Từ tinh thần vượt khó, niềm đam mê với những “cối xay gió”…
Tháng 9/2021 được coi là khoảng “thời gian vàng” cho các dự án điện gió chạy đua nước rút nhằm đạt được tiến độ phát điện trước ngày 31/10/2021 để hưởng giá FIT theo Quyết định số 39/201/QĐ-TTg của Chính phủ. Để đạt được điều này, không ít thách thức đến từ dịch bệnh Covid-19, giãn cách xã hội, công tác vận chuyển thiết bị, thời tiết mùa mưa, giá nguyên vật liệu liệu leo thang… đã gây sức ép rất lớn cho các nhà đầu tư. Tuy vậy, những khó khăn này cũng là phép thử để các chủ đầu tư khẳng định năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án và sự linh hoạt trong các giải pháp thi công.
Toàn cảnh dự án Điện gió Kosy Bạc Liêu nhìn từ trên cao.
Nằm trên địa bàn huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, dự án Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1 (công suất lắp máy 40,5 MW) do Công ty Cổ phần Điện gió Kosy Bạc Liêu – thành viên của Tập đoàn Kosy làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 10/2020.
Tính đến ngày 28/9/2021, toàn bộ 9 turbine của nhà máy đã hoàn thành công tác lắp đặt. Đây là thành quả của “công trường không ngủ”, tinh thần quyết tâm vượt khó, kinh nghiệm thi công thần tốc của chủ đầu tư và các nhà thầu. “Tất cả vì niềm đam mê với những “cối xay gió”, anh em công trường đã làm việc gấp đôi, gấp ba công suất, để hoàn thành lắp đặt các turbine – xương sống của dự án, một mốc son quan trọng, khẳng định niềm tin phát điện trước giờ G”, anh Lương Hồng Phong – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kosy chia sẻ.
Đại diện chủ đầu tư dự án và các nhà thầu trong lễ hoàn thành lắp đặt turbine gió nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu.
Hoàn thành lắp đặt toàn bộ turbine của dự án là yếu tố tối quan trọng, đảm bảo tiến độ phát điện theo kế hoạch trước ngày 31/10/2021. 9 turbine của nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu được cung cấp trọn bộ bởi Tập đoàn Goldwind International Renewable – Top 3 nhà sản xuất turbine lớn nhất toàn cầu. Đây là dòng turbine thông minh 4.5 MW mới nhất, phù hợp điều kiện gió ở khu vực, có đường kính cánh dài 155 m, cột tháp cao 130 m giúp tăng sản lượng điện. Turbine Goldwind sử dụng công nghệ nam châm vĩnh cửu truyền động trực tiếp, không hộp số nhờ đó giảm hao phí vận hành, tăng hiệu quả phát điện.
Đối với ngành năng lượng tại Việt Nam, turbine gió (đặc biệt là turbine công nghệ nam châm vĩnh cửu không hộp số mà dự án Điện gió Kosy Bạc Liêu sử dụng) là công nghệ mới. Anh Hồ Văn Tuân, Phó Ban QLDA Điện gió Kosy Bạc Liêu cho biết, từ khâu vận chuyển bốc dỡ hàng tại cảng, vận chuyển đường biển, đường bộ, đến việc lắp đặt turbine tại công trường đòi hỏi kỹ thuật cao và sự tính toán hết sức cẩn trọng. Sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các đơn vị nhà thầu thi công đường, bãi, nhà thầu vận chuyển, lắp đặt turbine, đơn vị tư vấn giám sát cần thống nhất, đồng bộ, “ăn khớp” nhịp nhàng để tiết kiệm tối đa thời gian và đạt hiệu quả cao. “Chúng tôi đã trở thành những “chuyên gia thời tiết” tại Bạc Liêu, phải tìm hiểu rất kỹ thời gian gió lên, gió giật, mưa, nắng… để linh hoạt phương án chuẩn bị, lắp đặt những cấu kiện chính vào thời điểm phù hợp,” anh Hồ Văn Tuân chia sẻ.
Minh chứng cho điều này, anh Tuân dẫn ra câu chuyện khi lắp đặt turbine số 5 của dự án, khi đang nâng tổ hợp cánh thì trời mưa lớn và gió lốc, phương án hạ tổ hợp cánh là tối kị vì tháo lắp rất phức tạp. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng thời gian 15 phút đánh giá tình hình thời tiết, thời gian cẩu chính ga hết tốc lực, tốc độ gió giật tại đỉnh cần cẩu (cao 138 m), Ban QLDA đã quyết định tiếp tục cho kéo tổ hợp lên lắp, định tâm và lắp đặt turbine thành công. Nếu không có quyết định nhanh chóng và kịp thời, cũng như kỹ thuật lắp đặt cao, việc lắp đặt turbine sẽ bị trì hoãn kéo dài vì sau đó, mưa gió ngày càng lớn hơn ở những ngày kế tiếp.
Turbine của nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu.
Ngay cả việc vận chuyển turbine về công trường trong những ngày dịch bệnh kéo dài cũng không phải dễ dàng. Khi lắp turbine số 2, do tình hình dịch căng thẳng, nhà thầu không thể đưa xe kịp đến cảng vận chuyển hàng ở chuyến xà lan cuối. Nếu không vận chuyển kịp mã thiết bị này, dự án có thể sẽ phải chờ đến hàng chục ngày mới lắp tiếp được vì phải phụ thuộc nhiều yếu tố và trượt kế hoạch. Ban QLDA đã phải cùng với các nhà thầu, đối tác tính toán mọi phương án, canh thời gian tại cảng đến gần sáng mới bố trí được phương tiện vận chuyển. Ngay hôm đó, Ban QLDA đã cho lắp cẩu chính và nâng cần trước thời điểm xe hàng về tới công trường, khi thiết bị về tới, cẩu chính cũng kịp lên, các phương án lắp đặt sẵn sàng, tiến độ được đảm bảo theo kế hoạch ban đầu. “Chúng tôi ai nấy đều vỡ òa trong niềm hân hoan sau những phút căng thẳng đến nghẹt thở. Có lẽ, niềm say mê với điện gió, sự đồng tâm, nhiệt huyết trong công việc đã giúp chúng tôi chiến thắng được những khó khăn này,” anh Chu Công An, Phó Ban QLDA chia sẻ.
Các kỹ sư Kosy Group hướng dẫn vận hành thao tác thiết bị tại trạm biến áp.
Cùng với chủ đầu tư, các nhà thầu cũng dốc toàn lực cho dự án. Anh Nguyễn Đình Quý – Chỉ huy trưởng đơn vị thi công móng cọc turbine, nhà thầu Đặng Gia cho biết: “Chúng tôi đã bố trí anh em công nhân làm 3 ca một ngày không kể ngày đêm. Mặc dù thời gian triển khai gói thầu đúng vào mùa mưa, cộng thêm địa hình thi công khó khăn, nhưng bằng tất cả nỗ lực, chúng tôi đã hoàn thành toàn bộ 9 trụ móng turbine theo đúng yêu cầu thiết kế, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và an toàn. Tất cả những công nghệ, biện pháp tối ưu nhất đều được chúng tôi triển khai tại dự án này.”
Theo sát dự án từ những ngày đầu, anh Hồ Huy Hoàng - Trưởng đoàn Tư vấn giám sát CONINCO-MI khẳng định: “Chủ đầu tư Kosy Group là một đơn vị rất quyết liệt trong việc bám sát từng phút, từng giờ thi công dự án, một sự quyết tâm hiếm thấy.”
“Chúng tôi đã đồng hành cùng dự án 24/24 tại công trường. Sự quyết tâm rất lớn của Tập đoàn Kosy và Ban QLDA đã giúp dự án đạt được thành quả quan trọng này”, anh Võ Duy Trung - Trưởng đoàn Tư vấn giám sát của PECC2 chia sẻ.
Đến việc sẵn sàng về đích…
Song song với việc hoàn thiện thi công lắp đặt các turbine, trạm biến áp và đường dây đấu nối của nhà máy cũng đã hoàn thành. Các thủ tục pháp lý của dự án cũng được gấp rút triển khai và hoàn tất.
“Mọi công tác hồ sơ của dự án Điện gió Kosy Bạc Liêu đều đã được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng chờ đóng điện chạy thử nghiệm và COD nhà máy điện”, ông Lương Hồng Phong, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kosy chia sẻ.
Trạm biến áp nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu.
Hiện tại, công tác lắp đặt thí nghiệm hiệu chỉnh phần điện cho các turbine của Điện gió Kosy Bạc Liêu đang được triển khai và dự kiến đầu tháng 10 sẽ hoàn thành. Cùng với đó là công tác đấu nối đường dây 220 kV, hoàn thiện đấu nối tuyến cáp ngầm 22 kV, hoàn thiện phần điện và chạy thử các turbine. Dự kiến từ ngày 10 - 15/10, Ban QLDA mời Hội đồng nghiệm thu để nghiệm thu công trình đủ điều kiện đóng điện và hòa lưới điện lần đầu. Tất cả các hạng mục đều được giám sát chặt chẽ theo đúng quy chuẩn và kế hoạch, đảm bảo tiến độ phát điện toàn nhà máy trước ngày 30/10/2021. Khi nhà máy hoàn thành và phát điện, sẽ cung cấp sản lượng điện gió trung bình khoảng 116,7 triệu kWh/năm, hòa cùng hệ thống điện lưới quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tập đoàn Kosy được biết đến là nhà phát triển đô thị và năng lượng tái tạo tại nhiều tỉnh thành. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Điện gió Kosy Bạc Liêu, Kosy Group sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (50 MW) của dự án này. Trong lĩnh vực thủy điện, nhà máy Thủy điện Nậm Pạc (34 MW) tại Lai Châu của Kosy Group sẽ chính thức phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia trong tháng 10/2021. Ngoài ra, tháng 5/2021, Tập đoàn Kosy đã khởi công xây dựng dự án thủy điện Pa Vây Sử (50,5 MW) tại Phong Thổ, Lai Châu và dự án thủy điện Mường Tùng (32 MW) tại Mường Chà, Điện Biên, mục tiêu phát điện 2 dự án trước ngày 30/9/2023. Mới đây, Kosy Group đã được UBND tỉnh Bạc Liêu chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện gió ngoài khơi (1.000 MW) tại Bạc Liêu và được tỉnh đề nghị Bộ Công thương bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia. Bên cạnh đó, Kosy Group đang nghiên cứu khảo sát, lập dự án thủy điện tích năng (1.200 MW) tại Lâm Đồng, dự kiến đầu tư xây dựng vào năm 2026 - 2030.