Bước vào năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện và lây lan mạnh của biến chủng mới, chi phí vận chuyển, giá cả vật tư, nhiên liệu sản xuất tăng cao và chịu ảnh hưởng của tình hình phức tạp về an ninh, chính trị trên thế giới… Đã tác động mạnh đến phát triển kinh tế, xã hội của huyện Chương Mỹ, đặc biệt là các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện. Vượt lên những khó khăn trên, các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đã và đang nỗ lực thích nghi với tình hình mới, đẩy mạnh sản xuất, để phục hồi và phát triển.
Nếu như năm 2021, nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) trong huyện bị sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng và doanh thu thì đầu năm 2022 các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh. Đơn cử, năm 2021, Công ty Mây tre xuất khẩu Long Trang (Đông Sơn, Chương Mỹ) liên tục phải cho công nhân nghỉ làm và làm việc luân phiên vì không xuất được hàng, cũng như không tìm kiếm được thêm đơn hàng mới để sản xuất. Từ những tháng đầu năm 2022, công ty đã ký kết được nhiều đơn hàng mới để bảo đảm duy trì ổn định sản xuất trong cả năm 2022 với lượng hàng tiêu thụ tăng trên 20% so với năm 2021.
Dịch Covid-19 cũng khiến nhiều chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh ngành hàng TCMN bị gián đoạn, đứt gãy, tác động lớn đến việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhiều đơn hàng được đề nghị lùi thời hạn giao hàng và bị hủy, nhiều mặt hàng đã làm xong nhưng không xuất khẩu được. Do đó, việc tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm là hết thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vực lại sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Các làng nghề góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Anh Nguyễn Văn Hưng – cơ sở sản xuất mây tre đan (xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Hiện thị trường tiêu thụ của đơn vị chủ yếu là xuất khẩu đến các thị trường như: Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Những năm gần đây, do tác động của dịch Covid-19 nên hoạt động giao thương gặp khó khăn, mặt khác, do chi phí logistics cao nên tác động rất lớn đến chi phí và lợi nhuận của đơn vị. Tuy nhiên, do chịu khó tìm tòi nhiều đối tác và mẫu mã mới nên đơn vị như của tôi vẫn giữ được lượng khách hàng truyền thống, dù đơn hàng có giảm.” Không quá lo ngại về đầu vào các sản phẩm, anh Hưng cho rằng, quan trọng nhất là đầu ra sản phẩm. Anh Hưng cũng đề nghị cơ quan chức năng đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP và các sản phẩm mây tre đan nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hoạt động xúc tiến thương mại gặp nhiều khó khăn.
Đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn do đại dịch.
Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu hàng TCMN, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần chủ động đầu tư thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân, hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo yêu cầu của đơn vị nhập khẩu; tích cực, chủ động tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa và linh hoạt trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng; bám sát nhu cầu thị trường để cân đối sản xuất, tránh đọng vốn, đọng hàng. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục khuyến khích ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển thông qua công tác khuyến công, đào tạo nghề, truyền nghề, hỗ trợ tiếp cận vốn vay, công nghệ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách ưu đãi phát triển; làm tốt công tác dự báo, thông tin thị trường,…
Cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đào tạo năng cao tay nghề cho công nhân.
Các làng nghề TCMN là một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong nền kinh tế của huyện. Hiện nay, toàn huyện có 175 làng có nghề; trong đó có 36 làng nghề được UBND thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Để thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, ngay từ những tháng đầu năm 2022 huyện đã thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nguồn vốn, lao động, xây dựng thị trường, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, các làng nghề đang dần phục hồi và phát triển, đây là kết quả bước đầu góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, huyện trong năm 2022.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/lang-nghe-chuong-my-vuot-kho-sau-dai-dich1650334748.html