Hà Nội: Lao động tự do nào được hỗ trợ khó khăn do COVID-19?
Theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, lao động tự do được hỗ trợ là người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Việc làm (người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc), làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố.
Nhóm lao động tự do khác được hỗ trợ là người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Người lao động tự do được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Cư trú hợp pháp
- Bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5 đến ngày 31/12/2021.
Đối với các trường hợp người lao động bị mất việc làm thuộc các ngành nghề bị tạm dừng hoạt động sau ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành (21/7/2021) áp dụng theo văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố hoặc chính quyền địa phương theo từng thời điểm và diễn biến của dịch.
Mức hỗ trợ và phương thức chi trả
Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người/lần.
Phương thức chi trả: chi trả trực tiếp cho người lao động trên cơ sở danh sách được phê duyệt.
Hồ sơ đề nghị
Người lao động lập hồ sơ theo mẫu gửi đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị hỗ trợ (mẫu số 1);
- Bản photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường cấp.
Nếu nơi thường trú và tạm trú khác nhau, người lao động muốn hưởng trợ cấp tại nơi tạm trú phải xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại (mẫu số 2)
Thời gian xét duyệt hồ sơ chậm nhất ngày 31/1/2022.
Hà Nội lao động tự do nào được hỗ trợ khó khăn do COVID-19? (Ảnh minh họa)
Phó Thủ tướng Thường trực viếng các anh hùng, liệt sĩ
Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Long An nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021).
Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Long An, đặt tại TP. Tân An, hiện có 4.000 phần mộ của những người con ưu tú của quê hương Long An và nhiều địa phương khác trong cả nước đang yên nghỉ tại đây.
Trong không khí trang nghiêm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành và tỉnh Long An đã dâng hương và đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm; kính cẩn dành phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, chiến đấu anh dũng, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Sau nghi thức thắp hương và dâng hoa tại Đài Tưởng niệm, các đại biểu đã thắp hương lên từng phần mộ liệt sĩ.
Với lòng thành kính, biết ơn vô hạn trước những hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An luôn quan tâm đến công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách.
Trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc và thống nhất đất nước, tỉnh Long An có hơn 30.000 người con ưu tú đã hy sinh và có hơn 12.800 thương, bệnh binh. Tỉnh cũng có 5.335 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và số bà mẹ còn là 129 mẹ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và các đại biểu dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ (Ảnh: VGP/Mạnh Hùng)
Olympic 2020 chiến thắng đầu tay của Thể thao Việt Nam
Ngày 24/7 là ngày có nhiều VĐV Việt Nam bước vào thi đấu các môn: Cầu lông, boxing, thể dục dụng cụ, bắn súng, taekwondo.
Người xuất trận đầu tiên là tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh đương đầu với đối thủ người Pháp (gốc Trung Quốc) Qi Xuefei (hạng 41 thế giới). Ở trận đấu này, Thùy Linh (hạng 49 thế giới) đã giành chiến thắng 2-0 đều với tỷ số 21-11, giành quyền đi tiếp.
Ở trận đấu tiếp theo, Thùy Linh sẽ gặp tay vợt nữ số 1 thế giới Tai Tzu Ying (Đài Loan, Trung Hoa) và Sabrina Jaquet (Thụy Sĩ).
Trong khi đó trên sàn thi đấu boxing hạng 52-57 kg nam vòng 1/16, võ sĩ Việt Nam Nguyễn Văn Đương xuất sắc giành vé vào vòng 1/8 (tứ kết) khi đánh bại võ sĩ hạng 9 thế giới Aliyev Tayfur của Azerbaijan với tỷ số 3-2.
Mặc dù đây mới là lần đầu tiên bước lên võ đài Olympic nhưng Nguyễn Văn Đương đã lập được kỳ tích cho Boxing Việt Nam khi không chỉ đưa Boxing Việt Nam giành tấm vé chính thức tham dự Olympic sau 30 năm vắng bóng mà còn vượt qua đối thủ đã từng giành HCĐ giải vô địch châu Âu 2015.
Chiến thắng này là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho võ sĩ Việt Nam bước vào trận đấu tiếp theo ở vòng 1/8 trước đối thủ người Mông Cổ Erdenebat Tsendbaatar diễn ra vào tối 28/7.
Cũng trong ngày 24/7, sau khi kết thúc vòng loại, 2 VĐV đua thuyền nhẹ đôi nữ (Rowing) Lường Thị Thảo- Đinh Thị Hảo sẽ cùng 11 đôi khác thi đấu tranh suất vào bán kết.
Cùng ngày, võ sĩ Taekwondo Trương Kim Tuyền phải dừng bước sau khi thua võ sĩ Abishag Semberg (Israel) với tỷ số 1-22.
Trong khi đó, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng dừng bước sau khi xếp hạng 22 tại vòng loại, sau 60 phát bắn. Hai VĐV thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng và Đinh Phương Thành cũng không thể tạo nên bất ngờ ở vòng loại các nội dung sở trường và chấp nhận dừng bước.
Kết quả thi đấu ngày 24/7 của các VĐV Việt Nam.
184 cơ sở ngoài công lập thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Hà Nội
Ngày 24/7, Sở Y tế Hà Nội cho biết, toàn Thành phố có 180 cơ sở y tế ngoài công lập đã được tập huấn lấy mẫu, thực hiện test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 và 4 bệnh viện đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm real-time RT-PCR.
4 bệnh viện ngoài công lập thực hiện xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật real-time RT-PCR là: Medlatec; Hồng Ngọc; Vinmec Times City; đa khoa Quốc tế Thu Cúc.
42 bệnh viện ngoài công lập và 138 phòng khám đa khoa ngoài công lập đã được tập huấn lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện kỹ thuật xét nghiệm real-time RT-PCR, test nhanh kháng nguyên virus phải đảm bảo điều kiện an toàn về phòng chống dịch COVID-19 và các quy định khác của Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội.
Đối với xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2, trong trường hợp lấy mẫu xét nghiệm đồng thời cho nhiều người, trước khi tổ chức xét nghiệm cần thông báo cho các nhóm đối tượng khung thời gian và địa điểm xét nghiệm, tránh tập trung quá đông người tại cùng một thời điểm; bố trí điểm lấy mẫu theo nguyên tắc một chiều từ chờ lấy mẫu, lấy mẫu, chờ kết quả xét nghiệm, đọc và ghi nhận kết quả xét nghiệm.
Với những người có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 thì bố trí vào một khu vực riêng, ghi nhận thông tin tối thiểu (tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên hệ) và triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Những người có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, chưa loại trừ nhiễm virus SARS-CoV-2, cần hướng dẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng chống dịch chủ động.
Địa điểm lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên cần bố trí khoảng cách phù hợp giữa các khu vực, vị trí của người đến xét nghiệm theo quy định phòng chống dịch, có đủ dung dịch sát khuẩn tay nhanh, khẩu trang…Hướng dẫn người đến xét nghiệm tuân thủ các quy định phòng chống dịch, không tiếp xúc khi không cần thiết.
184 cơ sở ngoài công lập thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Hà Nội (Ảnh minh họa).
Quy định mới về chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Nghị định gồm 4 chương, 16 điều và 6 phụ lục quy định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi thường xuyên hằng năm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Nghị định nêu rõ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng (mức chuẩn). Mức chuẩn này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh.
Nghị định quy định cụ thể mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4,872 triệu đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1,361 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1 tháng 1 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là 1,679 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là 974.000 đồng.
Nhiều chế độ ưu đãi người có công
Ngoài quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, Nghị định cũng quy định cụ thể các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học; hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; các chế độ ưu đãi khác.
Trong đó, về điều dưỡng phục hồi sức khỏe, Nghị định quy định: Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà mức chi bằng 0,9 lần mức chuẩn/1 người/1 lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/1 người/1 lần.
Nội dung chi bao gồm: Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; thuốc thiết yếu; quà tặng cho đối tượng; các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 15% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung), gồm: khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, tham quan, chụp ảnh, tư vấn sức khỏe, phục hồi chức năng, sách báo, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các khoản chi khác phục vụ đối tượng điều dưỡng.
Về hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học, Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở giáo dục mầm non: 0,2 lần mức chuẩn/1 đối tượng/1 năm.
Mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người khuyết tật: 0,4 lần mức chuẩn/1 đối tượng/1 năm.
Mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở phổ thông dân tộc nội trú, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học: 0,4 lần mức chuẩn/1 đối tượng/1 năm.
Về hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ, Nghị định quy định hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho thân nhân liệt sĩ (tối đa 3 người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần khi đi thăm viếng một liệt sĩ.
Mức hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ: 3.000 đồng/1 km/1 người.
Nghị định cũng bổ sung quy định người bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 23 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV Ưu đãi người có công với cách mạng mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 5-20% thì được hưởng trợ cấp ưu đãi một lần theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/9/2021.
Quy định mới về chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng (Ảnh minh họa).
Người dân ra ngoài không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt
Chiều 24/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì buổi giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy Công tác phòng, chống Covid-19 của TP với các đơn vị trực thuộc về nhiệm vụ thực hiện cách ly xã hội trên địa bàn.
Theo người đứng đầu chính quyền TP, sau 12h thực hiện Chỉ thị 17 (giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng), địa phương, sở ngành toàn TP đã nỗ lực, chủ động tháo gỡ khó khăn.
Quận, huyện kiên quyết đóng cửa hàng quán không thiết yếu, nhắc nhở, xử lý nghiêm người ra đường không có lý do chính đáng.
Đánh giá giãn cách xã hội bước đầu được triển khai nghiêm túc, tuy nhiên, Chủ tịch UBND Hà Nội cho rằng lượng người đổ ra đường còn khá lớn, nguy cơ mất an toàn phòng dịch.
Việc chưa tuân thủ giãn cách triệt để có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trong 2 tuần tới.
Vì vậy, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu các lực lượng tăng cường rà soát, nhắc nhở, kiểm tra, xử lý người dân vi phạm Chỉ thị 17.
"Quy định xử phạt đã có, các cấp cần thực hiện nghiêm. Đây không phải khuyến cáo mà là yêu cầu nhân dân ở nhà, không ra ngoài với các mục đích không được phép", lãnh đạo TP quán triệt.
Ông cũng kêu gọi người dân thường xuyên khai báo y tế, cập nhật tình trạng sức khỏe giúp công tác sàng lọc được kịp thời, phát hiện sớm các ca bệnh.
Chủ tịch UBND TP tin tưởng 15 ngày giãn cách sẽ là khoảng thời gian quý giá để Hà Nội ổn định được tình hình dịch bệnh.
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó giám đốc Công an Hà Nội, cho biết trong ngày 24/7, lực lượng cấp cơ sở đã xử lý 71 trường hợp không đeo khẩu trang, phạt 60 triệu đồng 4 cơ sở kinh doanh không thiết yếu vẫn mở cửa.
Tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, Công an TP đã chặn toàn bộ xe vào thành phố không thuộc các diện cho phép.
Người dân ra ngoài không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt (Ảnh minh họa).
Thái Bình: Thiếu nữ 15 tuổi bị nhóm người bắt lột quần áo, hành hạ đánh đập
Một thiếu nữ sinh năm 2006 bị một nhóm bạn làm cùng bắt lột quần áo, lấy khăn nhét vào mồm, hành hạ đánh đập rồi quay clip tung lên mạng.
Công an huyện Hưng Hà (Thái Bình) cho biết vừa bắt giữ nhóm thanh niên nghi vấn tra tấn, làm nhục một thiếu nữ quê Thanh Hóa rồi quay clip, đăng hình ảnh lên mạng xã hội.
Đồng thời, Công an huyện cũng tìm được nạn nhân, đưa đi kiểm tra sức khỏe và các vết thương do bị nhóm thanh niên đánh đập, phục vụ công tác điều tra.
Nạn nhân bị đánh dập dã man rồi bị quay clip đăng tải lên mạng xã hội gây bức xúc dư luận (Ảnh Phapluatplus.vn)
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một clip cô gái bị một nhóm thanh niên giam giữ, đánh đập, làm nhục và quay clip rồi đăng tải lên mạng xã hội. Sự việc xảy ra có tiếng và hình ảnh của 1-2 nam giới.
Nạn nhân sinh năm 2006, quê ở Thanh Hóa, ra Hải Phòng tìm việc làm trong các quán karaoke thì quen biết với nhóm thanh niên trên.
Khi TP Hải Phòng dừng hoạt động các quán karaoke để phòng chống dịch thì nạn nhân cùng nhóm thanh niên này về thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà (Thái Bình) làm trong một quán karaoke.
Theo Công an huyện Hưng Hà, hầu hết nhóm thanh niên trên tuổi đời từ 16-18.