Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm OCOP là giải pháp giúp các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. HTX Đông trùng hạ thảo Mộc Châu là một trong số đó. Đến nay, HTX có 2 sản phẩm đăng ký thương hiệu OCOP của tỉnh Sơn La.
Đam mê với mới lạ
Anh Nguyễn Xuân Tuấn cho biết, do chưa tìm được công việc ưng ý, với đam mê trồng nấm, anh đã tìm hiểu nhiều nơi và quyết định chọn khởi nghiệp với đông trùng hạ thảo ở quê nhà.
Anh Nguyễn Xuân Tuấn với mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
"Ở nước ta, đông trùng hạ thảo rất hiếm nhưng lại có giá trị kinh tế cao vì có thể chữa nhiều bệnh. Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, tôi quyết định trồng đông trùng hạ thảo trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Ban đầu ý tưởng này được bạn bè, gia đình khuyên ngăn không nên theo, nhưng với quyết tâm, niềm đam mê thử sức với những cái khó, điều mới lạ nên tôi vẫn quyết định theo đuổi. Nếu thành công thì mô hình của tôi dễ có lối đi riêng hơn vì chưa ai từng thử nghiệm", anh Tuấn tâm sự.
Anh Tuấn đã trực tiếp đến Viện Di truyển nông nghiệp tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm. Sau đó được các cơ quan nông nghiệp đầu ngành chuyển giao toàn bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ, phôi giống để anh nuôi đông trùng hạ thảo.
Cán bộ HTX Đông trùng hạ thảo Mộc Châu đang kiểm tra quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
Do đặc thù, quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo rất khó, phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều khâu khác nhau. Trước hết phải chuẩn bị hệ thống lọc khí nhiệt độ và giá thể hấp tiệt trùng, cấy giống sau đó đưa giá thể vào buồng tối trong vòng 7 ngày.
Giá thể để nuôi cây nấm có thể tận dụng sản phẩm như: Gạo lứt, khoai tây, giá đỗ, bột nhộng tằm và có bổ sung một số vi lượng thiết yếu hoặc ký sinh vào sâu non (nhộng tằm). Sau 7 ngày đưa vào phòng tiêu chuẩn đảm bảo nhiệt độ 19 độ C, độ ẩm 80 - 85%, theo dõi nấm phát triển cho thu hoạch từ 65 - 70 ngày.
Để mở rộng quy mô sản xuất, anh Tuấn quyết định thành lập HTX Đông trùng hạ thảo Mộc Châu vào tháng 10/2019 với 7 thành viên. Mục tiêu của HTX mở rộng nuôi cấy, chế biến đông trùng hạ thảo thành các sản phẩm dược liệu có chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của người tiêu dùng. Chỉ sau ba năm hoạt động, HTX Đông trùng hạ thảo Mộc Châu mỗi năm sản xuất ra hơn 20.000 hộp.
Mở hướng đi mới
Cũng theo anh Tuấn, đông trùng hạ thảo khó nuôi trồng, chúng thường sống trên các cao nguyên lạnh giá quanh năm (độ cao trung bình hơn 4.000m so với mực nước biển), đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh và môi trường sống phù hợp mới phát triển.
Để vượt qua trở ngại ban đầu về nhân giống, anh Tuấn chọn nhộng tằm làm giá thể để nuôi cấy. Anh cũng lấy dịch lỏng (được pha chế từ gạo lứt, bắp, khoai tây...) cấy giống nấm trên giá thể. Khi ủ phải duy trì nhiệt độ phòng từ 25 độ C và độ ẩm 85%, giữ tối cho đến khi sợi nấm lan đều, phủ kín bề mặt. Sau đó, chuyển sang xử lý tại phòng kín phải giữ nhiệt độ 18 - 23 độ C, độ ẩm 85% và chiếu sáng cho đến khi bề mặt xuất hiện các chồi nấm màu vàng. Khi chuyển sang phòng nuôi, phải đảm bảo nhiệt độ ổn định 18 - 22 độ C và độ ẩm 85%, chiếu sáng 12 - 14 giờ/ngày cho đến khi thu hoạch...
Nhờ chịu khó mầy mò, tìm hiểu và liên kết với các đối tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các sản phẩm của HTX ngày một phát triển. HTX tạo công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, HTX Đông trùng hạ thảo Mộc Châu có 2 sản phẩm là đông trùng hạ thảo- ngâm mật ong và đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa đã được đăng ký thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La. Sản phẩm của HTX mang đi giới thiệu quảng bá tại các Hội chợ OCOP tỉnh Sơn La cũng như tại nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước đều được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận.
Theo đánh giá của đại diện thị trấn nông trường Mộc Châu, mô hình đông trùng hạ thảo của anh Tuấn đã được tỉnh Sơn La đánh giá cao, thường xuyên quan tâm, hướng dẫn các thủ tục pháp lý HTX có các chứng nhận về chất lượng, mở rộng thị trường, kỳ vọng sẽ mang loài dược liệu quý này đến đông đảo mọi người, nhân rộng mô hình, mở ra hướng phát triển mới, giàu tiềm năng về kinh tế với đông trùng hạ thảo, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Anh Nguyễn Xuân Tuấn - Giám đốc HTX Đông trùng hạ thảo Mộc Châu cho biết, HTX đã làm hồ sơ trình địa phương, các ngành liên quan hỗ trợ mặt bằng đầu tư mở rộng nhà xưởng để nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Đồng thời, mở rộng quảng bá sản phẩm của HTX đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. HTX đẩy mạnh liên kết với các Viện nghiên cứu dược liệu cho ra những sản phẩm mới được chiết xuất từ đông trùng hạ thảo ra thị trường, phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/lam-giau-tu-mo-hinh-hop-tac-xa-kieu-moi1669227331.html