Vừa qua, tại kỳ họp thứ 26, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, theo thông cáo báo chí của kỳ họp, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và ông Bùi Hồng Minh đã ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và ngành xi măng Việt Nam, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Theo đó, qua xem xét kết quả giải quyết tố cáo đồng chí Bùi Hồng Minh, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Ủy ban kiểm tra Trung ương nhận thấy đồng chí Bùi Hồng Minh trên các cương vị công tác của mình đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ; có nguy cơ mất vốn đầu tư.
Theo tài liệu phóng viên có được, ông Bùi Hồng Minh khi là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (BCC) và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tài chính Xi măng (CFC) đã có các quyết định đầu tư, cho vay có nguy cơ mất vốn đầu tư của Nhà nước.
Dư luận mong sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ vai trò của ông Bùi Hồng Minh tại các thương vụ có nguy cơ mất vốn đầu tư Nhà nước hàng trăm tỷ đồng và xử lý trách nhiệm để làm gương cho cán bộ quản lý.
Dự án xi măng Đại Việt từng bị người dân phản đối. Ảnh tư liệu: Báo Kinh tế Đô thị |
Sa lầy hàng trăm tỷ đồng tại dự án xi măng Đại Việt
Theo tìm hiểu, ông Bùi Hồng Minh khi còn là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (BCC) đã có dấu hiệu làm trái với chỉ đạo của Tổng công ty xi măng Việt Nam trong việc mua cổ phần Công ty cổ phần Xi măng Miền Trung (CRC, có dự án nhà máy xi măng Đại Việt) có nguy cơ làm mất số vốn lớn của nhà nước.
Cụ thể, tại văn bản số 157/XMVN-HĐTV đề ngày 29/01/2013 của Hội đồng thành viên VICEM về việc thỏa thuận và ủy quyền mua cổ phần của Công ty cổ phần Xi măng Miền Trung, Hội đồng thành viên VICEM đã “uỷ quyền cho Tổng Giám đốc VICEM và Người đại diện phần vốn của VICEM tại Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn căn cứ các điều kiện thực tế để chỉ đạo Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn trong quá trình đàm phán, thương thảo với đối tác; Quyết định số lượng mua, giá mua và các điều kiện kèm theo của việc mua cổ phần của CRC, đảm bảo sát giá thị trường, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư và đúng các quy định của pháp luật”.
Giá mua cổ phần của CRC được tiến hành với giá 11.560 đồng/01 cổ phần. Giá này đặt nhiều băn khoăn là có thực sự đảm bảo sát giá thị trường?.
Cụ thể, tại thời điểm mua, giá giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của ngành xi măng nói chung và của BCC nói riêng là thấp. Đặc biệt, Xi măng Bỉm Sơn là sản phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng cả nước rất tín nhiệm tin dùng, hoạt động kinh doanh có lãi…nhưng trong giai đoạn ông Bùi Hồng Minh chỉ đạo khảo sát, đánh giá cho đến khi thương thảo ký hợp đồng mua cổ phần của CRC (từ 01/07/2012 đến khi ký hợp đồng ngày 6/4/2013) giá trị giao dịch cổ phiếu của BCC giao động từ 3.800 đến 6.600 đồng/01 cổ phần, thấp hơn rất nhiều giá mua thực tế CRC.
Mặt khác tại Biên bản thương thảo mua cổ phần của CRC giữa BCC và CRC do ông Bùi Hồng Minh ký ngày 15/01/2013 đã đánh giá “…thương hiệu xi măng Miền Trung mới ra đời chưa có uy tín trên thị trường, trong thời gian những năm tới đây Công ty CP xi măng Miền Trung sẽ rất khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm…” nhưng không hiểu tại sao ông Bùi Hồng Minh vẫn thực hiện mua 9.953.280 cổ phần (tương ứng 76,8% vốn điều lệ của CRC) với giá 11.560 đồng/01 cổ phần tương đương với tổng số tiền bỏ ra mua là 115.059.916.800 đồng.
Đáng nói, trước khi được tiến hành mua bán vào năm 2013, từ năm 2012, người dân địa phương đã có khiếu nại nhà máy gây ô nhiễm môi trường và liên tục ngăn cản hoạt động vận chuyển của các phương tiện ra vào nhà máy.
Ông Bùi Hồng Minh và những người có trách nhiệm trong quá trình khảo sát, tìm hiểu đánh giá về dự án chẳng lẽ không biết việc người dân phản đối? Và nếu biết nguy cơ người dân sẽ còn tiếp tục vây nhà máy, phản đối sản xuất vậy tại sao ông Bùi Hồng Minh vẫn quyết định mua cổ phần với giá ở mức cao như vậy? Ông Bùi Hồng Minh có cố ý “quên” các khó khăn của dự án này?
Thực tế, trong nhiều năm qua, dự án này luôn trong tình trạng bết bát. Theo báo cáo tài chính của CRC đến ngày 30/6/2022, hoạt động kinh doanh của CRC lỗ lũy kế là 242,1 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 112,5 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến thời điểm tháng 6/2022, nếu căn cứ theo tỷ lệ phần vốn nắm giữ (nhà nước nắm giữ 100% vốn của VICEM; VICEM nắm giữ 73,15% vốn của BCC; BCC nắm giữ 76,80% vốn của CRC) đã có dấu hiệu kinh doanh không hiệu quả 115 tỷ đồng số vốn đầu tư nói trên của BCC (trong đó vốn nhà nước có nguy cơ mất vốn 64,6 tỷ đồng). Đồng thời do âm vốn chủ sở hữu 112,5 tỷ đồng nên nhà nước phải gánh phần lỗ của CRC là 63,2 tỷ đồng.
Chỉ trong một ngày ông Bùi Hồng Minh- Tổng Giám đốc CFC (thời điểm đó) đã ký hợp đồng tín dụng cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Quyết định cho vay “thần tốc” 80 tỷ trong 1 ngày của ông Bùi Hồng Minh có sai quy trình?
Trước đó, ông Bùi Hồng Minh khi còn giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tài chính Xi măng (CFC) cũng đã có các quyết định góp vốn, cho vay vốn gây nguy cơ mất vốn đầu tư nhà nước.
CFC là doanh nghiệp được thành lập bởi 3 cổ đông doanh nghiệp Nhà nước là Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tổng Công ty xi măng Việt Nam và một ngân hàng.
Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của CFC giai đoạn từ khi thành lập (29/5/2008) đến 01/9/2011 là ông Bùi Hồng Minh.
Năm 2009, Công ty CP Med Aid Công Minh thành lập. CFC cũng tham gia góp vốn 2,15 tỷ đồng và là cổ đông sáng lập của Công ty CP Med Aid Công Minh.
Ngày 31/08/2010, CFC ký hợp đồng cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỷ đồng. Cụ thể, theo Hợp đồng hạn mức tín dụng số 24/2010/TDH/CFC-MCM thì CFC cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỷ đồng. Mục đích vay của Công ty CP Med Aid Công Minh là để thực hiện dự án Trung tâm ung bướu và y khoa hạt nhân, Bệnh viện nhân dân 115, Thành phố hồ Chí Minh. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty CP Med Aid Công Minh là buôn bán trang thiết bị y tế…
Theo thông tin phóng viên có được, ngày 31/08/2010 Công ty Cổ phần Med Aid Công Minh mới có đơn đề nghị CFC cho vay vốn, nhưng trước đó một ngày (30/08/2010), ông Bùi Hồng Minh- Tổng Giám đốc CFC đã phê duyệt “báo cáo thẩm định vốn vay” cho khoản vay 80 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Med Aid Công Minh!
Tại mục “căn cứ” cho vay trong Hợp đồng hạn mức tín dụng số 24/2010/TDH/CFC-MCM nêu rõ: ngày 31/08/2010 Công ty CP Med Aid Công Minh có giấy đề nghị vay vốn và giấy đề nghị cấp bảo lãnh. Không hiểu bằng cách thẩm định “thần tốc” thế nào mà chỉ trong một ngày (31/08/2010) ông Bùi Hồng Minh- TGĐ CFC (thời điểm đó) đã có thể ký hợp đồng tín dụng cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỷ đồng.
Việc ký cho vay thần tốc của ông Bùi Hồng Minh có sai quy trình tín dụng?
Tính đến ngày 31/10/2022, khoản dư nợ của Công ty Cổ phần Med Aid Công Minh đã lên tới hơn 134 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 20/04/2010, CFC ký hợp đồng tiền gửi liên ngân hàng với Công ty cho thuê tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ với số tiền 50 tỷ đồng, CFC nhận cầm cố bằng tài sản có tính rủi ro cao là 200 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu Vinashin. Qua nhiều lần gia hạn nợ, Công ty cho thuê tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ vẫn không có khả năng trả nợ cho CFC. Số nợ quá hạn cả gốc và lãi là gần 96 tỷ đồng.
CFC đã buộc phải xử lý tài sản bảo đảm là 200 tỷ trái phiếu VINASHIN, chuyển tên sở hữu cho CFC với giá trị cấn trừ 19,1 tỷ đồng. Số trái phiếu này đã đến hạn thanh toán nhưng VINASHIN không có khả năng trả nợ.
Trong thương vụ này, số tiền mà CFC chưa thu hồi trên sổ sách là hơn 78 tỷ đồng. Đến tháng 3/2022, toàn bộ giá trị “trái phiếu” này hầu như không thể thu hồi, có nguy cơ mất vốn cho CFC.