Việt Nam cần có thêm nhiều giải pháp mạnh để giữ chân và hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa.
Trong thư gửi Thủ tướng, đề xuất chiến lược khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới, nhiều hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (Amcham, EuroCham, KoCham, Acean USABC) nêu quan điểm, việc chậm mở cửa trở lại nền kinh tế đang gây khó khăn trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Đại diện các hiệp hội cho biết, hiện doanh nghiệp rất cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại. Các hiệp hội cũng đưa ra số liệu, đã có khoảng 20% doanh nghiệp thành viên đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác. Theo đó, đại diện các hiệp hội mong muốn, sản xuất phải tái mở cửa, thiết lập trạng thái “bình thường mới” sớm nhất có thể.
“Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài. Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ”, văn bản của các hiệp hội đưa ra nhận định.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp FDI duy trì phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Đây là biện pháp khả dĩ, song Chính phủ nên tính toán ưu tiên những ngành nghề mà trong nước chưa tự chủ được, đồng thời sàng lọc dòng vốn chất lượng thấp, công nghệ cũ, ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, cần xem xét áp dụng những đề xuất mới của doanh nghiệp, như “hai xanh” công nhân của họ sống tại “vùng xanh” và cơ sở sản xuất ở “vùng xanh”. Đặc biệt, cần quy định rõ ràng hơn cơ chế phối hợp giữa các địa phương, các ngành, lĩnh vực để tránh chồng chéo như hiện nay. Đây cũng là kiến nghị của 75% doanh nghiệp thành viên của EuroCham về việc cần có quyết sách thông suốt từ Chính phủ thay vì để địa phương quyết định.
Ngoài ra, cần lộ trình cụ thể hơn về phòng chống dịch để giúp các doanh nghiệp dự báo khả năng quay lại sản xuất. Tất cả mọi tính toán, đánh giá, dự báo đều phải dựa trên cơ sở khoa học là tỷ lệ tiêm chủng và mức độ miễn dịch.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine ở Việt Nam vẫn còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới và khu vực. Đây là rào cản khiến nhiều địa phương không dám mở “rộng cửa”, trên bình diện quốc tế Việt Nam vẫn chưa thật sự tham gia sáng kiến “hộ chiếu sức khỏe điện tử”, “hộ chiếu vaccine” của Hiệp hội Hàng không quốc tế dẫn đến tắc nghẽn vận tải và cung ứng. Vì vậy, cần ưu tiên tối đa vaccine cho người lao động để các doanh nghiệp có thể hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại.
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, giãn cách xã hội như vừa qua, tất yếu gây đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng. Hậu quả là đã có doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam.
Ngoài những khó khăn mà các doanh nghiệp nước ngoài đã nêu, theo ông Thiên, việc tạm thời đóng cửa, phong toả để ưu tiên phòng chống dịch bệnh như vừa qua còn ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược phát triển, thu hút đầu tư dài hạn, giảm cơ hội đón dòng vốn chuyển dịch FDI. Ông Thiên cũng đề cập đến việc một bộ phận doanh nghiệp trong nước cũng bị ảnh hưởng do các đối tác của họ là doanh nghiệp nước ngoài gặp khó.
Về giải pháp tháo gỡ, ông Thiên đưa ra đề xuất, nên thay đổi cách thức phong tỏa ổ dịch diện rộng như vừa qua, không hành chính cứng nhắc, gây phiền hà, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Ông Thiên lấy ví dụ về nỗ lực thay đổi của Hà Nội, thành phố dừng việc phân vùng, chỉ phong toả trên phạm vi hẹp nhất để nới lỏng giãn cách xã hội, là cách làm cần được nhân rộng.
“Tinh thần mở cửa phải đảm bảo an toàn lưu thông kinh tế, gồm chuỗi cung ứng vận tải (logistics) và tiền tệ; an toàn sản xuất tại các khu công nghiệp. Nhóm chuyên trách, tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng phải phát huy được vai trò của mình”, ông Thiên nhấn mạnh.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/doanh-nghiep-fdi-dan-chuyen-dong-von-sang-nuoc-thu-ba1632403750.html