Chị Nguyễn Anh Thư (30 tuổi, ngụ TP.HCM) có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á. Đang có công việc ổn định, chị quyết định dừng lại để khởi nghiệp vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang càn quét.
Từng bước xây dựng thương hiệu thời trang LMcation, công ty mang thông điệp sứ mệnh rất đặc biệt: "Tôn vinh, trao quyền cho phái đẹp, đặc biệt là phụ nữ Việt".Thay vì tập trung đẩy mạnh sản xuất, phân phối sản phẩm như nhiều mô hình kinh doanh truyền thống khác, Thư chú trọng vào việc đào tạo và nâng cao tay nghề cho cộng đồng phụ nữ Việt Nam, trong đó có đến 40% là người từ các cộng đồng người yếu thế và khuyết tật.
Chị Thu (phải) cùng nhân viên kiểm tra sản phẩm (Ảnh: TTO)
Cô sẵn sàng tài trợ nguyên vật liệu (như lụa tằm nhung, lụa satin, lụa thun cao cấp…), đầu tư về thời gian, ý tưởng để mọi người được luyện tập, làm quen với vải, với máy may cũng như những tiêu chuẩn mà LMcation đưa ra.
Đến nay cộng đồng phụ nữ yếu thế và người khuyết tật đang làm việc hưởng lương cứng (từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng) tại LMcation đã tăng đến 16 người và sẽ không dừng lại. Những sản phẩm cho ra thị trường của LMcation do các chị em yếu thế và người khuyết tật làm ngày một hoàn thiện hơn.
Một nữ doanh nhân tài giỏi, tích cực và đáng ngưỡng mộ khác là chị Nguyễn Thị Thu bà chủ của thương hiệu Thanh Thu Bakery (Đà Nẵng). Sinh ra trong gia đình đông con, chị Thu lại kém may mắn khi bị khuyết tật ở chân nhưng bằng nghị lực, chị đã vươn lên số phận.
Từ một tiệm bánh mì nhỏ của gia đình, tích cóp dành dụm, chị đã mở rộng và tạo nên tiệm bánh do chính mình làm chủ. Chị đã tạo công việc cho nhiều phụ nữ khuyết tật từ xưởng làm bánh Thanh Thu Bakery, tại đây, nhiều phụ nữ khuyết tật đã thay đổi cách sống, có thêm niềm đam mê và yêu nghề. Thanh Thu Bakery không chỉ là một thương hiệu bánh mà còn là niềm tự hào của phụ nữ khuyết tật ở quận Ngũ Hành Sơn.
Không những giỏi kinh doanh, chị Thu còn tích cực các hoạt động có ích cho cộng đồng, thiện nguyện vì người khuyết tật và trẻ em.