Theo Visual Capitalist, nếu bạn đang gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng nước ngoài để giảm đi chi phí thuế sẽ có 2 tiêu chí bạn tìm kiếm, đó là sự bảo mật và khả năng tiếp cận. Dựa trên nền văn hóa và các phương tiện truyền thông, bạn sẽ cho rằng những ngân hàng bí mật đó nằm ở Thụy Sĩ hoặc một quốc đảo nhỏ bé ở Caribe.
Mặc dù logic trên là hợp lí nhưng thực tế các “thiên đường thuế” lại nằm rải rác khắp nơi trên thế giới. Một trong số chúng là các quốc gia nhỏ, nhưng một số khác lại là những cường quốc kinh tế lớn trên thế giới.
Mạng lưới Tư pháp Thuế phi chính phủ của Anh (English NGO Tax Justice Network) mới đây đã công bố danh sách 20 “thiên đường thuế” hàng đầu thế giới, được xếp hạng trên Chỉ số Bí mật Tài chính 2020 (FSI).
Điểm số được tính toán dựa trên khả năng cất giấu tiền của từng hệ thống ngân hàng và thị phần trên thị trường tài chính nước ngoài toàn cầu của các quốc gia/vùng lãnh thổ.
Khả năng cất giấu tiền của từng hệ thống ngân hàng: Hệ thống ngân hàng đó có khả năng giấu tiền tốt như thế nào. Điều này bao gồm các phân tích về đăng ký quyền sở hữu, tính minh bạch của pháp nhân, các quy định về thuế và tài chính cũng như hợp tác với các tiêu chuẩn quốc tế.
Thị phần trên thị trường tài chính nước ngoài toàn cầu của các quốc gia/vùng lãnh thổ: Số liệu này chủ yếu dựa trên thống kê Cán cân thanh toán của IMF.
Nhìn vào danh sách, 20 “thiên đường thuế” nằm rải rác khắp các khu vực trên thế giới. Chỉ 1/3 danh sách là các quốc gia ở châu Âu, phần còn lại nằm ở khu vực châu Mỹ và châu Á.
Những “thiên đường thuế” này là các cường quốc tài chính như Mỹ, Nhật Bản và Anh nhưng cũng xuất hiện các quốc gia và vùng lãnh thổ nhỏ hơn như Quần đảo Cayman, Hồng Kông và Luxembourg.
Tuy nhiên có một điểm chung đáng ngạc nhiên là khá nhiều “thiên đường thuế” có mối liên hệ với nước Anh. Ngoài Vương quốc Anh, 4 trong số 20 “thiên đường thuế” hàng đầu — Quần đảo Cayman, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Guernsey và Jersey – là những Lãnh thổ Hải ngoại của Anh hoặc Cơ quan phụ thuộc Vương quốc Anh.
Ngoài ra, những “thiên đường” được xếp hạng cao nhất theo tiêu chí bảo mật là Maldives, Angola và Algeria, nhưng những nơi này chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng số dịch vụ tài chính ở nước ngoài.
Một số “thiên đường thuế” không phải là nơi “cất giấu” tiền bạc cho chính công dân nước đó nhưng lại là thiên đường cho người ngoại quốc. Ví dụ như Mỹ và Canada – đây là địa điểm lý tưởng để gửi tiền của giới siêu giàu từ Đông Á và Trung Đông nhờ các lỗ hổng trong luật thuế nước ngoài. Hay UAE cũng trở thành một “thiên đường thuế” đối với châu Phi cực kỳ giàu có.
Trong khi các cá nhân có thể tạo ra các công ty vỏ bọc tại các “thiên đường thuế” để che giấu sự giàu có của mình thì các tập đoàn thường được sát nhập vào “thiên đường thuế” để được miễn giảm thuế.
Nhưng bối cảnh trên có thể sớm thay đổi. G7 đã đạt được một thỏa thuận vào tháng 6/2021 để bắt đầu đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia dựa trên doanh thu tạo ra ở mỗi quốc gia (thay vì nơi công ty đặt trụ sở), cũng như đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%. Đã có 130 quốc gia đã đồng ý với thỏa thuận này, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Anh và Quần đảo Cayman.
Khi chiến dịch thu hồi thuế hoãn này tăng lên, liệu các cá nhân và tập đoàn siêu giàu có thực hiện những quy tắc mới hay sẽ tìm kiếm đến những “thiên đường thuế” mới?
http://kinhtetapdoan.vn/top-20-thien-duong-thue-cho-gioi-sieu-giau-tren-the-gioi-d10746.html