Ông Mik Duxbury, sinh sống tại Vương quốc Anh là người khiếm thị. Kế thừa truyền thống trang trại của gia đình, ông không để cho khiêm khuyết của bản thân cản trở sự nghiệp. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông nghiệp Warwickshire, có trình độ chuyên môn về dinh dưỡng động vật cùng bằng quản lý kinh doanh nông nghiệp.
Cho đến nay, Duxbury và đối tác của ông, bà Ness Shillito đã cùng thành lập một trong những trang trại đầu tiên tại Vương quốc Anh chuyên đào tạo người khuyết tật làm nghề nông nghiệp.
Với 10 con lợn, 10 con cừu, 4 con dê và 50 con chim đẻ trứng, Trang trại Hòa nhập gần thị trấn Flitwick ở hạt Bedfordshire được xây dựng nhằm mục đích cung cấp cho sinh viên đầy đủ các kỹ năng được mong đợi ở bất kỳ trang trại nào của Anh. Hiện trang trại đang hướng dẫn cho các sinh viên khuyết tật từ trường Cao đẳng Milton Keynes - những người theo đuổi ước mơ chăm sóc động vật.
Cách chăm sóc đàn gia súc, gia cầm của ông chủ khiếm thị khác biệt so với người thường (Ảnh: The Guardian)
Trong gần một thập kỷ sau khi đủ điều kiện, ông Duxbury đã làm việc với tư cách là một chuyên gia chăn nuôi, đồng thời là một nhân viên nghiên cứu cho các công ty nông nghiệp quốc gia. Sau đó, ông chuyển sang làm việc trong lĩnh vực viễn thông. Tiền bạc tuy rủng rỉnh, nhưng công việc này đối với ông chỉ là một sự ‘cứu cánh’ nên bất cứ khi nào có thể, Duxburry vẫn luôn thường xuyên làm nông.
Tháng 9/2021, ông Duxbury cùng bà Shillito đã bắt đầu biến một cánh đồng thuê với cây xanh um tùm trở thành một trang trại làm việc cho người khuyết tật.
Trang trại đã được điều chỉnh cho phù hợp với những người có nhiều nhu cầu về thể chất và Duxbury tin rằng đây là một phương án khả thi. Mỗi chuồng nuôi động vật sẽ có một mặt tiền khác nhau với các hình dạng độc đáo được cắt thành hàng rào, điều này sẽ giúp Duxbury có thể di chuyển xung quanh trang trại mà không cần sự trợ giúp. Thay vào đó, ông có thể cảm nhận được mọi thứ bằng cảm giác, âm thanh và kết cấu.
Tại Trang trại Hòa nhập, điện và nước sinh hoạt vẫn chưa được lắp đặt, nhưng Duxbury và Shillito đã bắt đầu thu nhận 14 sinh viên đầu tiên để hoàn thành các khóa học của họ.
Ông chủ khiếm thị hi vọng về một tương lai tươi sáng cho cộng đồng người khuyết tật (Ảnh: The Guardian)
Duxbury hy vọng cuối cùng bản thân sẽ có thể mở rộng khu đất hơn để trang trại phát triển mạnh mẽ, dạy cho sinh viên nhiều kỹ năng nông nghiệp và đưa nhiều sản phẩm ra thị trường hơn.
'Thế giới đã không còn giống như trước đây về công nghệ và cả những định kiến của con người. Có rất nhiều chỗ cho những người khuyết tật như tôi thuộc về và phát triển sự nghiệp trong bất cứ lĩnh vực nào chúng tôi lựa chọn', ông cười.
Còn anh Lu Hong, 42 tuổi mắc bệnh bại não từ nhỏ, nhưng làm những điều khiến người khác phải ngưỡng mộ. Cha mẹ Lu cho con theo học tại một trường nghề sau khi hoàn thành chương trình trung học cơ sở. Tốt nghiệp, anh đi xin việc khắp nơi, nhưng chẳng công ty nào muốn tuyển một người khuyết tật.
Từng thất bại khi đi xin việc, anh trải qua đủ nghề như bán báo, tạp chí và cho thuê điện thoại cố định, cho thuê đĩa phim, sửa máy tính và mở quán internet. Doanh thu của Lu lên như diều gặp gió. Biết đến tài năng và nghị lực của anh, mọi người bắt đầu gọi Lu là Tiểu Lu, "Lu sư phụ".
Năm 2017, anh thành lập công ty chuyên sản xuất máy tính và văn phòng phẩm. Từ một xưởng vài nhân công, giờ đã trở thành nhà máy rộng 1.000m2, với 42 nhân viên.
Lu cho biết, trong mắt anh, nhân viên khuyết tật là những "đứa con quý". "Họ rất khó kiếm việc nên khi có việc rồi, họ sẽ cống hiến 120/100 để chứng minh mình. Họ có thể khiếm khuyết một điểm nào đó, nhưng ở khía cạnh khác, họ không tệ", ông chủ nhìn nhận về người đổng cảnh.