Thị trường thu hẹp, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ và phòng chống dịch Covid-19 ở một số nước tác động mạnh đến thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, theo hướng bất lợi khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Câu hỏi đặt ra là xoay sở cách nào? Dù mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 thấp hơn mức tăng trưởng 2022, song vẫn là thách thức lớn.
Hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn giá rẻ từ nhà điều hành
Động thái liên tục giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước đang có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen. Trong nước, tình hình sản xuất kinh doanh khá đình trệ, tính đến hết quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đều thấp, đặc biệt, tốc độ tăng GDP của quý I/2023 thấp nhất trong vòng 14 năm qua. Đây chính là một phần lý do để nhà điều hành điều chỉnh hai lần lãi suất chủ chốt chỉ trong vòng 15 ngày. Đây cũng là động thái có phần nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Dù vậy, khả năng hấp thụ vốn mới là điều đáng lo khi mà tốc độ tăng trưởng tín dụng quý I/2023 chỉ đạt 2,06% so với mức tăng 5,04% của quý I/2022.
Cơ giới hóa trên cánh đồng lúa ở ĐBSCL. Ảnh Trọng Triết
Với lần điều chỉnh lãi suất ngày 31/3/2023, NHNN đồng loạt ban hành 5 quyết định giảm các loại lãi suất điều hành, hiệu lực từ ngày 3/4/2023. Trong đó, điểm khác biệt là lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5%, giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận được nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn để cải thiện thanh khoản và hạ lãi suất cho vay. Trong khi đợt giảm lãi suất ngày 14/3/2023, NHNN giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 6%.
Đáng chú ý, động thái này, chính là điểm mấu chốt trong điều hành lãi suất. Bởi lẽ, giảm lãi suất tái cấp vốn sẽ giúp các TCTD có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, từ đó tác động mạnh đến mặt bằng lãi suất trên thị trường trong thời gian tới.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI đã giảm từ 4,89% tháng 1/2023 xuống 3,35% tháng 3/2023, bình quân 3 tháng là 4,18% so với cùng kỳ năm 2022. Lạm phát cơ bản giảm từ 5,12% tháng 1/2023 xuống 4,88% tháng 3/2023, bình quân 3 tháng là 5,01%. Như vậy, lạm phát chung và lạm phát cơ bản đều chậm lại trong bối cảnh sức cầu yếu.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào; lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh và mạnh. Thị trường ngoại tệ ổn định, ngày 30/3/2023, tỷ giá trung tâm ở mức 23.603 VND/USD, giảm khoảng 0,04% so với cuối năm 2022; tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng khoảng 23.480 VND/USD, giảm 0,4% so với cuối năm 2022. Đó chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ mặt bằng lãi suất diễn biến ổn định trong thời gian tới. Tuy nhiên, NHNN cũng không chủ quan với áp lực lạm phát vẫn ở mức sát với mục tiêu 4,5% ngay quý 1/2023. Lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao. Các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều hành tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao nhưng ở mức độ nhẹ hơn trước.
Vấn đề hiện nay là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Số liệu của NHNN cho thấy, đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tăng trưởng tín dụng quý 1/2023 chưa bằng một nửa so với quý 1/2022. Ngân hàng không giải ngân được chứ có phải không muốn cho vay. Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước biến động, nhiều doanh nghiệp khó khăn hơn thì khả năng đáp ứng điều kiện cho vay thấp hơn… nên không đủ điều kiện giải ngân. Đó là lý do vì sao tình hình tín dụng tăng thấp.
Theo dữ liệu Tổng cục Thống kế, tăng trưởng kinh tế quý 1 trong nước thấp nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011 (trừ quý 1/2020 bị tác động của đại dịch Covid-19) do cầu thế giới sụt giảm, cầu trong nước suy yếu. GDP quý 1 tăng 3,32%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý 1/2020 trong giai đoạn 2011 - 2023.
Giải pháp cải thiện khả năng hấp thụ vốn
Tăng trưởng chậm lại, cầu tín dụng nền kinh tế suy giảm, dẫn đến hệ thống ngân hàng khó đẩy tín dụng cao mặc dù thanh khoản dư thừa lớn.
Trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn thì cần nhiều giải pháp để tháo gỡ chứ không chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ. Chính sách nhà nước mang tính hỗ trợ phần nào, còn các doanh nghiệp, các thành phần trong nền kinh tế phải tôn trọng và chấp nhận cơ chế thị trường.
Đến này, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất giảm tương đối tốt. Hệ thống ngân hàng ổn định, an toàn. Vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới là làm sao cho dòng vốn tín dụng chảy vào đúng lĩnh vực sản xuất ưu tiên, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, NHNN cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ giải ngân của các gói vay ưu đãi lãi suất đã được Chính phủ phê duyệt.
Chợ hoa quả trên sông ở ĐBSCL. Ảnh Trọng Triết
Đáng chú ý, ưu tiên vốn cho doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu để tận dụng các hiệp định thương mại đã có hiệu lực. Các FTA tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan. Vì thế mỗi doanh nghiệp phải chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA. Mỗi FTA có ưu đãi riêng nhưng đều là hành lang dẫn doanh nghiệp tới thành công, cần mặn mà tiếp cận đối tác để có nhiều sự chọn lựa và chọn được điều thích hợp nhất.
Xúc tiến thương mại phải là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm. Với nông sản, cần và có thể làm ngay là tăng cường chế biến, nhất là chế biến sâu, giá trị gia tăng cao, theo đòi hỏi của khách. Hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi, giảm trung gian, hạ giá thành, nâng chất lượng theo quy chuẩn VietGAP, cảm quan hấp dẫn.
Nhằm gắn với các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử, kinh tế số, doanh nghiệp khẩn trương chuẩn bị chủ yếu là nhân sự, tài chính, đầu tư cho xuất khẩu đúng, trúng, hiệu quả trên nền tảng số hóa.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/cai-thien-kha-nang-hap-thu-von-cua-doanh-nghiep1682301265.html