Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ trên phố Trường Chinh, chẳng mấy ai còn xa lạ với một tiệm giặt là “đặc biệt” mang cái tên rất đẹp “Giặt là sẻ chia- Tiệm giặt người khuyết tật”.
Tiệm giặt “đặc biệt” bởi nó được góp ích từ bàn tay những con người đặc biệt. Nếu ai đã từng ghé qua đây, có lẽ đều sẽ ngạc nhiên khi nhân viên ở cửa tiệm đều mang trên mình những thiệt thòi. Người gặp khiếm khuyết về tay, người gặp khiếm khuyết về chân nhưng hiếm để thấy họ xấu hổ hay mặc cảm về ngoại hình của mình. Những nhân viên khuyết tật vui vẻ, hòa nhã, nhanh nhẹn và chuyên nghiệp chẳng khác những người bình thường.
“Chưa từng nghĩ sẽ làm việc với người khuyết tật. Nhưng có lẽ họ với mình có duyên với nhau”
Một cửa hàng giặt là nhỏ và xinh xắn với những nhân viên mặc đồng phục chỉnh tề đang cần mẫn gấp những bộ quần áo cho khách. Khi thấy chúng tôi đến thăm, một anh nhân viên gặp khó khăn về chân niềm nở chào đón và di chuyển thật nhanh để mời chúng tôi vào trong. Một lúc sau, một anh nhân viên khác bị teo cả hai bàn tay từ khi còn nhỏ đạp xe đạp đi giao hàng cho khách vừa về cũng hồ hởi chào chúng tôi. Anh Đỗ Văn Hiểu giới thiệu đây là hai trong số những nhân viên “cứng” của cửa hàng này.
Anh Đỗ Văn Hiểu (Người đứng thứ 3 từ bên phải vào) cùng nhân viên trong tiệm “Giặt là sẻ chia- Tiệm giặt người khuyết tật”.
Anh Đỗ Văn Hiểu (SN: 1993) - Người sáng lập tiệm “Giặt là sẻ chia” vốn chưa bao giờ từng nghĩ mình sẽ làm việc với người khuyết tật. “Thực lòng mà nói, mình đã mở 3 cửa hàng giặt là rồi và 3 cửa hàng kia mình đều tuyển những bạn nhân viên là người bình thường. Cơ duyên thế nào có một ngày, một bạn khuyết tật đến xin mình làm việc trong cửa tiệm. Vậy là mình nhận bạn ấy luôn và có lẽ là mình có duyên giúp đỡ các bạn khuyết tật từ đó”- Anh Hiểu cười tươi chia sẻ.
Quá trình làm việc bằng tâm, bằng sức và nghị lực vượt lên chính mình của người nhân viên đã khiến anh Đỗ Văn Hiểu thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về người khuyết tật. Chàng trai trẻ bắt đầu tìm hiểu về người khuyết tật trên các hội nhóm của họ và xót xa nhiều khi biết đến công việc mà họ đã làm trước đây.
“Mình chỉ thấy họ làm tăm tre rồi hát rong. Mình vừa thấy tội lại vừa thấy thương quá. Mình có hỏi rất nhiều người khuyết tật và biết họ không có việc làm, không thể xin được việc dù họ có thể làm được. Mình bắt đầu trăn trở nhiều về việc có nên mở ra một cửa tiệm để giúp họ có công ăn việc làm hay không?”- Anh Hiểu chia sẻ.
Tuy nhiên, người khuyết tật mang nhiều đặc thù hơn so với lực lượng lao động thông thường khiến chàng trai trẻ có phần băn khoăn: “Ban đầu mình cũng tự hỏi liệu họ có làm được hay không vì họ đi lại khó khăn hoặc mắt kém,… nhưng rồi mình quyết định là mình phải làm. mình nghĩ đó là một việc cần mà mình sẽ phải làm bằng bất cứ giá nào”
Nói là làm, anh Hiểu bắt tay vào khâu thuê mặt bằng, thiết kế nội thất, thiết bị và khâu khó nhất đối với anh là tuyển nhân viên. Anh bắt đầu đăng tuyển, có rất nhiều người khuyết tật tìm đến anh để làm việc nhưng rồi họ cũng rời đi vì mặc cảm khi tiếp xúc với người khác.
“Ấn tượng nhất là một bạn khuyết tật cả đôi bàn tay nhưng mình đã rất sốc khi bạn ấy vẫn có thể đi xe máy từ Hà Nam lên tận Hà Nội để làm việc. Dù khuyết đôi bàn tay nhưng bạn ấy vẫn làm việc rất hiệu quả, khách hàng quý mến lắm. Mình không có lý do gì để từ chối những người nghị lực như vậy cả”- Anh Hiểu vừa nói vừa chỉ tay về người nhân viên khuyết tật đang chất đồ lên xe đạp, chuẩn bị đi giao hàng cho khách.
Người nhân viên khuyết đôi bàn tay vẫn cần mẫn đi giao hàng cho khách.
Đằng sau cái tên “Giặt là sẻ chia- Tiệm giặt người khuyết tật”
Tò mò về cái tên đầy ý nghĩa của cửa hàng, chúng tôi mạnh dạn hỏi anh. Anh Hiểu cười tươi đáp lời: “Đó là cái tên mà mình dành bao nhiêu công sức để nghĩ ra đấy. Mình để chữ “Tiệm giặt người khuyết tật” bên cạnh tên chính cũng có ý nghĩa cả. Cái tên đó vừa là tên gọi nhưng cũng vừa là lời thông báo cho khách hàng. Mình muốn trước hết khách hàng hiểu và thông cảm cho những người khuyết tật. Họ rất nhanh nhẹn, cố gắng nhưng sẽ có nhiều lúc chậm chạp và khó khăn hơn người khác do những khiếm khuyết trên cơ thể. Khi người khác hiểu được điều này, họ sẽ tránh được những tình huống làm tổn thương những người khuyết tật. Cuộc đời họ đã có quá nhiều sự tổn thương rồi”.
100% những nhân viên trong tiệm giặt là là người khuyết tật.
Anh khẳng định: “Người khác vì thương người khuyết tật có thể đến ủng hộ, giúp đỡ 1 lần, 2 lần nhưng không ai có thể giúp đỡ được mãi. Để tiệm giặt của người khuyết tật có thể đi xa và ổn định, mình luôn chú trọng hàng đầu là chất lượng, thái độ và sự chuyên nghiệp”.
Đó là tình thương, sự đồng cảm và an ủi đến từ một chàng thanh niên trẻ đối với những người khuyết tật. Anh mong muốn giúp đỡ đúng người, những người khó khăn thực sự nhưng không phải là sự từ thiện mà ước muốn lớn hơn là thay đổi sự nhìn nhận của xã hội về người khuyết tật. “Mình muốn họ nhìn nhận họ cũng đi làm, cũng kiếm ra tiền và có cuộc sống ổn định như bao nhiêu người khác”. - Anh nói.
Vượt lên những lời rèm pha, thị phi
Mở một cửa hàng kinh doanh với những người khuyết tật là một bài toán khó đối với bất cứ ai, không chỉ riêng đối với chàng trai trẻ Đỗ Văn Hiểu. Đó là bài toán kinh tế, bài toán khách hàng và là bài toán nhân văn đối với những người yếu thế.
“Khi mình mở cửa hàng, cũng có nhiều lời bàn tán ra vào. Họ nghĩ là mình mượn cái danh của người khuyết tật để kinh doanh, trục lợi cho bản thân. Nếu đúng như những gì họ nói thì liệu rằng những người nhân viên ở đây có đồng hành cùng mình tiếp hay không? Mình vẫn cứ làm, vì mong muốn được giúp đỡ người thật, việc thật nên mình chẳng ngại rèm pha”. - Anh Hiểu nói.
Anh Hiểu cho biết thêm về việc mình mở cửa hàng không phải để kêu gọi vốn và cũng chẳng bao giờ có nhu cầu kêu gọi vốn vì dành cho người khuyết tật. Khách hàng đến với tiệm giặt là đơn giản là vì nhu cầu và vì chất lượng của bên cửa hàng.
Nhân viên cửa hàng và khách hàng.
Bỏ bên lề những lời rèm pha, chàng trai trẻ vẫn quan tâm, hỏi han và giúp đỡ người khuyết tật bằng mọi thứ có thể. Để giúp đỡ họ tối đa, anh để ý đến từng chi tiết, vật dụng trong cửa hàng, từ chiếc ghế có bánh xe có thể di chuyển giúp nhân viên cửa hàng thuận tiện hơn đến những chiếc kệ được thiết kế vừa tầm. Tất cả xuất phát từ suy nghĩ “đã giúp đỡ phải giúp đỡ bằng tâm huyết và sức lực của mình cho xứng đáng với họ”.
Chấp nhận chịu lỗ vì những người khuyết tật vẫn đang cố gắng
Người khuyết tật gặp rất nhiều thiệt thòi từ môi trường sinh sống đến môi trường giáo dục. “Khi mình tuyển nhân viên, mình luôn hỏi trước kia các bạn làm gì để hiểu các bạn ấy hơn. Có một bạn nhân viên bên mình trước khi đến gặp mình đã từng phải đi đẩy xe rác với mẹ, thu nhập chỉ 3 triệu một tháng. Mình thấy phải làm gì đó giúp ngay và đơn giản nhất là nhận bạn ấy vào làm”- Anh Hiểu chia sẻ.
“Mình chấp nhận chịu lỗ để giúp đỡ người khuyết tật, mình sẵn sàng trả cho họ một mức lương cao hơn người bình thường. Mình hi vọng họ sẽ có một nguồn thu ổn định để đảm bảo cuộc sống. Mọi thứ được đo lường bằng kết quả công việc, họ làm như người bình thường, thậm chí là cố gắng và nỗ lực gấp nhiều lần người bình thường thì họ phải được trả một mức lương xứng đáng, thậm chí là cao hơn những người khác”.
Những lời tâm sự chân thành của anh Đỗ Văn Hiểu chính là sự công bằng đối với người khuyết tật mà tất cả các doanh nghiệp, đơn vị giúp đỡ người khuyết tật đều phải chú trọng.
Nhìn một cửa tiệm khang trang, chuyên nghiệp nhưng ít ai biết chàng trai trẻ vẫn đang chịu lỗ để giúp đỡ người khác. “Tháng đầu tiên mình lỗ 19 triệu, tháng thứ hai đâu đấy khoảng 15 triệu, mình biết lỗ nhưng vẫn làm vì những người khuyết vật đang vẫn đang cố gắng”- Một lời khẳng định chắc chắn từ một con người rất giàu tình cảm.
Nhân viên cửa hàng vẫn đang từng ngày cố gắng.
Ở “Giặt là sẻ chia”, người ta luôn bắt gặp những con người cố gắng, nỗ lực và nghị lực vươn lên hết mình. “Mình khuyết thì mình phải cố gắng vượt lên số phận chứ biết làm sao. Mình phải cố gắng chứ”- Anh Luân- Nhân viên cửa hàng vừa làm việc, vừa cười tươi nói với chúng tôi.
Anh Hiểu chia sẻ cái cốt cán ở người khuyết tật là ý chí và nghị lực. Chỉ cần nghị lực là ở đâu họ cũng có thể sống bằng chính sức lực của mình và mình có thể giúp đỡ bằng mọi thứ có thể.
“Mình mong muốn được mở rộng mô hình này ra nhiều hơn nữa, có thể là toàn thành phố Hà Nội vì người khuyết tật ngoài kia còn nhiều quá. Mình giúp họ để họ hòa nhập và thấy mình không còn nhỏ bé trong xã hội nữa”. - Anh xúc động chia sẻ.