Doanh nhân Hoàng Mai Chung với những bài toán xoay vốn vay cho MeeyLand. Ảnh: Internet
Dính tin đồn đa cấp
Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land (MeeyLand) do ông Hoàng Mai Chung là Chủ tịch, được thành lập ngày 15/8/2019, có trụ sở chính tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội, vốn điều lệ doanh nghiệp là 30 tỷ đồng.
MeeyLand được giới thiệu hoạt động kinh doanh theo hệ sinh thái Công nghệ Bất động sản Meey Land ứng dụng công nghệ 4.0, là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực đầu tư và áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI, Big Data, Blockchain vào bất động sản.
Bộ Công thương từng đưa ra cảnh báo về một số tổ chức cá nhân có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, trong đó có MeeyLand do doanh nhân Hoàng Mai Chung là Chủ tịch.
Doanh nhân Hoàng Mai Chung cũng từng thông tin trên báo chí về cách huy động vốn, theo phương thức huy động vốn cộng đồng, tức là cộng đồng cùng góp vốn vào ông Hoàng Mai Chung để cùng phát triển dự án Hệ sinh thái Công nghệ Bất động sản Meey Land. Mọi người có thể ở bất kỳ đâu và góp ở giá trị bất kỳ, từ 50.000 đồng cho đến hàng tỷ đồng, việc ghi nhận mức đóng góp làm căn cứ tính toán sẽ dựa trên quy ước là Mey và tương lai đem lại mức lợi nhuận 5.000-7.000 lần …
Ông Hoàng Mai Chung từng được gọi là “Doanh nhân Thăng Long”, ông Hoàng Mai Chung vẫn tiếp tục loay hoay với con đường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bất động sản sau 10 năm dấn thân vào thị trường
Cách huy động vốn bằng những lời chào mời hấp dẫn về hiệu suất đầu tư đem lại mức lợi nhuận từ 5.000-7.000 lần, cũng đã từng giúp MeeyLand “làm mưa làm gió” trên thị trường bất động sản, nên đã có rất nhiều người tham gia góp vốn. Không những cá nhân ông Hoàng Mai Chung gọi vốn, MeeyLand cũng đã triển khai rầm rộ các hoạt động gọi vốn đầu tư trên website, các buổi hội thảo, các buổi trình bày OPP (kế hoạch kinh doanh theo mạng) hay trên các ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Zoom…). Vì lẽ đó, nên Meey Land đã dính đồn thổi đa cấp, khiến lãnh đạo cấp cao của Meey Land phải lên tiếng.
Bộ Công Thương khuyến nghị người dân KHÔNG tham gia vào mạng huy động vốn đa cấp
Gần đây, trên mạng xã hội như Facebook, Zalo tràn ngập các lời quảng cáo mời gọi tham gia các dự án đầu tư theo kiểu đa cấp, mang nhiều cái tên như “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “kinh doanh thời đại 4.0”…Các đối tượng sẽ nhắm tới là những người đang ham muốn làm giàu nhanh chóng, những người chưa có việc làm, mong muốn khởi nghiệp, v.v...
Những mô hình, dự án này được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, youtube và mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, TelegramX…) với lời quảng cáo như “sân chơi” của các “bạn trẻ khởi nghiệp”; những “doanh nhân” muốn kết nối toàn cầu; giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử thông qua các ứng dụng Internet như sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phân quyền, hệ sinh thái số, mô hình tiếp thị liên kết...
Điểm chung của các dự án đa cấp này là thường nhắm vào các đối tượng trẻ như sinh viên đang có nhu cầu tìm việc làm thêm, mong muốn khởi nghiệp, thậm chí còn len lỏi tới những nhóm đối tượng yếu thế như người khuyết tật. Các dự án, mô hình hoạt động này thường được giới thiệu có quy mô mang tầm quốc tế, “sứ mệnh thời đại 4.0”, lấy lợi ích cộng đồng làm động lực phát triển.
Những dự án đa cấp này thường quảng cáo với hoa hồng, thu nhập rất cao. Lời lẽ quảng cáo cho các dự án, mô hình này thường thi nhau “nổ”, “chém gió” rằng chủ đầu tư dự án hiện nay là những người đi tiên phong, làm cách mạng trong thời đại mới để lôi kéo, thúc giục nhà đầu tư bỏ tiền tham gia phát triển dự án.
Đáng lưu ý, khoản tiền đầu tư của người tham gia dự án không hề được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào, mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia, hiển thị trên giao diện website. Hệ thống máy chủ lưu giữ dữ liệu thường được đặt tại nước ngoài. Chủ đầu tư không hiện diện tại Việt Nam hoặc có tư cách pháp nhân theo quy định của Việt Nam.
Các mô hình hoạt động của các dự án như nêu trên có dấu hiệu hoạt động đầu tư theo mô hình kim tự tháp và là hành vi bị cấm theo quy định hiện hành.
Do đó, để tránh rủi ro về vật chất và pháp lý, Bộ Công Thương cảnh báo người dân không tham gia đầu tư, phát triển hệ thống kinh doanh vào các dự án như vậy.
Về vấn đề trên Luật sư Vũ Văn Biên cho biết: “Luật tổ chức tín dụng quy định rõ về những tổ chức được quyền huy động vốn và trả lãi 1 là ngân hàng 2 là các tổ chức có đăng ký kinh doanh hoạt động tín dụng. Vì vậy, các công ty chỉ có ngành nghề kinh doanh bất động sản nhưng lại thực hiện huy động vốn là trái quy định pháp luật. Việc này tiềm ẩn rủi ro lớn cho khách hàng khi góp vốn vào hệ thống này khả năng mất trắng là hoàn toàn có thể xảy ra”.
Kiểm toán cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục khi nợ gấp 12,5 lần vốn
Để đanh giá Meey Land hoạt động kinh doanh hiệu quả ra sao, ta cùng nhìn vào bức tranh tài chính của Meey Land thông qua báo cáo tài chính giai đoạn từ 01/01/2021 đến 31/12/2022 đã được kiểm toán sẽ rõ.
Tình hình tài chính của Meey Land khá u ám khi nợ vượt 12,5 lần vốn, khiến kiểm toán đưa ra cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục trong tương lai.
Nhìn vào bức tranh tài chính của Meey Land, điều đầu tiên được nhiều người nhận định là vô cùng “u ám”, khi nợ cao gấp 12,5 lần vốn và kiểm toán đã phải đưa ra cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục trong tương lai. Không chỉ nơ quá cao, mà dòng tiền của Meey Land cũng liên tục rời vào trạng thái âm và khoản lãi chu kỳ hơn 1 năm hiện tại cũng không thể “vá” được khoản lỗ khổng lồ phát sinh từ quá khứ của Meey Land.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính, Meey Land ghi nhận 109,2 tỷ đồng doanh thu, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp của Meey Land lại phình to, chiếm 26,7 tỷ đồng (cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ) và giá vốn bán hàng neo cao tới 78,5 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp chỉ báo lãi sau thuế vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng.
Mặc dù Meey Land báo lãi 1,4 tỷ đồng, nhưng do thời điểm đầu năm 2020, Meey Land lỗ tới 3,5 tỷ đồng. Do đó, tiền lãi ít ỏi trên chưa thể giúp Meey Land “vá” xong số lỗ những năm trước cộng lại. Tại ngày 31/3/2022, Meey Land còn ghi nhận lỗ lũy kế đến 1,7 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của Meey Land sụt giảm từ 30 tỷ đồng xuống còn 28 tỷ đồng.
Tổng tài sản Meey Land đạt 378,7 tỷ đồng, nhưng chất lượng tài sản khá yếu, không tăng tương xứng, thậm chí còn giảm đi bởi biến động chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn, tăng từ 12 tỷ lên 80,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 6 lần.
Mặc dù nguồn vốn đạt 378 tỷ đồng, nhưng chủ yếu đến từ khoản tăng bất thường của nợ phải trả. Tính đến 31/3/2022, nợ phải trả của MeeyLand đã tăng 4 lần từ 82 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng và hiện đã gấp 12,5 lần vốn chủ sở hữu (28 tỷ đồng).
Nguyên nhân của nợ tăng cao gấp 12,5 lần vốn chủ sở hữu là do vay nợ tài chính lên tới 321,5 tỷ đồng, cao hơn 4,46 lần và chiếm đến 91% tổng nợ phải trả của Meey Land, chiếm 85% tổng cộng nguồn vốn. Điều này cho thấy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu đến từ nguồn vốn vay nợ tài chính. Hay nói cách khác năng lực tài chính của doanh nghiệp này rất yếu, cảnh báo nguy cơ hoạt động liên tục trong tương lai rất khó khăn.
Đáng lưu ý, trong tổng nợ của Meey Land thì nợ phải trả trong ngắn hạn là 134 tỷ đồng chiếm tới 38%, điều này dự báo Meey Land sẽ đối mặt với rủi ro trong ngắn hạn. Mặt khác tài sản ngắn hạn 110 tỷ đồng lại chủ yếu đền từ các khoản phải thu khách hàng 81 tỷ đồng, còn tiền mặt chỉ vỏn vẹn 19 tỷ đồng, dẫn đến khả năng chi trả khoản nợ vay ngắn hạn của MeeyLand rất thấp, không đủ khả năng chi trả và cũng đối diện với khả năng trắng vốn ?!
Do tăng khoản phải thu và hàng tồn kho, dẫn đến hết ngày 31/3/2022, dòng tiền của Meey Land liên tục rơi vào trạng thái âm. Cụ thể, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Meey Land âm tới 55 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn dương 4,7 tỷ đồng; dòng tiền hoạt động đầu tư âm tới 176 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong báo cáo tài chính của MeeyLand đã được kiểm toán, kiểm toán viên cũng phải lưu ý khả năng hoạt động liên tục của công ty trong tương lai, bởi phụ thuộc đáng kể vào kết quả hoạt động kinh doanh, cũng như việc công ty có còn được tài trợ bởi các nguồn vốn hay không?
Chi tiết hơn về các khoản vay tăng bất thường lên 350 tỷ đồng của MeeyLand cho thấy, chủ yếu phát sinh từ khoản nợ vay doanh nhân Hoàng Mai Chung. Cụ thể, trong kỳ, MeeyLand vay thêm ông Hoàng Mai Chung 249 tỷ đồng, số dư gốc vay tại ngày 31/3 là 320,8 tỷ đồng.. Như vậy, riêng khoản vay của ông Hoàng Mai Chung chiếm đến 91,4% tổng số nợ phải trả của MeeyLand. Nếu không có khoản vay này, Meey Land sẽ không có khả năng hoạt động đến thời điểm hiện tại.
Từ báo cáo tài chính cho thấy, chất lượng tài sản của Meey Land chủ yếu là nhờ vốn vay, nhưng Meey Land được “Doanh nhân Thăng Long” Hoàng Mai Chung xác định phát triển theo lộ trình đến năm 2024 sẽ chính thức niêm yết trên sàn SEHK Hồng Kông có giá trị hàng tỷ USD. Đây sẽ là thách thức lớn đối với Meey Land khi doanh nghiệp này đang đối diện với đồn thổi đa cấp và nguy cơ về khả năng duy trì hoạt động liên tục trong tương lai.