“Huyết mạch” của nền kinh tế
Sau hơn 2 năm triển khai, các nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược đã và đang được thực hiện đồng bộ và ngành Ngân hàng kiên định, bám sát các quan điểm định hướng của chiến lược.
Hiện tại, bối cảnh kinh tế - xã hội trong và ngoài nước đã có nhiều biến đổi so với thập kỷ trước, đặc biệt là xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, nhưng hệ thống tiền tệ - ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn là “huyết mạch” của nền kinh tế Việt Nam.
Vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế được thể hiện thông qua vai trò trung gian huy động các nguồn vốn nhàn rỗi từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để cung ứng, phân bổ nguồn vốn tín dụng một cách có hiệu quả, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và vai trò thanh, quyết toán hỗ trợ khơi thông dòng tiền trong nền kinh tế.
Thực tiễn thời gian qua, vai trò này được phát huy mạnh mẽ thông qua việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện tốt 3 chức năng: Một là, ổn định giá trị đồng tiền; Hai là, bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; Ba là, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Về việc duy trì ổn định giá trị đồng tiền, NHNN đã điều hành chủ động, đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, bám sát diễn biến thị trường nhằm kiểm soát tiền tệ theo mục tiêu lạm phát, ổn định thị trường.
Chính sách tiền tệ được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa thông qua việc thường xuyên thông tin, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ, giá hàng hóa dịch vụ, dự báo lạm phát, làm cơ sở để tính toán liều lượng, mức độ điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát chung, ổn định thanh khoản thị trường nội tệ và ngoại tệ.
Kết quả, lạm phát bình quân duy trì nhiều năm dưới 4%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.
Tín dụng được điều hành phù hợp với các cân đối vĩ mô và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; chú trọng phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”.
Theo đó, kể từ thời điểm ban hành chiến lược (năm 2018) đến hết 31/12/2020, dư nợ đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao đều có xu hướng tăng.
Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng từ 21,4% năm 2018 lên gần 25%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng từ 15,6% lên gần 20%; công nghiệp hỗ trợ tăng từ 2,1% lên gần 2,5%; xuất khẩu tăng từ 2,9% lên gần 3%; “tín dụng xanh” tăng từ 25% lên 38,4%.
Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ và triển khai đồng bộ với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp để hạn chế “tín dụng đen”.
Với chính sách tín dụng như vậy, vốn từ khu vực tài chính - ngân hàng được luân chuyển sang khu vực kinh tế thực, phân bổ đúng địa chỉ và hiệu quả, đóng góp quan trọng vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Cơ chế tỷ giá được điều hành linh hoạt, kết hợp đồng bộ với công cụ lãi suất và quản lý chặt chẽ hoạt động ngoại hối.
Thị trường ngoại tệ ổn định đã góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản thị trường, quy mô dự trữ ngoại hối ngày càng tăng góp phần gia tăng tiềm lực tài chính quốc gia. Thị trường vàng diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt.
Về bảo đảm an toàn, hiệu quả hệ thống thanh toán quốc gia, NHNN giám sát thường xuyên, liên tục hoạt động của các hệ thống thanh toán quan trọng, đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Sự phát triển của các phương tiện, dịch vụ thanh toán và các hệ thống thanh toán đã góp phần thúc đẩy tốc độ lưu thông tiền tệ, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông. Tỷ trọng tiền mặt trong lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán liên tục giảm từ mức 11,78% năm 2018 xuống 11,15% năm 2020.
Về đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, mục tiêu trọng tâm của giai đoạn 2018 - 2020 là tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Theo đó, năng lực cạnh tranh và quản trị điều hành của hệ thống các tổ chức tín dụng được từng bước nâng cao, an toàn hoạt động được đảm bảo, chất lượng tài sản được cải thiện, nợ xấu nội bảng có xu hướng giảm dần và luôn duy trì ở mức 2%.
Tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng cho thấy, cơ cấu thu nhập chuyển dịch dần theo hướng bền vững hơn.
Một số chỉ tiêu phản ánh quy mô hoạt động như tổng tài sản, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đều có sự tăng trưởng (tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 8,7%, vốn điều lệ tăng 4%, vốn chủ sở hữu tăng 12,6% so với năm 2018).
Hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến hết 31/12/2020, tỷ trọng tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng trong tổng tài sản hệ thống tài chính chiếm trên 95%. Hệ thống tổ chức tín dụng vẫn là kênh dẫn vốn chính, chiếm 61,8% tổng số vốn cung ứng của nền kinh tế.
Không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Luật Các tổ chức tín dụng được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 là văn bản pháp lý cao nhất về hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, các văn bản dưới Luật đã được ban hành phù hợp với tinh thần của Luật.
Trong hơn 2 năm qua, NHNN đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 nghị định, 2 quyết định và trực tiếp ban hành 94 thông tư, tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh thực hiện công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng; xử lý nợ xấu; tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát; điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, vàng, thanh toán...
Các văn bản pháp quy này đều hướng tới thông lệ, chuẩn mực quốc tế, qua đó có tác động tích cực đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, việc ban hành, sửa đổi, thay thế các quy định điều chỉnh công cụ chính sách tiền tệ, như: tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc, tín phiếu, cấp tín dụng (Thông tư số 24/2019/TT-NHNN, Thông tư số 30/2019/TT-NHNN, Thông tư số 16/2019/TT-NHNN, Thông tư số 36/2018/TT-NHNN...) đã góp phần tăng tính minh bạch, an toàn, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng, hỗ trợ phát triển thị trường tiền tệ, phái sinh, phục vụ phát triển kinh tế.
Các quy định về quản lý ngoại hối (Thông tư số 31/2018/TT-NHNN, Thông tư số 29/2019/TT-NHNN…) đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động ngoại hối trong và ngoài nước, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Trước xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, NHNN đã kịp thời ban hành các quy định liên quan đến hoạt động thanh toán (Thông tư số 31/2018/TT-NHNN, Thông tư số 29/2019/TT-NHNN...) theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển các phương tiện thanh toán điện tử hiện đại trên nền tảng công nghệ tiên tiến, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế.
Liên quan đến tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, NHNN đã chủ động xây dựng và ban hành các văn bản, như: Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, Thông tư số 52/2018-NHNN, Thông tư số 40/2018/TT-NHNN…, tạo hành lang pháp lý mới về chuẩn mực an toàn để bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, xử lý các ngân hàng yếu kém trong trật tự, từng bước áp dụng chuẩn mực tiền tệ quốc tế vào hoạt động ngân hàng, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng và hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả.
Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực
Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam là một hệ thống đa loại hình và đa sở hữu với 07 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối (trong đó, 03 ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc), 28 ngân hàng thương mại cổ phần là các công ty đại chúng, 01 ngân hàng hợp tác xã, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 11 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và ngân hàng liên doanh, 48 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 49 văn phòng đại diện, 27 công ty tài chính và cho thuê tài chính, 04 tổ chức tài chính vi mô.
Luật Các tổ chức tín dụng được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là văn bản pháp lý cao nhất về hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, mỗi loại hình tổ chức tín dụng phải tuân thủ các điều kiện để được thành lập, các quy định về quản trị điều hành, các giới hạn về phạm vi hoạt động, các nghĩa vụ bắt buộc và các chế tài xử lý nếu có vi phạm.
Đồng thời, Luật Các tổ chức tín dụng đã khẳng định, mọi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình; không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của các định chế tài chính này (Điều 7).
Ngoài ra, Luật quy định rõ các hoạt động hợp tác và cạnh tranh của các tổ chức tín dụng, nghiêm cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có nguy cơ gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 9).
Thời gian qua, các văn bản dưới Luật đã được ban hành phù hợp với tinh thần của Luật và các tổ chức tín dụng về cơ bản duy trì được an toàn trong hoạt động, tuân thủ quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, quán triệt quan điểm “phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, trong nhiều năm qua, các tổ chức tín dụng trong nước vẫn luôn duy trì được vai trò chủ lực, chủ đạo trong huy động và phân bổ tín dụng, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh
Nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh an toàn, cạnh tranh lành mạnh, NHNN đã không ngừng hoàn thiện môi trường pháp lý theo hướng phù hợp với nguyên tắc thị trường và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh đó, NHNN đẩy mạnh triển khai 03 trụ cột cải cách hành chính trong ngành Ngân hàng.
Một là, cải cách hành chính theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.
Hai là, cải cách thủ tục của Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng, trọng tâm là phương thức điều hành, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện có, đáp ứng yêu cầu xử lý công việc, đảm bảo kịp thời, chất lượng, hiệu quả.
Ba là, cải cách thủ tục của tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, người dân theo hướng đơn giản hóa, giảm phí dịch vụ, nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong các giao dịch với tổ chức tín dụng, trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Nhờ vậy, NHNN tiếp tục là đơn vị đứng đầu trong các bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính 05 năm liên tiếp, góp phần đưa chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam tăng 07 bậc, đứng thứ 02 ASEAN (theo báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020); tỷ lệ hoàn thành đúng hạn các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi liên thông Văn phòng Chính phủ đạt 100%.
Trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, NHNN chuyển dần từ điều hành theo khối lượng tiền sang điều hành theo giá; sử dụng các công cụ gián tiếp.
Mục tiêu điều hành ổn định thị trường tiền tệ được thực hiện thông qua việc điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở; lãi suất được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; thực hiện công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày trên cơ sở tham chiếu diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; thay đổi điều hành tỷ giá theo mua kỳ hạn phái sinh.
Đổi mới, sáng tạo
Quán triệt quan điểm của Chiến lược, hoạt động khoa học và công nghệ được NHNN ngày càng chú trọng, xác định đây là yếu tố nền tảng, động lực cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng.
Tinh thần đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được phổ biến, quán triệt sâu sắc trong toàn ngành.
Giai đoạn 2018 - 2020, ngành Ngân hàng có gần 50 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, bao quát tất cả các lĩnh vực của ngành, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; phát triển hoạt động thanh toán, ứng dụng công nghệ ngân hàng và phát triển dịch vụ ngân hàng…
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ được triển khai trong cả hoạt động quản lý, điều hành của NHNN và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. 100% các đơn vị thuộc NHNN đã triển khai xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 100% văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia được tích hợp chữ ký số. Nhiều văn bản định hướng, có tính hệ thống, bao trùm mọi mặt hoạt động công nghệ thông tin đã được xây dựng, ban hành (Quyết định 2655/QĐ-NHNN, Quyết định 2738/QĐ-NHNN…).
Các tổ chức tín dụng đã có những bước đi cụ thể triển khai các hoạt động ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới của cách mạng công nghệ 4.0 như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây vào hoạt động quản trị, kinh doanh (ứng dụng dữ liệu lớn trong xây dựng kho dữ liệu, phục vụ cho việc chấm điểm tín dụng, phân tích hành vi khách hàng, hỗ trợ ra quyết định; ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ khách hàng trong lĩnh vực ngân hàng số; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu thông tin).
Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được chú trọng trong toàn ngành.
Đến cuối năm 2020, NHNN đã hoàn thành xây dựng, ban hành khung năng lực, khung chương trình cho toàn bộ 4 lĩnh vực chuyên môn chính (thanh tra, giám sát ngân hàng; thanh toán, ngân hàng số; hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, ngân hàng; nghiệp vụ ngân hàng trung ương) và khung đề án về việc chuẩn bị nguồn lực, cử và tiến cử đại diện tham gia học tập, công tác, nghiên cứu, biệt phái, trao đổi cán bộ tại các thể chế tài chính ngân hàng quốc tế; dự kiến ban hành khung năng lực, khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các vị trí trụ cột trong hoạt động của tổ chức tín dụng trong năm 2021.
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030 đang được NHNN khẩn trương hoàn thiện.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng chiến lược phát triển của đơn vị, trong đó xác định phát triển nguồn nhân lực và công nghệ thông tin là những nền tảng quan trọng để bứt phá trong tương lai.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/chien-luoc-phat-trien-nganh-ngan-hang-viet-nam1632049108.html