Xác định danh tính người đàn ông xưng "tui là ban chỉ đạo quận 7" gây chuyện ở siêu thị
Chiều 28/8, một người đàn ông đi chung với người phụ nữ đến siêu thị Aeon Citimart Garden Plaza trên đường Tôn Dật Tiên (phường Tân Phong, quận 7, TPHCM) và đã to tiếng cãi vã với một bảo vệ an ninh siêu thị này vì không mua được thực phẩm.
Người đàn ông tiếp tục thách thức: "Tui vào đây thằng nào làm gì tui", rồi yêu cầu nhân viên gọi quản lý xuống. Người phụ nữ đi chung liên tục can ngăn nhưng ông này vẫn lớn tiếng gây chuyện. Sau đó, người này chỉ tay vào mặt bảo vệ siêu thị, nói: "Tui nói anh nghe, tui là ban chỉ đạo quận 7. Tui là địa phương ở đây. Tui quản lý địa bàn này. Ông biết tui không. Ông chụp hình tui vô...".
Bước đầu, người đàn ông được xác định là Hồ Hữu Nhân (ngụ tại Khu dân cư Phú Mỹ Hưng (quận 7).
Hình ảnh của người đàn ông tự xưng là 'ban chỉ đạo quận 7'.
Chiếc thẻ ông Nhân dùng để doạ bảo vệ và những người tại siêu thị Aeon Citimart Garden Plaza trên đường Tôn Dật Tiên (phường Tân Phong, quận 7) được 1 tổ chức thiện nguyện tại Hà Nội cấp để hoạt động từ thiện. Được biết, chiếc thẻ này được cấp hoạt động từ thiện nhưng đã hết hạn sử dụng. Riêng người phụ nữ đi chung với ông Nhân hiện đang là quản lý một toà nhà chung cư ở quận 7, không nằm trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận 7.
Chiều 30/8, Công an quận 7 cho biết đang củng cố hồ sơ và báo cáo vụ việc lên Ban giám đốc Công an TP HCM xin ý kiến chỉ đạo, xử lý.
63 người băng rừng từ Bình Thuận về Nghệ An đã được đưa đi cách ly y tế
Sáng 30/8, sau cuộc hành trình dài hơn 24 tiếng đồng hồ với đoạn đường hơn 1.300 cây số, đoàn xe chở 63 đồng bào H’ Mông quê Nghệ An từ Bình Thuận đã đến địa phận giáp ranh Hà Tĩnh - Nghệ An.
Đây là 63 người dân tộc H’Mông, trong đó có 17 trẻ em, từ tỉnh Nghệ An trước đây vào xin làm công nhân cho Công ty cổ phần cao su Xuân Lộc (trụ sở tại TP.HCM) và ăn ở tại chi nhánh công ty ở xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Ngày 17/8, công ty thanh lý hợp đồng nên họ có ý định rời khỏi địa phương để trở về quê.
63 người băng rừng từ Bình Thuận về Nghệ An đã được đưa đi cách ly y tế
Sáng 26/8, họ lại đi xe gắn máy băng đường rừng ra Quốc lộ 55 định ra QL1A về quê. Nhưng khi đến chốt kiểm soát dịch COVID-19 của thị xã La Gi thì bị ngăn lại. Trong thời gian chờ về quê, tỉnh Bình Thuận hỗ trợ toàn bộ khâu ăn uống, họ được test nhanh COVID-19, sau đó lên xe của tỉnh Nghệ An đưa đi cách ly y tế theo qui định.
Chủ tịch phường yêu cầu kiểm tra tổ tuần tra giao thông, kiểm soát dịch TP
Sáng 27/8, tổ tuần tra về công tác phòng chống dịch có nhiệm vụ tuần tra một số tuyến đường, trong kế hoạch có thành viên của Ban Quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu hỗ trợ.
Lúc này, bà Trần Thị Bích Vân, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 4, trong quá trình tuần tra về công tác phòng chống dịch, khi đi qua chốt tuần tra, kiểm soát thì được yêu cầu dừng lại kiểm tra và xuất trình giấy tờ nêu lý do ra đường.
Vì là người trong Ban chỉ đạo phường nên không có giấy đi đường, bà Vân là Bí thư kiêm Chủ tịch phường 4 và xuất trình bảng tên. Tuy nhiên, cả 2 bên có xảy ra tranh luận, sau đó ông Chu Văn Khánh, tổ trưởng tổ kiểm soát giao thông đã đồng ý để bà Vân đi, tiếp tục tuần tra, kiểm soát dịch.
Chủ tịch phường yêu cầu kiểm tra tổ tuần tra giao thông, kiểm soát dịch TP
Chiều 27/8, bà Vân cùng tổ công tác làm nhiệm vụ kiểm tra việc gỡ bỏ phong tỏa tại một địa điểm của phường, đây cũng là địa điểm tổ của ông Khánh đang làm nhiệm vụ. Bà Vân đã yêu cầu kiểm tra 2 thành viên của Ban Quản lý các khu du lịch (là thành viên tổ công tác Công an TP Vũng Tàu), sau đó yêu cầu lập biên bản 2 người này.
Cả 2 có tranh luận to tiếng qua lại. Lúc này, một thành viên trong tổ tuần tra thuộc Ban Quản lý các khu du lịch đã quay clip vụ việc và đăng tải lên mạng xã hội.
Sau vụ việc xảy ra, Thành ủy, UBND TP Vũng Tàu đã mời các bên liên quan lên làm việc; đồng thời yêu cầu bà Vân và ông Khánh viết bản kiểm điểm, họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm những người liên quan.
Người phụ nữ bị phạt 10 triệu đồng vì đưa tin sai sự thật về chốt kiểm soát dịch
Ngày 30/8, Công an TP Hà Nội cho biết, Công an huyện Chương Mỹ đã ra quyết định xử phạt bà V.T.H (SN 1992, trú tại xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) 10 triệu đồng do đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Thông tin chị V.T.H đăng tải sai sự thật trên Facebook
Trước đó, Công an huyện Chương Mỹ đã làm việc với bà H. về nội dung đăng tải, đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội Facebook.
Bà H. cho biết, đã đăng thông tin đưa con đi khám bệnh và chờ 2 tiếng đồng hồ mới được qua chốt kiểm soát dịch bệnh tại khu vực Cổng chào Tiến Ân và thông tin cho rằng các thành viên chốt kiểm soát ý thức kém, thiếu trách nhiệm là bịa đặt, không có thật.
Ngoài ra, người phụ nữ này cũng không có mặt tại chốt kiểm soát dịch nói trên nên không biết được hoạt động, hay ý thức, trách nhiệm của thành viên tham gia chốt kiểm soát.
Việc đưa thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội của chị đã gây ảnh hưởng đến uy tín của các thành viên tham gia chốt kiểm soát.
Tại cơ quan chức năng, bà H. đã nhận thức được hành vi vi phạm và cam kết không đăng tải, đưa thông tin sai sự thật lên mạng. Đồng thời, xóa bỏ bài viết nói trên.
Bệnh viện điều trị Covid-19 quy mô 500 giường tại Hà Nội đi vào hoạt động
Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, ngày mai 31/8, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (gọi tắt là Bệnh viện điều trị Covid-19 - Y Hà Nội) với quy mô 500 giường bệnh chính thức đi vào hoạt động.
Bệnh viện điều trị Covid-19 quy mô 500 giường tại Hà Nội đi vào hoạt động
Theo PGS.TS.Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện hoạt động nhằm 2 mục tiêu. Một là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh nhân Covid-19 tại khu vực thành phố Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn).
Hai là thực hiện chức năng của trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia với nhiệm vụ cụ thể là tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị nặng, nguy kịch.
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 trong khu vực được phân công.
Bắt đầu khởi công từ cuối tháng 7, sau hơn 1 tháng thi công gấp rút, Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại ngõ 587 Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã hoàn tất khâu chuẩn bị để đưa vào sử dụng.
Cậu bé chăn bò nhặt được gần 19 triệu đồng, tìm người trả lại
Chiều 30/8, Công an xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức trao trả lại gần 19 triệu đồng cho anh Nguyễn Quốc Trung (ngụ xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắk).
Cậu bé chăn bò nhặt được gần 19 triệu đồng, tìm người trả lại (Ảnh nld.com.vn).
Trước đó, chiều 29/8 trên đường đi chăn bò (đoạn qua thôn Ea Wi, xã Ea Yông) cháu Nguyễn Đình Cảm (SN 2011, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Nơ Trang Long) đã nhặt được một bọc tiền.
Sau đó, cháu Cảm cùng gia đình trình báo cho Ban tự quản thôn và công an viên để tìm người trả lại. Sau khi nắm được thông tin, Công an xã Ea Yông đã đăng thông báo trên mạng xã hội và phát trên loa phát thanh của xã, tìm người trả lại.