rộng rãi và công bằng. Đồng thời, du lịch mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội cho tất cả mọi người. Do đó, UNWTO đã chọn chủ đề cho ngày Du lịch thế giới năm 2021 là "Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm".
Để từng bước phục hồi trở lại, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã chủ động đề xuất các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch nội địa và du lịch quốc tế trong bối cảnh mới; báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc và đã được Chính phủ chấp thuận.
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng trong thời gian tới, để hoàn thành “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, Tổng cục Du lịch cần tập trung hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đã được giao. Tổng cục Du lịch cần đề xuất, xây dựng những kịch bản để đón khách, phục hồi ngành du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát, tập trung vào những vấn đề quan trọng để tập trung đầu tư đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch như nguồn nhân lực, công tác xúc tiến quảng bá, hạ tầng du lịch... Tổng cục cần đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số theo hướng tăng cường hợp tác công - tư, đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh; Phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch xây dựng quy chế phối hợp hiệu quả; triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch hệ thống du lịch theo đúng tiến độ được giao.
Các VĐV thể thao người khuyết tật Việt Nam dự Paralympic Tokyo 2020 hoàn thành cách ly y tế.
VĐV Nguyễn Thị Hải, Cao Ngọc Hùng đã an tâm về nhà tại TPHCM.
Các VĐV thể thao người khuyết tật của đoàn Việt Nam dự Paralympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 đã được trở về nhà ở khu vực phía Nam trong ngày 23/9.
Trong chuyến di chuyển sớm về nhà, các tuyển thủ như Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải, Châu Hoàng Tuyết Loan... đều hạnh phúc khi kết thúc thời gian lưu trú tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Các thành viên của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã về Việt Nam và kết thúc thời gian cách ly 7 ngày tập trung theo quy định từ hôm 11-9 tại Hà Nội. Sau đó, tất cả được di chuyển và lưu trú tại khu tập luyện của Trung tâm HLTTQG Hà Nội ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) tiếp tục tự cách ly thêm 7 ngày.
Đến ngày 23/9, việc di chuyển về nhà ở phía Nam của mọi người mới được thực hiện khi ngành thể thao có được phương tiện di chuyển phù hợp nhất. Trước khi đi Nhật Bản thi đấu, thành viên đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Tại Paralympic Tokyo 2020, lực sĩ Lê Văn Công giành tấm HCB duy nhất cho đoàn Việt Nam và Bộ VH-TT-DL đã đề xuất VĐV này được phần thưởng Huân chương lao động hạng Nhì theo đúng quy định.
Cũng trong việc di chuyển về phía Nam, tay vợt Nguyễn Tiến Minh đã về nhà an toàn sau thời gian cách ly tại Hà Nội sau đó tạm tập luyện tại Từ Sơn (Bắc Ninh). Tiến Minh lúc này đã ở TPHCM và an toàn về sức khỏe.
Hà Nội: Phương án cho học sinh 'vùng xanh' trở lại trường
Có ý kiến nên để học sinh 'vùng xanh' trở lại trường học. Ảnh: TTXVN
Theo Báo Dân Sinh, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin, thời điểm hiện nay đơn vị đã đề xuất nhiều phương án về việc cho học sinh trở lại trường trong thời gian tới. Các phương án đều phải tính toán đến sự an toàn của cả học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường và đảm bảo yếu tố phòng chống dịch COVID-19.
Dẫn chứng về trường hợp học sinh của tỉnh Hà Nam tựu trường đã phải tạm nghỉ vì phát hiện hàng chục học sinh, giáo viên mắc COVID-19, ông Trần Thế Cương cho rằng, tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên không thể nóng vội. Dù Hà Nội đã có 96,1% giáo viên được tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng học sinh dưới 18 tuổi chưa được tiêm nên rất nguy hiểm.
Để đón học sinh trở lại trường Sở GD&ĐT Hà Nội đã lên các kịch bản trình UBND TP về việc cho học sinh đến trường, như: Ban đầu cho phép học sinh một số khối lớp đầu cấp và cuối cấp gồm khối 6, khối 9, khối 12, và ở "vùng xanh" quay trở lại trường học. Các trường triển khai phương án phòng dịch chặt chẽ, đảm bảo khoảng cách.
Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội sẽ căn cứ tình hình thực tế cân nhắc, tính toán. Ngành Giáo dục Hà Nội cũng sẽ có tính toán hỗ trợ học phí năm học này cho học sinh theo cơ chế đặc thù của địa phương.
Hiện nay, Hà Nội đã được nới lỏng, nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng nên để học sinh “vùng xanh” trở lại trường học. Bởi, việc phụ huynh vừa đi làm vừa để con học online trong thời gian dài không yên tâm. Đặc biệt, với học sinh bậc tiểu học, nhiều em phải ở nhà một mình khi bố mẹ vẫn phải đảm bảo công việc. Hoặc có những gia đình phải để con ở nhà học online một mình với nhiều nguy cơ.
Hà Nội vẫn kiểm soát chặt chẽ người dân ra, vào thành phố theo Chỉ thị 16
Hà Nội vẫn kiểm soát chặt chẽ, đo thân nhiệt từng người ra vào cửa ngõ Thủ đô để phòng dịch COVID-19.
Từ khi UBND TP. Hà Nội quyết định từ 6h ngày 21/9, Hà Nội thực hiện Chỉ thị 15 để phòng dịch COVID-19, nhiều người dân rất quan tâm đến việc di chuyển ra, vào Thành phố, nhất là khi bỏ giấy đi đường trong nội đô nhưng vẫn áp dụng giấy xác nhận điểm đi, đến khi ra vào qua 22 chốt kiểm soát tại cửa ngõ Thủ đô.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Thành phố vẫn thực hiện theo quy định cũ về việc kiểm soát người ra vào. Tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt người, phương tiện ra vào thành phố tại 22 chốt kiểm soát ở cửa ngõ Thủ đô theo đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ có những trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện theo Công văn hướng dẫn 2434 ngày 29/7/2021 của UBND TP Hà Nội mới được phép đi lại.
Về công tác kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các chốt cửa ngõ ra vào Thủ đô trong những ngày này, Phòng CSGT Hà Nội đánh giá, lưu lượng người và phương tiện ra vào thành phố đang gia tăng, nhất là khi UBND TP Hà Nội áp dụng Chỉ thị 15. Nhiều trường hợp người dân ra vào thành phố tại các chốt kiểm soát này do không đáp ứng đủ các yêu cầu theo Công văn 2434 của UBND TP Hà Nội nên lực lượng kiểm soát buộc phải yêu cầu lái xe quay đầu trở về nơi xuất phát.
Để tránh mất thời gian, công sức đi lại và buộc phải quay đầu khi không đủ điều kiện ra, vào thành phố, Phòng CSGT khẳng định: Công tác kiểm soát người dân, phương tiện ra vào thành phố tại 22 chốt kiểm soát này vẫn được áp dụng theo đúng tinh thần của Chỉ thị 16; tất cả những người ra, vào đều được kiểm tra chặt chẽ những giấy tờ có liên quan. Chỉ có những ai đáp ứng đầy đủ những yêu cầu theo nội dung Công văn số 2434 của UBND TP Hà Nội ngày 29/7/2021 mới được phép đi lại qua chốt kiểm soát.
Cũng theo Phòng CSGT, hiện nay nhiều người dân đang hiểu không rõ hoặc nhầm lẫn về việc đi lại trong thành phố với các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố như nhau. Đối với việc đi lại trong thành phố, hiện UBND TP Hà Nội đã kết thúc giãn cách lần thứ 4, áp dụng theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ (trừ những điểm, khu vực đang có ca mắc Covid-19, áp dụng ở mức cao hơn công tác phòng, chống dịch và đi lại).
Theo lãnh đạo Đội CSGT số 14, khi ra vào cửa ngõ của Thành phố, ngoài việc chuẩn bị giấy tờ tùy thân, giấy xét nghiệm PCR còn hiệu lực, người dân cần có giấy xác nhận điểm đi, điểm đến rõ ràng, khai báo y tế để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm.
“Những trường hợp ra vào thành phố cần giấy xác nhận bản cứng hoặc bản mềm chứng minh việc di chuyển từ điểm A đến điểm B là chính đáng. Việc làm này cũng giống như một cung đường hai điểm đến mà nhiều địa phương đang áp dụng. Những người đang mắc kẹt ở các tỉnh hoặc kẹt ở Hà Nội mà muốn ra, vào để đến nơi làm việc trong khi không có giấy xác nhận bằng bản cứng thì chỉ cần liên hệ cơ quan, nơi đến xác nhận rõ nội dung di chuyển, có thể chụp ảnh gửi qua điện thoại thông minh, lực lượng chức năng tại chốt hoàn toàn có thể giải quyết, chấp nhận”, lãnh đạo Đội CSGT số 14 chia sẻ với phóng viên VOV.
Lãnh đạo Đội CSGT số 14 nhấn mạnh: “Cần hiểu rõ, 22 chốt cửa ngõ của Thủ đô chỉ kiểm soát giấy xác nhận điểm đi, điểm đến với lý do chính đáng của người dân chứ không kiểm tra, xử lý giấy đi đường. Hiện nay có rất nhiều người đang hiểu sai về vấn đề này”.