Ông Phan Công Thi (SN 1954, thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa, tỉnh Hà Tĩnh). Ông tham gia chống Mỹ cuối năm 1972, nhập ngũ tại Đại đội C16, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân khu 4. Đến tháng 4/1975, ông tham gia chiến đấu ở trận đánh cửa ngõ Xuân Lộc rồi bị thương nặng ở tay và đầu, được chuyển về tuyến sau. Hòa bình lập lại, ông chuyển công tác đến Trường Sỹ quan Lục quân 2. Năm 1984, ông trở về quê với vết thương ở tay, thương tật 41%, hạng 4/4, hưởng chế độ thương binh và chất độc da cam.
Cựu chiến binh Phan Công Thi (Ảnh: VnExpress)
Được bố mẹ để lại 5ha vườn đồi, năm 1990, ông Thi cùng vợ con chuyển đến dựng nhà, khai hoang lập nghiệp. Vườn đồi vùng núi vốn rất dốc, nhiều tảng đá lớn. Từ bao đời nay, người dân không dám nghĩ tới chuyện trồng cây, làm kinh tế. Nếu không cải tạo thì muôn đời vẫn chỉ là đồi núi khô cằn. Nhiều người nghe chuyện ông Thi khai hoang, vỡ đất cũng khuyên can vì không tin ông có thể thành công. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, CCB Phan Công Thi vẫn kiên trì từng ngày “chinh phục” đồi hoang.
Vì địa hình đồi dốc, hoang sơ, thời điểm đầu máy móc nhiều khi không thể vào để hỗ trợ việc cải tạo, có lúc ông Thi phải cột dây vào từng tảng đá lớn dùng trâu kéo rồi dùng sức người để san ủi. Ông nghiên cứu kỹ đặc điểm từng khoảnh đất và quy hoạch từng vùng để cải tạo trồng cây ngắn ngày nhằm “lấy ngắn nuôi dài”…
Mô hình vườn ao chuồng đem lại cho gia đình cựu chiến binh Phan Công Thi thu nhập cao (Ảnh: VnExpress)
Từ 5ha đồi hoang có sẵn, ông Thi xin cấp thêm 30 ha để xây dựng mô hình nông lâm kết hợp. Để có thể rút ngắn thời gian xây dựng mô hình, ông Thi đã tự mày mò tìm hiểu cách làm và đi đến các huyện khác học mô hình trang trại nông lâm kết hợp, tích lũy thêm kiến thức.
Vay vốn địa phương, cùng anh em bạn bè, vùng đất 30ha hoang vu giờ đã được phủ xanh với mô hình vườn ao chuông, trong đó có 21ha diện tích trồng keo. Với diện tích keo cứ sau 4-5 năm thu hoạch, bán luân phiên mỗi lứa, ông Thi thu vài trăm triệu đồng.
Ngoài trồng keo, ông Thi đào ao rộng hơn 1 ha thả hơn 1 tấn cá leo, cá chép, cá rô phi, trồng thêm cây cảnh bán để có tiền “lấy ngắn nuôi dài”. Bên cạnh đó là đàn trâu gần 50 con đã nuôi gần 2 năm có giá bán từ 25-30 triệu đồng/con cũng tăng thu nhập cho trang trại của ông.
Tương tự ông thi, cựu chiến binh Trần Văn Bính (SN 1955) tại thôn 1, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cũng là tấm gương vượt khó làm giàu. Ông công tác trong đơn vị Công an nhân dân vũ trang Nghệ Tĩnh (nay là Bộ đội Biên phòng). Năm 1981 ông Trần Văn Bính tiếp tục tham gia công tác tại địa phương.
Cựu chiến binh trồng cam, nuôi keo phát triển kinh tế trên đồi hoang (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Năm 2007, ông thử nghiệm trồng cây keo trên diện tích gần 2ha đất đồi nhưng hiệu quả mang lại gần như không có. Cây phát triển yếu do đất quá cằn cỗi, đồi keo 7 năm trời chỉ thu về 11 triệu đồng. Song, với phẩm chất người lính “Cụ Hồ”, không nản chí trước mọi thử thách, năm 2015, nhận thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, khu dân cư mẫu, vườn mẫu phù hợp với suy nghĩ, tâm tư của mình bấy lâu nay, ông Bính mạnh dạn đầu tư cải tạo mặt bằng để trồng cam, bắt đầu hành trình chinh phục núi đá.
Hai vợ chồng ông phải sử dụng máy đục, phá các tảng đá lớn, ghép thành bậc thang. Các hố trồng cam cũng được đào sâu, rộng hơn, được ghép đá xung quanh để giữ lại thực bì, chất mùn trong đất. Sau nhiều tháng trời kiên trì, chịu thương, chịu khó, từng bước cải tạo địa hình, những mầm xanh cây ăn quả cũng được ươm trên vùng núi đá.
Sau 3 năm, gia đình ông nay đã có 500 gốc cam, chanh, bưởi với 300 gốc đã cho thu hoạch. Cây cam phát triển trên núi đá cho quả mọng, da xanh bóng, ăn ngọt, thơm và giòn. Dù chỉ mới là mùa đầu tiên nhưng sản lượng ước tính lên tới 15 tấn, thu về hơn 400 triệu đồng.
Bên cạnh việc phát triển 2ha vườn cam, ông Bính còn làm ruộng, chăn nuôi trâu bò, gà thả đồi, kết hợp cùng 500m2 hồ thả cá, 20 đàn ong, mang lại hiệu quả kinh tế cao.