Học sinh trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP Hồ Chí Minh) được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: HCDC
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, TP đang tập trung nguồn lực tiêm chủng cho học sinh từ 12-17 tuổi và nhóm sinh viên, công nhân đi từ các tỉnh thành khác về TP. Riêng với nhóm trẻ từ 3-12 tuổi, Sở Y tế cùng các phường, xã đã lập kế hoạch chi tiết, đề xuất Bộ Y tế để sử dụng loại vaccine phù hợp. Khi nào Bộ Y tế đồng ý và có hướng dẫn cụ thể, Sở sẽ thông tin chi tiết.
Ngoài ra, TP cũng đã chuẩn bị vaccine để tiêm đầy đủ cho học sinh từ 12 – 17 tuổi. "Trẻ ở độ tuổi này, vì lý do nào đó không được tiêm vaccine thì vẫn đến trường bình thường, khi học sinh thành phố học trực tiếp. Ngoài ra, TP đang xin ý kiến của Bộ Y tế về kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 3 đến dưới 12 tuổi" - bà Mai thông tin.
Hà Nội nâng mức cảnh báo phòng dịch lên cấp độ 2: Đám cưới, đám ma không tập trung quá 30 người
Nhịp sống tại thủ đô đang dần trở lại bình thường sau thời gian dài giãn cách. Ảnh: Giang Huy
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tạm thời thích ứng an toàn với Covid-19, điều chỉnh lại một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, thể dục thể thao.
Theo văn bản do Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành, thành phố ở thang cấp độ 2 (màu vàng) theo tiêu chí phòng chống dịch của Bộ Y tế. Các biện pháp hành chính áp dụng chung cho toàn thành phố tương ứng cấp độ dịch cấp 2 (tuy nhiên, có một số địa bàn xã, phường áp dụng cấp độ 3, cấp độ 4).
Với đám cưới, người tham dự không tập trung quá 30 người/thời điểm. Những người thuộc diện cách ly hoặc theo dõi sức khoẻ như có triệu chứng Covid-19 (ho sốt, khó thở, đau rát họng...) không tham dự. Người bên ngoài gia đình chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin không nên tham dự lễ cưới. Ban tổ chức, nhân viên phục vụ lễ cưới và 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Người giữa các bàn không tiếp xúc gần với nhau; gia đình không thực hiện chúc mừng tại từng bàn...
Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được bán hàng tại chỗ, không quá 50% công suất chỗ ngồi, đảm bảm giãn cách, chủ nhà hàng và nhân viên được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.
Nạn trộm xe máy tăng cao sau giãn cách ở TP.HCM
Phát hiện xe bị trộm, nạn nhân đuổi theo nhưng không kịp. (Ảnh cắt từ clip)
Liên tục từ đầu tháng 10/2021, hàng loạt vụ trộm cắp xe máy đã diễn ra ở nhiều quận, huyện thuộc TP.HCM. Đa phần kẻ trộm ra tay rất nhanh trong vòng chưa đầy 10 giây, chiếc xe đã “không cánh mà bay” cùng kẻ trộm xe.
Đa số những vụ trộm xảy ra là từ những các cửa hàng kinh doanh nằm ở mặt đường lớn, kẻ trộm dễ bề ra tay và nhanh chóng tẩu thoát, dù nạn nhân phát hiện cũng không thể đuổi theo.
Theo ghi nhận, hầu hết vụ trộm xe máy đều có điểm chung là kẻ trộm mất chưa tới 5 giây để bẻ khóa và phóng đi. Nạn nhân có phát hiện cũng không kịp trở tay.
Hàng quán ở TP.HCM thiếu nhân viên trầm trọng sau dịch
Nhiều nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM đang đối mặt với bài toán thiếu lao động khi mở cửa trở lại.
Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép hàng quán phục vụ tại chỗ, nhiều cơ sở kinh doanh tại TP.HCM đang phải đối mặt với thực trạng thiếu nhân viên trầm trọng. Có nơi, chủ quán phải kiêm luôn chạy bàn hoặc huy động người thân trong gia đình.
Nhiều doanh nghiệp phải năn nỉ lao động quay lại làm việc vì họ không muốn trở lại TP.HCM. "Một số còn bị ám ảnh tâm lý sau thời gian dài giãn cách xã hội, nay muốn quay lại cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quang Cường - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên - cho rằng đa phần, người lao động muốn về quê vì tại thời điểm đó họ không biết tình hình dịch tại TP.HCM khi nào mới ổn định. "Họ cũng chia sẻ, 2-3 tuần về quê cũng không biết làm gì vì đã quen với công việc trên đây rồi nên muốn quay trở lại", ông nói.
Theo ông Cường, việc tuyển lao động tại TP.HCM không phải là khó khăn lớn của TP.HCM mà chỉ là khó khăn tạm thời. Giống như việc lao động nghỉ khi Tết Nguyên đán và sau đó thì người lao động cũng trở lại trễ khoảng 1 tuần, 2 tuần nhưng sau đó sẽ ổn định lại.
Đôi nam nữ tai nạn thương tâm vì ống cống chắn ngang trên đường
Hiện trường vụ tai nạn khiến 2 người tử vong.
Vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 1h30' ngày 1/11 tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, thuộc địa phận xóm Hắng, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Thời điểm trên, xe máy do anh Hà Văn Đ (23 tuổi, trú tại xã Tô Múa huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) điều khiển, chở theo chị Vũ Thị N. (23 tuổi, trú tại xã Tân Ninh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Khi di chuyển trên đường trong Khu công nghiệp Điềm Thụy thì xe máy đâm vào ống cống giữa đường khiến cả 2 tử vong thương tâm.
Chiều ngày 1/11, trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND xã Hồng Tiến cho biết ống cống trên không phải của đơn vị thi công nào để lại.
Cách đây mấy tháng, khi dịch bệnh phức tạp, ban quản lý khu công nghiệp dùng ống cống để chốt chặn không cho xe qua lại trên trục đường nội bộ bên trong khu công nghiệp. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chốt chặn đó đã được dỡ bỏ để phương tiện đi lại, mọi người vẫn đi lại bình thường.