Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối quý II/2021, trái phiếu phát hành của các DN tăng cao, trong đó có nhóm ngành bất động sản, thể hiện nhu cầu huy động vốn lớn qua kênh này. Trong bối cảnh dòng vốn tín dụng không còn dồi dào, thị trường trái phiếu DN dự báo tiếp tục sôi động khi lãi suất của kênh này vẫn được duy trì ở mức cao. Rủi ro thị trường sẽ gia tăng vì hầu hết DN đều tổn thương do dịch Covid-19 kéo dài.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, rủi ro của kênh đầu tư trái phiếu DN chính là nằm ở lãi suất. Lãi suất trái phiếu được phát hành càng cao thì càng rủi ro. Từ năm ngoái đến nay, mặt bằng chung của lãi suất trái phiếu DN vào khoảng 11%-12%/năm, cá biệt 16%/năm ở một vài DN. Mức lãi suất trả cho nhà đầu tư mua trái phiếu được quảng cáo trên 16%/năm sẽ có mức độ rủi ro rất cao. Ở thời điểm DN gặp tổn thương do dịch bệnh như hiện tại, nhà đầu tư càng nên cẩn trọng.
Công ty Chứng khoán SSI cũng khuyến cáo khách hàng cần tìm hiểu kỹ khi chọn mua trái phiếu DN để đầu tư. Theo đó, đầu tư vào trái phiếu của những DN đã niêm yết sẽ an toàn hơn so với các công ty chưa niêm yết.
Vụ Tài chính NH - Bộ Tài chính cũng khuyến cáo nhà đầu tư cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu DN riêng lẻ, cần tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của DN phát hành. Cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của DN có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; DN phát hành không có tài sản bảo đảm.
Theo Vụ Tài chính NH, nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; không mua trái phiếu DN chỉ vì lãi suất cao. Rủi ro cho nhà đầu tư cũng sẽ tiềm ẩn lớn khi thị trường bất động sản có biến động tiêu cực.
Báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực BĐS quý II/2021, Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 192.203 tỷ đồng, trong đó TPDN phát hành riêng lẻ đạt 176.828 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng phát hành TPDN ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Từ số liệu báo cáo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho thấy trong nhóm doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong nước, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18.485 tỷ đồng, nhóm các doanh nghiệp BĐS đứng ở vị trị thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 4.950 tỷ đồng.