Vốn đổ vào trái phiếu doanh nghiệp
Sau nhiều lần Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh, trần lãi suất tiền gửi hiện nay là 4%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất kỳ hạn 6 – 12 tháng được các ngân hàng áp dụng khoảng 6% - 6,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất đầu tư trái phiếu bất động sản do công ty bất động sản phát hành lên tới từ 7% - 11%/năm cho các kỳ hạn từ 4 tháng đến 3 năm. Việc của nhà đầu tư chỉ là tải app để đăng ký tài khoản, nộp tiền vào tài khoản, đặt lệnh mua trái phiếu rồi chờ nhận lãi suất cao định kỳ.
Thực tế, trên mạng xã hội tràn ngập các quảng cáo hấp dẫn mời mua trái phiếu doanh nghiệp và thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân tham gia, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp.
Từ góc độ thị trường, số liệu của FiinPro cho thấy, trong tháng 8/2021, có 9.989 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại thị trường nội địa. Giữ vị trí quán quân là VPBank đạt 2.630 tỷ đồng (lãi suất 3,9% - 4,0%/năm), trong khi quán quân ở khối doanh nghiệp thuộc về Công ty cổ phần CMC đạt 700 tỷ đồng (lãi suất 9,5% - 10,6%/năm).
Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), trong tháng 8/2021, nhóm ngân hàng dẫn đầu giá trị huy động trái phiếu doanh nghiệp với 5.734 tỷ đồng, tiếp đó là nhóm doanh nghiệp xây dựng 1.500 tỷ đồng, doanh nghiệp bất động sản 1.300 tỷ đồng, phần còn lại thuộc về nhóm chứng khoán, điện nước và tài chính khác.
Động lực chính để trái phiếu doanh nghiệp nói chung, lĩnh vực địa ốc nói riêng tiếp tục lên ngôi là mức chênh lệch khá lớn giữa lãi suất trái phiếu với lãi suất tiền gửi. Với việc mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp cũng như sự hạn chế trong tiếp cận vốn ngân hàng như hiện nay, kênh này được dự báo sẽ tiếp tục sôi động trên thị trường.
Rủi ro rình rập
Luật Chứng khoán và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế quy định, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.
Trước tình trạng có những doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, không có tài sản bảo đảm hoặc chất lượng tài sản kém, cơ quan quản lý quan ngại người mua trái phiếu sẽ gặp rủi ro.
Bộ Tài chính khuyến cáo, nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro lớn, do đó phải đánh giá kỹ các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 7 tháng năm 2021 tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020, giúp các doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất – kinh doanh, nhưng tình trạng doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), trong 8 tháng năm 2021, có 51% trái phiếu doanh nghiệp được phát hành mà không có tài sản bảo đảm; 90% trái phiếu do tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành; 5/177 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh năm trước liền kề là lỗ…
Theo Bộ Tài chính, nếu tài sản bảo đảm cho trái phiếu của công ty bất động sản là dự án nhà ở hình thành trong tương lai, hay cổ phiếu của công ty mẹ, thì tài sản và cổ phiếu này không đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp khi họ gặp khó khăn. Hay thậm chí một số trái phiếu doanh nghiệp ngay cả khi được đơn vị trung gian là ngân hàng thương mại hay công ty chứng khoán bảo lãnh phát hành thì cũng không có nghĩa vụ trả nợ thay cho đơn vị phát hành, nếu bảo lãnh đó không bao gồm bảo lãnh thanh toán.
Đó là chưa kể rủi ro do tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian chào mời và phân phối trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tới các nhà đầu tư cá nhân chưa đủ điều kiện là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Theo quy định, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu riêng lẻ, nếu vi phạm có thể bị xử phạt hằng trăm triệu đồng.
Qua đó cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp có thể cứu giúp thị trường vốn của Việt Nam nếu chúng ta làm khéo. Nên đề cao trách nhiệm của đơn vị trung gian xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, thay vì tập trung các giải pháp đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư cá nhân.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong một thập niên qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đạt 30%, quy mô xấp xỉ 14% GDP, là một trong những thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á. Hiện nay, nhóm ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản chiếm 70% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Còn theo dữ liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tại các thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc), kênh trái phiếu doanh nghiệp đã chứng kiến dòng vốn ròng tăng trong 11 tháng liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ đầu năm 2018, đạt mức 99,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021, so với dòng vốn rút ròng từ cổ phiếu là 2,2 tỷ USD.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/dong-luc-chinh-de-trai-phieu-doanh-nghiep-len-ngoi1631876029.html