Ngày 18/6, MBS thông báo sẽ loại cổ phiếu HVN ra khỏi danh mục cho vay từ ngày 21/6 và loại khỏi danh mục tính quản trị rủi ro từ ngày 01/07. Nhiều CTCK khác đã ngừng cấp margin cho cổ phiếu HVN từ lâu.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiết lộ Vietnam Airlines dự kiến số lỗ 6 tháng đầu năm khoảng 10.000 tỷ đồng và nợ quá hạn lên tới 6.240 tỷ đồng.
"Vietnam Airlines hiện đang đối mặt rủi ro pháp lý với nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng", trích từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tính đến cuối quý 1/2021, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines chỉ ở mức hơn 1.000 tỷ đồng. Với ước tính từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vietnam Airlines có thể lỗ 5.000 tỷ đồng trong quý 2/2021 và do đó sẽ rơi vào trạng thái âm vốn chủ sở hữu.
Theo Báo cáo tài chính, trong quý 1/2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng hàng không quốc gia lỗ gộp 3.869 tỷ đồng, trong khi quý 1 năm trước chỉ lỗ 632 tỷ đồng.
Kết quả là Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 4.890 tỷ đồng trong quý 1/2021, đánh dấu quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay. Đặt lên bàn cân so sánh, khoản lỗ quý 1/2021 tương đương 45% khoản lỗ của cả năm 2020.
Cuối tháng 3, Vietnam Airlines ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm gần 195 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức âm 3.822 tỷ đồng của cùng kỳ. Nguyên nhân là do khoản phải trả tăng ghi nhận dương hơn 2.876 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 1/2021 làm tăng lỗ lũy kế lên 14.219 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ. Điều này làm gia tăng nguy cơ hủy niêm yết nếu không sớm được khắc phục. Vốn chủ sở hữu cũng bị bào mòn, giảm từ 6.072 tỷ đồng xuống còn 1.031 tỷ đồng.