Giá vàng hôm nay 1/9: Củng cố vững chắc ngưỡng 1.800 USD, tích lũy 'động lực' chờ bùng nổ?
Giá vàng trong nước ngày cuối cùng của tháng 8 (31/8) không có nhiều thay đổi dù cuối phiên có sự điều chỉnh tăng tại một số hệ thống cửa hàng. Tiếp tục "kỳ nghỉ bất đắc dĩ" để phòng chống dịch Covd-19, chốt phiên giá vàng SJC vẫn gần như đứng yên hoặc điều chỉnh tăng tại một số ít hệ thống kinh doanh. Các mức giá niêm yết cụ thể tại các thương hiệu vàng lớn trong phiên đóng cửa được ghi nhận như dưới đây (theo baoquocte.vn):
Công ty VBĐQ Sài Gòn cùng tăng thêm 100.000 đồng/lượng theo cả chiều mua - bán tại cả hai chi nhánh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hiện niêm yết giá vàng SJC lần lượt tại 56,70 - 57,42 và 57,40.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,50 - 57,50 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 56,70 - 57,70 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,50 - 57,50 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, bảng giao dịch điện tử của Bảo tín Minh Châu vẫn tiếp tục đứng giá từ nhiều ngày nay. Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu vẫn được niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.
Với diễn biến của USD và cổ phiếu, có lẽ giới đầu tư nhận thấy yếu tố thúc đẩy giá đi lên còn yếu, khiến vàng không vượt qua được mức cản 1.820 USD/ounce. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tranh thủ bán khống, chờ giá vàng đi xuống sẽ mua vào thu về lợi nhuận. Đó là lý do giá vàng hôm qua đã có lúc giảm nhanh một lúc 10 USD/ounce xuống còn 1.808 USD/ounce.
Đó là lúc họ lập tức quay đầu mua vào khiến giá vàng lại bật tăng trở lại. Giá vàng giao dịch trên sàn Kitco ghi nhận trước giờ đóng cửa, lúc 4h00 ngày 1/9 (giờ Việt Nam) đang tăng 4,5 USD (0,25%) so với phiên liền trước, niêm yết tại 1.815,7 USD/ounce.
Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều nhà đầu tư cỡ lớn vẫn tiếp tục nắm giữ vàng. Số khác thì chưa đưa thêm vốn vào kim loại quý. Giá vàng thế giới vì thế biến động không nhiều. Diễn biến giá vàng thế giới đang cho thấy sự giằng co giữa nhu cầu trú ẩn an toàn và sự điều chỉnh của giới đầu từ trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) muốn thắt chặt chính sách tiền tệ trong vài tháng tới. Trong đó, Fed có phần thiếu quyết liệt trong việc giảm dần nguồn cung USD vào cuối năm 2021 nên các tổ chức tài chính không quá lo ngại.
Từ đó, giới đầu tư suy đoán, USD chưa có động lực tăng giá so với nhiều đồng tiền khác. Giá vàng vì thế chưa gánh chịu sức ép từ yếu tố này. Trong khi đó, diễn biến của đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, có thể tác động xấu đến kinh tế thế giới trong thời gian tới, thúc đẩy giới đầu tư tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào kim loại quý. Khi đó, giá vàng sẽ bật tăng mạnh mẽ.
Thị trường đang chuẩn bị bước vào tuần cuối cùng của mùa Hè, trước kỳ nghỉ lễ Ngày Lao động cuối tuần kéo dài ba ngày, nên được đánh giá sẽ tiếp tục là một tuần giao dịch yên tĩnh hơn, mặc dù các yếu tố kỹ thuật đang cho thấy các cơ hội tăng giá của thị trường tương lai. Phân tích dưới góc độ kỹ thuật, vàng đang hướng đến một xu hướng tăng giá được hiện lên trên biểu đồ hằng ngày.
Như phân tích của chuyên gia Nitesh Shah, Giám đốc nghiên cứu của WisdomTree, trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News đã cho rằng, thị trường vàng đang cho thấy những giao dịch khó chịu đối với nhiều nhà đầu tư khi kim loại quý phải vật lộn để tìm kiếm một số động lực tăng ngay cả khi lãi suất thực vẫn cố định tốt trong vùng tiêu cực. Theo chuyên gia này, nhìn vào USD, lãi suất và lạm phát, giá vàng phải giao dịch quanh mức 2.000 USD/ounce mới đúng.
Vàng đang đối mặt với một số khó khăn, nhưng nó đang bị định giá quá thấp, do đó, rất có thể thị trường sẽ được chứng kiến một đợt điều chỉnh tăng trong thời gian tới. Shah cho rằng, một trong những lý do khiến vàng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lực kéo là vì các nhà đầu tư một phần tin vào Fed, rằng lạm phát sẽ chỉ là tạm thời.
Thị trường vàng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những gì diễn ra trong cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào tháng 9. Có những kỳ vọng rằng Fed sẽ công bố một kế hoạch chi tiết về cách giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng. Tuy nhiên, không chỉ là kế hoạch cắt giảm, triển vọng lạm phát sẽ là một động lực quan trọng đối với vàng. "Họ cứ nói lạm phát là nhất thời, nhưng nhất thời là bao lâu? Một khi Fed đưa ra một thông điệp rõ ràng, tôi nghĩ rằng giá vàng sẽ bắt đầu di chuyển và lấp đầy khoảng trống", Nitesh Shah nói.
Theo dự báo của Nitesh Shah, kế hoạch giảm mua trái phiếu của Fed vào cuối năm và khả năng tăng lãi suất vào cuối năm 2022 có thể hạn chế giá vàng trong tương lai. Giá vàng vì thế sẽ tăng lên 1.970 USD/ounce vào quý 4/2021 và sau đó chững lại khoảng 1.860 USD vào quý 2/2022.
Nhà đầu tư kỳ cựu, người sáng lập Mobius Capital Partners Mark Mobius cho biết, các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho mình danh mục đầu tư đa dạng, trong đó vàng nên chiếm khoảng 10%. Lý do là bởi tiền tệ sẽ bị mất giá sau khi các biện pháp kích thích chưa từng có được triển khai nhằm chống lại tác động của đại dịch Covid-19.
Ông Vandana Bharti - Phó Chủ tịch Công ty Nghiên cứu thị trường SMC Comtradem, Ấn Độ cũng đưa ra dự báo, thị trường sẽ có sự điều chỉnh và giá vàng có thể sẽ tăng mạnh. 1.917-1.940 USD/ounce sẽ là ngưỡng kháng cự chính cho giá vàng trong khoảng thời gian còn lại của năm 2021.
Thị trường chứng khoán tăng điểm, bỏ quên cổ phiếu ngân hàng (theo TInnhanhchungkhoan)
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm. Ngay từ lúc mở cửa, sắc xanh đã bao trùm, trong phiên dù có những nhịp rung lắc điều chỉnh nhưng kết phiên vẫn tăng, với VN-Index tăng 3,3 điểm lên 1.331,47 điểm cùng thanh khoản hơn 22,8 nghìn tỷ đồng trong khi cả HNX-Index và UPCoM cũng tăng giá.
Các cổ phiếu tác động tích cực nhất lên thị trường phiên 31/8 là nhóm bất động sản và xây dựng, ngược lại ở nhóm ngân hàng lại sụt giảm mạnh. Trong số các cổ phiếu giao dịch trên 2 sàn chính thức thì chỉ có NVB của NCB tăng giá 1,5% và VCB của Vietcombank tăng 0,1%, còn lại đều giảm. 5/6 mã tăng còn lại đều là cổ phiếu giao dịch trên UPCoM trong đó tăng mạnh nhất là VAB của VietABank với 1,5% và BVB của Viet Capital Bank với 1%. Các cổ phiếu còn lại tăng gần như không đáng kể.
Ở nhóm giảm giá, HDB của HDBank và STB của Sacombank giảm nhiều nhất phiên nay, lần lượt 2,6% và 2%, tiếp đến là các cổ phiếu MBB của MB, TPB của TPBank, TCB của Techcombank và BID của BIDV...
Nếu như ngày hôm qua cổ phiếu LPB của LienVietPostBank tăng kịch trần thì phiên hôm nay đã không giữ nổi thành quả mà quay đầu giảm 1,1% xuống đóng cửa tại 23.050 đồng/cổ phiếu. CTG phiên 30/8 tăng mạnh 3,7% thì hôm nay cũng giảm 1,5% về chỉ còn 31.800 đồng/cổ piếu.
Không chỉ sắc đỏ bao phủ nhóm ngân hàng mà thanh khoản hôm nay cũng sụt giảm hẳn so với các phiên trước. Cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất là SHB cũng chỉ đạt hơn 15 triệu đơn vị, CTG đứng thứ 2 với hơn 12,2 triệu đơn vị.
Điểm tích cực duy nhất với nhóm ngân hàng hôm nay là khối ngoại vẫn mua ròng ở một số cổ phiếu. CTG của VietinBank được mua ròng nhiều nhất với hơn 1,7 triệu cổ phiếu, tiếp theo là SHB với hơn 600 nghìn đơn vị, tiếp đến là STB với mua ròng khoảng 300 nghìn cổ phiếu và VCB hơn 200 nghìn. Ngược lại, các cổ phiếu bị bán ròng có MBB bị bán hơn 600 nghìn cổ phiếu, HDB bị bán ròng hơn 500 nghìn đơn vị, VPB bị bán ròng 100 nghìn cổ phiếu trong khi BID cũng bị bán ròng hơn 200 nghìn đơn vị.
Gần đây thông tin về hoạt động của ngành ngân hàng kém lạc quan hơn so với trước, bao gồm việc phải cắt giảm lãi suất cũng như miễn, giảm phí dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, khiến cho kết quả lợi nhuận của nửa cuối năm có thể không thể tăng trưởng cao như nửa đầu năm. Theo ước tính của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện đào tạo & Nghiên cứu BIDV, trong 5 tháng cuối năm, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng có thể phải "hi sinh" lợi nhuận khoảng 28,2 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế, nâng tổng mức hỗ trợ của cả năm lên khoảng 65 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng cũng có tín hiệu tích cực đó là những ngày cuối tháng 8 các nhà băng đang giảm lãi suất tiết kiệm để giảm giá đầu vào trong bối cảnh phải giảm lãi suất cho vay cũng như cầu tín dụng có thể chậm hơn. Ngoài ra, các ngân hàng còn đang đề xuất sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đến "sau 3 tháng kể từ khi Thủ tướng công bố hết dịch", thay vì hạn 31/12/2021 như quy định hiện hành.
Hàng trăm người mua chung một mảnh đất (theo báo Thanh Niên)
Một số công ty kinh doanh bất động sản tại Việt Nam gần đây triển khai việc bán chung một miếng đất hay căn nhà cho nhiều người và được xem là cơ hội để nhiều người ít tiền vẫn tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế tài chính đều cho rằng hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia.
TS.Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định mô hình này mang tính huy động vốn chứ không phải là việc chứng khoán hóa bất động sản. Trên thế giới, thông thường một tài sản đầu tư được chứng khoán hóa sẽ phải có quy định riêng. Trong đó, bắt buộc tài sản đầu tư phải được một cơ quan quản lý thẩm định và phong tỏa để xác định các chủ sở hữu sau khi giao dịch nhằm bảo vệ người mua tài sản này. Việc phong tỏa tài sản để tránh có kẻ xấu lại mang tài sản đó tiếp tục bán cho nhiều người khác. Bên cạnh đó, liên quan đến việc đồng sở hữu của rất nhiều người đối với một bất động sản thì sẽ có nhiều vấn đề phức tạp. Trường hợp muốn bán thì ai sẽ quyết định? Vì theo quy định hiện hành, việc bán bất động sản dù 1 người đứng tên thì phải được sự đồng ý của vợ hoặc chồng. Như vậy nếu 1.000 người cùng mua thì chỉ cần 51% đồng ý bán như các công ty thông tin, tương đương 510 người đồng ý thì có thể phải thêm ý kiến của khoảng 500 người có liên quan là chồng hay vợ. Điều này có lẽ không khả thi và khó thành công. Ngoài ra, TS.Lê Đạt Chí cho rằng hình thức này chỉ mang tính huy động vốn là chủ yếu, còn rủi ro hơn cả việc người dân mua bất động sản trả trước và góp vốn theo tiến độ thực hiện cho các dự án hình thành trong tương lai.
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức - Luật sư điều hành Công ty Luật ANVI - phân tích thêm: hình thức này mới nghe thì có thể thấy tích cực vì được chia nhỏ, giảm rủi ro "bỏ hết trứng vào một rổ" cho nhà đầu tư thay vì dồn hết vài tỉ đồng để mua riêng một miếng đất. Tuy nhiên, nó dễ lẫn lộn với hình thức gọi vốn, đa cấp và hay lợi dụng để lừa đảo. Luật quy định một bất động sản có thể được nhiều người đồng sở hữu nhưng chưa có trường hợp nào sổ đỏ ghi đủ cho từ 10 người hay cả 100 người. Như vậy những người mua chỉ có thể ủy quyền cho trưởng nhóm làm đại diện. Điều này lại trở thành như hoạt động ủy thác đầu tư. Nếu gặp người lợi dụng thì nhà đầu tư sẽ mất tiền. "Rủi ro cho người tham gia giao dịch này rất cao vì pháp lý không cấm nhưng cũng không quy định. Nếu xảy ra tranh chấp cũng khó kiện đòi được tiền vì phải cần cả 100 người hay ngàn người đó đều có chung ý kiến thống nhất. Người dân nên cân nhắc kỹ và tự quyết định vì phải chấp nhận mọi rủi ro nếu tham gia", Luật sư Trương Thanh Đức nói
Chuyển đổi số hệ thống ngân hàng: Dự báo tốc độ nhanh (theo Congthuong.vn)
Các chuyên gia tham luận tại cuộc hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số: Tối ưu hóa hoạt động chiến lược ngân hàng”, diễn ra chiều ngày 31/8/2021, nhận định, với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ cũng như đại dịch Covid-19 kích thích, đến năm 2025, bức tranh số hóa ngân hàng tại Việt Nam, sẽ có tỷ lệ rất cao, thậm chí ngân hàng hoạt động theo cách truyền thống sẽ không còn đáng kể.
Trên thực tế, số hóa trong hoạt động ngân hàng đã diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng chưa nhanh và qui mô số hóa còn nhỏ chỉ mang tính cục bộ. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, do các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng cũng như giao dịch trực tiếp giữa khách hàng với ngân hàng bị hạn chế, hầu như tất cả các ngân hàng đều quan tâm, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để gia tăng hiệu suất hoạt động, tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Ông Nguyễn Vĩnh Tuyên - Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), cho biết, trong khoảng 3 năm gần đây, Nam A Bank đã tập trung mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa các qui trình nội bộ, dịch vụ khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm, nhằm tăng cường trải nghiệm cho khách hàng, nâng cao hiệu suất hoạt động. Các tác vụ nội bộ tại Nam A Bank hiện nay đã có thể đạt mức số hóa tối đa khoảng 70%, chỉ những qui trình nào do con người tác động vào không thể số hóa thay thế được thì Nam A Bank chưa hoặc không số hóa. Các khâu giám sát, vận hành, cung cấp dịch vụ, sản phẩm, đánh giá thông tin khách hàng, thẩm định tài sản…, đều đã được ứng dụng công nghệ thông qua hệ sinh thái chuyển đổi số.
Theo Ông Trần Thái Bình - Giám đốc công nghệ Ngân hàng TMCP Sacombank: Hoạt động ngân hàng truyền thống (thủ công), khách hàng mỗi lần giao dịch mất rất nhiều thời gian, thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ, nhân viên ngân hàng cũng phải xử lý rất nhiều qui trình, thủ tục. Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động, mang lại tiện ích rất lớn không chỉ cho khách hàng, mà còn giúp ngân hàng giảm được gánh nặng về chi phí vận hành.
Hệ thống ngân hàng đang tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đối số. Ảnh minh họa
Hiện Sacombank đang tập trung ứng dụng công nghệ để xử lý 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, tăng cường số hóa nhằm tăng trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng từ bên ngoài, thông qua tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ, giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi. Thứ hai, tối ưu hóa quản lý nhân sự, công việc, thông qua số hóa, tự động hóa. Thứ ba, số hóa các qui trình nội bộ hướng tới ngân hàng văn phòng không giấy. Mục tiêu chuyển đổi số của Sacombank đã đặt ra là khá tham vọng, với 90% qui trình được số hóa, 90% số lượng khách hàng sẽ giao dịch, thực hiện các dịch vụ… trên kênh ngân hàng số, tiến tới khách hàng chỉ cần cầm điện thoại thông minh, ở nhà không cần phải đến các chi nhánh của ngân hàng cũng có thể thực hiện được các nhu cầu giao dịch.
Ông Võ Tấn Long - Công ty Tư vấn toàn cầu (PwC Việt Nam), nhận định, dù chưa thể dự đoán được chính xác, nhưng với tốc độ phát triển của công nghệ, cũng như tốc độ thay đổi về nhu cầu trải nghiệm của khách hàng, đã và đang khiến quá trình chuyển đối số nói chung và trong hệ thống ngân hàng diễn ra nhanh. Dự báo đến 2025, có thể sẽ có không có những ngân hàng hoạt động truyền thống như hôm nay, mà các dịch vụ tài chính, ngân hàng số sẽ được “nhúng” vào các hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh số người sử dụng mạng internet, thuê bao di động rất cao tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ, sẽ có rất nhiều dịch vụ các các ngân hàng cần ứng dụng số hóa để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ nhằm phục vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dự báo, đến 2025, số hóa trong hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ đi một bước dài so với thực tiễn hiện nay.
Ông Bùi Đình Giáp - Đại diện AKB, một đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số, cho rằng, công nghệ luôn đi tiên phong, dẫn dắt nhiều cuộc cách mạng, trong đó có chuyển đổi số ngân hàng. Chúng ta đã qua giai đoạn thử nghiệm công nghệ, bây giờ và sắp tối sẽ là ứng dụng để đạt kết quả như thế nào. Trong vòng vài năm tới, tỷ lệ nhân viên ngân hàng và chi nhánh ngân hàng có thể giảm do số hóa, nhưng doanh thu vẫn tăng, thậm chí sẽ có chi nhánh ngân hàng tự động. Các ngân hàng cũng sẽ kết hợp với Finteck… để đưa ra các sản phẩm dịch vụ số hóa như ví điện tử…. ngày càng đa dạng. Dự kiến đến 2025, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia hàng đầu khu vực về chuyển đổi số hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, để số hóa thành công, thì các chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, phía trước còn khá nhiều thách thức. Bởi khách hàng luôn phải được coi là nhân tố hàng đầu để hướng tới. Khách hàng sẽ không bao giờ hài lòng tất cả và luôn thay đổi, hướng tới sự trải nghiệm mới, tiện ích và mang lại lợi ích nhiều hơn, nên các ngân hàng phải liên tục đổi mới để thích ứng. Muốn vậy, cần lựa chọn công nghệ phù hợp và có chiến lược số hóa phù hợp.
Những thách thức lớn khác để chuyển đổi số, đó là nguồn lực đầu tư lớn, văn hóa chuyển đổi số, rồi hành lang pháp lý cũng chưa đầy đủ đủ để giúp các ngân hàng có thể chuyển đổi số theo nhu cầu thị trường. Kinh nghiệm hoạt động ngân hàng truyền thống, cũng như thói quen giao dịch trực tiếp của ngân hàng cũng như một bộ phận khách hàng, cũng sẽ khiến cho sự đổi mới và số hóa hoạt động ngân hàng gặp rào cản nhất định, có thể trở ngại cho việc tái cấu trúc hoạt động, nếu không có chiến lược đột phá, tư duy đổi mới, quyết tâm của lãnh đạo, sự đồng lòng của nhân viên thì khó thành công.
Để số hóa, mỗi ngân hàng có sự ưu tiên, có chiến lược, mô hình, tiêu chí hoạt động riêng khác nhau, nên sẽ không có một mẫu số chung cho tất về sự lựa chọn mô hình hay cách thực hiện số hóa. Tùy theo tôn chỉ, mục đích, mục tiêu… đặt ra, các hàng hàng cần có cách tiếp cận chuyển đổi số phù hợp với mình nhất.