Là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động. Theo tính toán của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương, hiện các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang cần tuyển dụng khoảng 40.000 lao động để đáp ứng sản xuất. Tại Đồng Nai, thống kê của Sở LĐ-TB-XH tỉnh này cho thấy toàn tỉnh còn thiếu khoảng 100.000 lao động. Còn tại TP HCM, theo ghi nhận của Ban Quản lý các KCX-KCN, thành phố đang thiếu gần 6.000 lao động.
Sàn giao dịch việc làm trực tuyến mới được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai tổ chức thu hút gần 300 DN tham gia tuyển dụng với nhu cầu gần 14.000 lao động, trong đó nhu cầu tuyển lao động phổ thông chiếm khoảng 99%. Các vị trí có nhu cầu tuyển dụng lớn như: may mặc, giày da, sản phẩm gỗ, điện tử, bảo hiểm, vận tải, thiết bị nhựa, sản phẩm điện gia dụng, thiết bị y tế...
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến khan hiếm lao động vẫn là do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tâm lí lo sợ dịch bệnh của người dân.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, dù nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của các DN tăng cao, song số lượng lao động phổ thông tìm việc làm lại rất ít. Nguyên nhân là do nhiều lao động về quê chưa quay lại, tình trạng công nhân là F0, F1 trong DN vẫn còn phức tạp và giai đoạn này cũng gần Tết Nguyên đán nên người lao động (NLĐ) chưa sẵn sàng gia nhập thị trường lao động.
Cũng tại Hà Nội, thị trường lao động trở nên sôi động những ngày cuối năm do nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cao, bởi đây là giai đoạn các công ty gia tăng sản xuất kinh doanh để phục vụ dịp Tết.
Nhằm đáp ứng yêu cầu nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội đã phối hợp tổ chức cùng 6 địa phương khác gồm Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hải Dương tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến.
Theo đó, phiên giao dịch việc làm trực tuyến hy vọng là cầu nối giúp các doanh nghiệp giải quyết các nhu cầu tuyển dụng phục vụ cho quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh, cũng như hỗ trợ người lao động trong tình hình mới với gần 17.500 chỉ tiêu trong nhiều lĩnh vực với sự tham gia của 116 doanh nghiệp.
Số liệu tổng hợp của cả 7 tỉnh thành cho thấy các ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn như may mặc (6.853 lao động), sản xuất điện tử (2.765 lao động), tiếp theo là các mảng sản xuất, kinh doanh, nhân viên kỹ thuật, nhân viên thời vụ Tết… Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất là 37%, còn lại 63% thuộc lĩnh vực: sản xuất, siêu thị, may mặc, bảo hiểm…
Mức lương cho người lao động tùy thuộc vào từng vị trí việc làm và tính chất công việc, có 5.736 vị trí có mức lương từ 7-10 triệu đồng/tháng, chiếm 33%, 4.361 vị trí có mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng, chiếm 25%. Đặc biệt các doanh nghiệp cũng có nhu cầu tuyển khoảng 2.843 lao động ở các lĩnh vực khác nhau với mức lương trên 15 triệu đồng/tháng, chiếm 16%.
Trong báo cáo "Thực trạng lao động phổ thông hậu Covid-19 và giải pháp tuyển dụng trong bình thường mới" vừa được website vieclamtot.com công bố cho thấy 58% mong muốn quay lại các thành phố lớn làm việc vì thích nhịp sống sôi động, điều kiện sinh hoạt và thu nhập tốt hơn. Trong khi đó, 42% NLĐ được hỏi cho biết không muốn quay lại hoặc không cân nhắc vì muốn "tìm kiếm cơ hội làm việc tại địa phương hoặc làm nghề tự do".
Cũng theo báo cáo, sau khi mở cửa trở lại, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhưng nhu cầu tìm việc của NLĐ có dấu hiệu giảm dần vào thời điểm cuối năm. Cụ thể, thị trường lao động phổ thông cuối năm 2021 có nhu cầu tuyển dụng tăng 161% so với tháng 4/2021 nhưng nhu cầu tìm việc lại giảm đến 45%. Báo cáo nhận định trong tình hình hiện tại, NLĐ còn lo ngại về dịch Covid-19, muốn đợi thời điểm an toàn để quay lại làm việc hoặc chờ sau Tết âm lịch.
Lao động phổ thông là nhóm bị ảnh hưởng nặng trong giai đoạn giãn cách xã hội tháng 7, 8 và 9 nhưng phục hồi nhanh trong tháng 10 và mạnh mẽ trong tháng 11, 12. Sự tăng trưởng này đến từ việc phục hồi các hoạt động công nghiệp sản xuất chế biến sau giai đoạn giãn cách và tăng tốc sản xuất để chuẩn bị cho nhu cầu hàng hóa dịp cuối năm. Khi quay lại làm việc sau Tết Nguyên đán, "nơi làm việc an toàn" là yếu tố được NLĐ kỳ vọng hàng đầu.
Theo bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc website vieclamtot.com, dự báo nhu cầu quay lại các thành phố lớn để tìm việc sau Tết Nguyên đán của nhóm lao động phổ thông sẽ tăng mạnh. Vì thế, nhà tuyển dụng cần lưu ý tâm lý của NLĐ để xây dựng các chính sách thu hút nhân sự phù hợp.