Chủ nhân của xưởng đặc biệt này là anh Trần Huy Hiệp, 32 tuổi, quê ở Quảng Ninh và anh Đào Văn Phúc, 42 tuổi. Anh Hiệp từng là nhân viên kỹ thuật xét nghiệm của một bệnh viện ở Hà Nội. 6 năm trước, một lần anh tình cờ nghe các bệnh nhân mất chi chia sẻ về sự mặc cảm mỗi khi giao tiếp xã hội, anh nảy ra ý định sản xuất bàn tay, chân, tai, mũi... bằng silicon giống y như thật để giúp họ. Không chỉ vậy, anh còn muốn các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, chất lượng tốt, giá thành rẻ hơn so với hàng đặt của nước ngoài.
Anh Hiệp và anh Phúc cùng bắt tay sản xuất mô hình bàn tay, chân giả
Nghĩ là làm, Hiệp quyết định nghỉ việc, bắt đầu tìm hiểu về dòng sản phẩm này. Biết anh Phúc có xưởng chuyên chế tác khuôn mẫu kim hoàn từ silicon, anh đề nghị hợp tác. Năm 2017, hai người đàn ông bắt đầu khởi nghiệp. Căn phòng rộng 40 m2 trên phố Tân Mai, quận Hoàng Mai là doanh xuỏng sản xuất tay chân giả của họ.
Khó có thể phân biệt đây là bàn tay giả
Khi mới vào nghề, anh Hiệp và anh Phúc phải tự mày mò bằng cách học qua sách, video hướng dẫn của nước ngoài. Phải trải qua thất bại hàng trăm lần mới tạo một sản phẩm hoàn chỉnh và ưng ý. Sau 2 năm nghiên cứu, nhóm mới tạo ra các mẫu chi đầu tiên và hoàn thiện theo thời gian. Đặc biệt, 80% các công đoạn được làm thủ công với màu sắc bắt mắt, từ vân tay, hoa tay cho đến các chi tiết trên da hệt bản gốc khiến người nhìn khó phát hiện.
Một khách hàng đang xem chiếc mũi giả
Với người làm chi giả, mỗi sản phẩm làm ra là độc nhất do phải trải qua năm bước cơ bản: lấy mẫu; chỉnh sửa khuôn bằng sáp; dùng silicon làm khuôn; đúc thành sản phẩm; cuối cùng là phủ màu thẩm mỹ và chỉnh sửa chi tiết. Riêng với đốt ngón tay, chân, mũi có mỏm cụt (phần đốt thừa) ngắn tai, phần da che sẹo... phải dùng keo chuyên dụng để cố định.
Theo anh Phúc, công đoạn khó nhất là tạo màu cho sản phẩm giống da người. Để chi giả đạt độ giống trên 95% và ít bị mài mòn trong quá trình sử dụng, kỹ thuật viên phải dùng màu chuyên dụng sơn phủ.
Thông thường, mỗi ngón tay, chân giả mất từ 10 đến 15 ngày thực hiện, các bộ phận khó như mũi, tai hay một bàn tay, chân cần đến vài tháng. Mức giá từ một triệu đến 15 triệu đồng, tuổi thọ trung bình khoảng 3 năm.
Thời gian đầu nhóm yêu cầu khách đến cửa hàng để lấy mẫu, đo kích thước. Nhưng Covid-19 bùng phát và kéo dài buộc Phúc và Hiệp sáng chế ra bộ kit lấy mẫu phục vụ khách ngoại tỉnh.
"Tôi chỉ mong giúp mọi người lấy lại sự tự tin, không còn e dè, ngại giao tiếp với xã hội bởi những khiếm khuyết trên cơ thể", anh Hiệp và anh Phúc chia sẻ.
Tương tự như anh Phúc và Hiệp, Sophie de Oliveira Barata được mệnh danh là "nữ hoàng làm chân tay giả". Cô là người đứng đầu dự án “The Alternative Limb”. Nội dung của dự án là kết hợp việc tạo ra những bộ phận giả cho người khuyết tật với nghệ thuật tạo hình. Sản phẩm thu được là những chi giả có hình dạng y như thật hoặc được chế tác theo sở thích và yêu cầu của bệnh nhân. Theo tâm sự của Sophie, để tạo ra một tác phẩm vừa có tính nghệ thuật, vừa có ích cho xã hội dạng này, cô sẽ mất khoảng một tháng trong phòng thiết kế.
Các công đoạn được hoàn thành tỉ mỉ
Quá trình tái tạo chi giả bắt đầu với công đoạn làm khuôn. Theo đó, Sophie sử dụng khuôn bọt biển để mô phỏng hình dạng chi cần làm giả của bệnh nhân dựa trên các chi bình thường khác. Sau đó, cô thiết kế và định hình chi giả từ khuôn bọt biển lên chất liệu silicon.
Đôi chân y như thật do Sophie sản xuất
Tiếp theo là da giả, với chất liệu được sử dụng là silicon có độ dẻo, dai và đàn hồi tương đối giống da người. Lớp da này sẽ được nhuộm màu bằng máy sao cho có màu giống da thật của bệnh nhân nhất. Da silicon sau khi nhuộm được đưa vào máy cán mỏng sao cho có độ dày tương ứng với da của bệnh nhân, thông thường cỡ 0,3mm. Sau đó, phần da này được phủ, gắn lên bên ngoài chi giả (thường là một cỗ máy có cấu trúc vận hành giống như chi đã mất).
Theo tâm sự của Sophie, bước hoàn thiện sản phẩm bao gồm việc sửa và tạo ra móng giả, cấy lông giả lên các chi trong trường hợp cần thiết và thậm chí là sơn cả móng lên các chi giả. Trước khi giao hàng, cô thường mời khách hàng tới kiểm tra cho tới khi họ hài lòng mới thôi.