Theo kết quả nghiên cứu của Công ty dịch vụ nguồn nhân lực (Acerta), cứ 409 người lao động thì có 1 người khuyết tật, với tỷ lệ hiện diện nhiều hơn trong các lĩnh vực dịch vụ (0,27%), ăn uống (0,26%) và phi thị trường (0,24%). Trong nghiên cứu này, cơ sở dữ liệu của hơn 30.000 công ty cho thấy lĩnh vực nhà hàng-khách sạn có lượng lao động khuyết tật tăng nhiều nhất (+33%), tiếp theo là hậu cần và vận tải (+21,3 %) và ngành công nghiệp chế tạo và luyện kim (+20,9%).
Mặt khác, sự sụt giảm đáng kể được ghi nhận trong nhóm ngành xây dựng (-50,6%) và nhóm công việc tạm thời và dịch vụ (-85,3%), vì các ngành này chỉ tuyển dụng 0,05% người khuyết tật.
Hiện nay, người lao động khuyết tật gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Như trường hợp của Blandine Even, 30 tuổi, cô bị mất khả năng đi lại từ năm 20 tuổi. Phải mất đến 4 năm, Blandine mới tìm được công việc dành cho mình. Cô đã gia nhập Trung tâm khủng hoảng quốc gia vào tháng 4/2021, sau sáu tháng làm việc tại Cơ quan dịch vụ công cộng Wallonia (SPW).
Ảnh Internet
“Khó khăn đầu tiên là tìm một nơi làm việc dễ tiếp cận. Công việc của tôi phải gần nhà ga dành cho những người bị suy giảm khả năng vận động và bản thân tòa nhà nơi tôi làm việc cũng phải có lối cho người đi xe lăn. Sau đó, phải tìm một nhà tuyển dụng cởi mở. Họ sẵn sàng nhận một người khuyết tật nhưng có kỹ năng như tôi (Even có bằng Thạc sĩ). Điểu này giúp điều chỉnh thời gian làm việc vì tôi không thể làm việc toàn thời gian trong văn phòng. Bởi vì mệt mỏi, vì việc di chuyển của tôi mất thời gian hơn, và tôi có những buổi khám sức khỏe hoặc những cuộc hẹn khám sức khỏe”, Even cho biết.
Bên cạnh đó, Blandine còn phải đối mặt với những kỳ thị và nhận xét khó chịu. Theo nghiên cứu Acerta, trên thực tế là không phải các nhà tuyển dụng lớn tin tưởng người khuyết tật mà chính là các công ty nhỏ. Đặc biệt, các công ty có quy mô từ 5 đến 9 công nhân tiếp nhận số lượng cao nhất hồ sơ của người khuyết tật.
Chuyên gia Donatienne Knipping kết luận: “Các công ty có quy mô nhỏ thường là công ty tư nhân và có thể hỗ trợ mang tính cá nhân hóa hơn cho những người mà họ cần”.
Còn tại Việt Nam, số liệu thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước có hơn 6,2 triệu NKT nhưng chỉ 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NKT là đối tượng yếu thế, chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mất việc làm và hiện rất khó quay trở lại thị trường lao động để tìm cho mình một công việc phù hợp.
Hồi tháng 4 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội NKT TP Hà Nội và hội NKT các quận, huyện trên địa bàn thành phố tổ chức phiên giao dịch việc làm (GDVL) lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT.
Các chỉ tiêu tuyển dụng tập trung vào nghề may, thủ công mỹ nghệ, nhân viên kinh doanh, thợ thêu tranh, thợ may công nghiệp. Mức lương mà các doanh nghiệp trả cho người lao động phụ thuộc vào vị trí việc làm và trình độ, năng lực của người lao động, dao động từ 5 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Một rào cản đối với NKT là thiếu thông tin. Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, một bộ phận không nhỏ NKT còn chưa tiếp cận được những thông tin về chính sách ưu đãi mà họ được hưởng. Hiện vẫn chưa có một kênh thông tin có hệ thống và đáng tin cậy để NKT tìm đến, từ đó nắm được cơ hội đào tạo nghề và việc làm dành cho NKT.