Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố về việc thông thông báo điều chỉnh phân công theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện các chính sách theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 .
Theo hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mọi người dân có thể gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng để được giải đáp các phản ánh, kiến nghị của người lao động, người sử dụng lao động trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tại các địa phương. Có 6 số điện thoại đường dây nóng được phân công theo các nhóm chính sách hỗ trợ.
Đường dây nóng 0886487322 giải đáp chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
Đường dây nóng 0911011166 giải đáp chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em; chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị mắc COVID-19 (F0), người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đường dây nóng 0911151166 giải đáp chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác.
Đường dây nóng 0911154488 giải đáp chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Đường dây nóng 0911191122 giải đáp chính sách hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn; chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch và thông tin tổng hợp tình hình thực hiện các chính sách.
Đường dây nóng 0911041122 tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo...
Sáng 30/07 thêm 4992 ca mắc Covid-19
Gần 12 giờ qua, nước ta ghi nhận thêm 4.992 ca mắc Covid-19, trong đó 987 ca ngoài cộng đồng.
Bộ Y tế sáng 30-7 cho biết nước ta ghi nhận 4.992 ca mắc Covid-19, trong đó 5 ca nhập cảnh và 4.987 ca ghi nhận trong nước tại TP HCM (2.740), Bình Dương (1.284), Tiền Giang (242), Đồng Nai (203), Đồng Tháp (90), Tây Ninh (88), Bến Tre (79), Khánh Hòa (78), Hà Nội (63), Cần Thơ (23), Long An (21), Phú Yên (17), Bình Định (17), Kiên Giang (17), Vĩnh Long (15), Thái Nguyên (3), Đắk Nông (2), Hà Tĩnh (2), Lạng Sơn (2), Nam Định (1); trong đó có 987 ca trong cộng đồng.
Bản đồ dịch Covid-19- Nguồn: Bộ Y tế
Đến nay, Việt Nam có 133.405 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.213 ca nhập cảnh và 131.192 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 129.622 ca, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Xử phạt hoa khôi khoe được ưu tiên tiêm vắc xin nhờ “ông ngoại”
Theo quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, bà Vũ Phương A. sinh năm 1993, nghề nghiệp kinh doanh tự do, có địa chỉ tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã có hành vi đăng tải nội dung thông tin sai sự thật trên trang thông tin điện tử cá nhân tạo lập trên mạng xã hội.
Các nội dung sai sự thật gồm “tiêm vắc xin không cần đăng ký”, “được ưu tiên tiêm vắc xin Pfizer”.
Với hành vi sai phạm này, bà Vũ Phương A. bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt số tiền 12,5 triệu đồng, căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15 ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Liên quan vụ Bệnh viện Tim Hà Nội: Khởi tố Giám đốc Công ty Hoàng Nga
Mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị liên quan, ngày 29/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố thêm 2 bị can thuộc Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Hoàng Nga.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được có trong hồ sơ vụ án, ngày 29/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Huy Lập (Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Hoàng Nga); Phạm Thị Kim Oanh (Kế toán trưởng Công ty) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam.
Các bị can Phạm Huy Lập và Phạm Thị Kim Oanh - Ảnh: CACC
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh tố tụng nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã tống đạt đối với 2 bị can, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 13/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã ra Quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị liên quan; đồng thời ra Quyết định khởi tố 7 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.”
Theo thông báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang điều tra xác minh tin báo tố giác về một số hành vi có dấu hiệu tội phạm xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh.
Cần Thơ người mẹ cùng con tìm đường sống
Hai tuần một lần, cứ trước ngày đưa con trai lên Sài Gòn truyền hóa chất chị Vân lại chạy quanh xóm để vay mượn chút tiền làm lộ phí.
Chiều cuối tháng 7, vợ chồng chị Phạm Thị Yến Vân mừng rỡ khi biết tin có xe cứu thương từ thiện nhận lời chở chị và con trai từ Cần Thơ lên TP HCM truyền hóa chất. Hơn 10 ngày Cần Thơ giãn cách theo chỉ thị 16 là từng ấy thời gian cậu con trai út trễ hẹn "vào thuốc", lòng người mẹ như thiêu đốt. Thấy con ăn ít, nằm li bì, chị Vân sốt ruột nhưng chẳng biết cách nào đưa con đi.
Xe đến đón vào buổi tối nên suốt buổi chiều vợ chồng người phụ nữ 46 tuổi đội mưa chở nhau đến gõ cửa từng nhà người quen mượn tiền. Gần một năm nay, cứ nửa tháng chị Vân lại cùng con vượt hơn 200 km lên Sài Gòn chữa trị. Kinh tế gia đình đã khánh kiệt. Bà con làng xóm cũng không thể giúp đỡ mãi, hôm nay vợ chồng chị chỉ được một người em bên chồng cho vài trăm nghìn dằn túi.
"Tôi sợ tình hình dịch bệnh căng thẳng mà không đưa con lên Sài Gòn được, lỡ bệnh tình của cháu trở nặng thì công sức một năm qua đổ sông đổ bể", người phụ nữ ở ấp Thới Hiệp 2, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ chia sẻ.
Chiều ngày 28/7, chị Vân đến cầu cứu phòng công tác xã hội Bệnh viện Ung bướu TP HCM để nhờ giúp đỡ vì không xoay sở được tiền viện phí. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Lên Sài Gòn trong những ngày này, chị Vân cảm nhận rõ sự yên ắng của thành phố trong những ngày giãn cách. Lần này không mang theo nhiều tiền, mối lo canh cánh trong lòng chị là sẽ phải tốn tiền mua cơm trong bệnh viện vì chẳng còn đoàn từ thiện nào đến. Bù lại, chị cảm thấy an ủi hơn rất nhiều vì biết con sẽ được truyền thuốc.
"Nhiều phụ huynh bảo tôi rằng, điều trị bệnh này mà còn thấy nhau ở bệnh viện là con còn cơ hội sống. Vì thế, còn được cùng con lên Sài Gòn là tôi thấy còn nhiều hy vọng lắm. Tôi sẽ không bỏ cuộc", chị Vân nói, dù chị không còn nhớ, mình đang giữ bao nhiêu tờ giấy ghi nợ trong người nữa.