Khách hàng của Vietcombank bị mất 49.000.000 đồng
Mới đây, anh T.N (sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) đã phản ánh với truyền thông việc tài khoản của anh tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bị “bốc hơi” 49.000.000 đồng sau khi anh nhận được tin nhắn từ số điện thoại mạo danh ngân hàng này.
Cụ thể, anh nhận được tin nhắn SMS từ đầu số có tên “Vietcombank” với nội dung "Vietcombank tran trong thong bao, tai khoan cua quy khach hien tai da bi khoa. Dang nhap http://www.vevietcombanks.cc de xac thuc ngay hom nay".
“Thấy đầu số tin nhắn SMS gửi từ tổng đài Vietcombank, giống như những tin nhắn trước đó, tôi đã làm theo, truy cập vào đường link trong tin nhắn và làm theo yêu cầu để lấy lại tài khoản. Không ngờ sau đó tài khoản bị trừ mất 49.000.000 đồng", anh T.N chia sẻ.
Sau khi bị trừ tiền, anh T.N xem kỹ lại tin nhắn mới phát hiện đường link trong tin nhắn là giả mạo Vietcombank.
Trao đổi với báo chí, đại diện của Vietcombank cho biết tình trạng mạo danh tin nhắn thương hiệu Vietcombank, lừa khách hàng nhấn vào đường link giả mạo xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây.
Các đường link giả mạo được ghi nhận đến thời điểm hiện tại bao gồm: http://www.vnvietcombank.cc; http://www.vnvietcombanks.cc; http://vavietcombank.cc; http://newvietcombank.cc; http://vietcombank.cc; http://vanvietcombank.cc;… Tuy vậy, thủ đoạn lừa đảo này không mới, đã được Vietcombank và các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo tới khách hàng.
Bên cạnh hình thức lừa đảo này, Vietcombank cũng vừa cảnh báo việc xuất hiện một số hình thức lừa đảo mới nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng, qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Thủ đoạn của kẻ gian là lập và sử dụng website hoặc trang mạng xã hội mạo danh thương hiệu Vietcombank để mời phát hành thẻ hoặc vay vốn tín chấp với lãi suất ưu đãi. Trong một số trường hợp, khách hàng bị yêu cầu chi trả một khoản phí hỗ trợ hồ sơ thẻ tín dụng/vay và giải ngân tiền. Ngay sau khi chuyển tiền, khách hàng sẽ không thể liên hệ với đối tượng lừa đảo. Vietcombank khẳng định, mọi yêu cầu đề nghị cấp tín dụng, phát hành thẻ tín dụng của khách hàng được thực hiện đầy đủ theo quy trình.
"Vietcombank đã khẩn trương trao đổi thông tin với khách hàng và đang phối hợp với Bộ Công an để điều tra, cũng như áp dụng các biện pháp nhằm sớm ngăn chặn phương thức lừa đảo này", đại diện Vietcombank chia sẻ.
Không có tài khoản tại ngân hàng nhưng vẫn nhận được tin nhắn SMS thông báo “Tài khoản bị khóa”
Đây là trường hợp của anh P.N (cư trú tại TP Hồ Chí Minh). Anh P.N cho hay, mặc dù không có tài khoản Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) nhưng anh vẫn nhận được tin nhắn SMS mạo danh với mục đích lừa đảo.
“Vietinbank tran trong thong bao, tai khoan cua quy khach hien tai da bi khoa. Dang nhap http://www.vietinbankre.cc de xac thuc ngay hom nay”.
Tuy không có tài khoản tại ngân hàng này, tuy nhiên khi nhận được tin nhắn, anh P.N có nhấn thử vào đường link nhưng nhận thấy không phải là trang giao dịch của ngân hàng VietinBank.
Theo đại diện VietinBank, đây là website mạo danh thương hiệu ngân hàng, và khách hàng tuyệt đối không nhập tên, mật khẩu để tránh bị đánh cắp thông tin, đánh cắp tiền trong tài khoản. Với các tin nhắn SMS mạo danh thương hiệu VietinBank gửi đến khách hàng với mục đích lừa đảo, khách hàng không bấm vào các đường link giả mạo, không đăng nhập dịch vụ VietinBank iPay từ các tin nhắn lạ, không cung cấp tên truy cập, mật khẩu, mã OTP và các thông tin cá nhân của khách hàng,… Các yêu cầu cung cấp thông tin đều là giả mạo.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cảnh báo khách hàng về hiện tượng mạo danh tin nhắn
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa cho biết thị trường đang xuất hiện hiện tượng mạo danh tin nhắn SCB để lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Cụ thể, anh T.K.H (có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ khi nhận được tin nhắn từ số điện thoại thuộc tổng đài SCB với nội dung "Tai khoan cua ban da mo dich vu tai chinh toan cau phi dich vu hang thang là 2.000.000VND se bi tru trong 2 gio. Neu khong phai ban mo dich vu vui long nhan vao http://.scb-vips.com de huy".
Điều kì lạ là anh T.K.H không sử dụng tài khoản ngân hàng SCB nhưng có giao dịch với ngân hàng này, vì vậy anh không rõ thông tin bị lộ từ đâu. "Mấy ngày qua theo dõi thấy báo chí đưa tin rất nhiều trường hợp khách hàng bị lừa mất tiền do bấm vào đường link theo tin nhắn từ số tổng đài ngân hàng nên kể cả tin gửi từ tổng đài ngân hàng mình đang sử dụng dịch vụ, cũng phải cảnh giác. Bọn lừa đảo ngày càng tinh vi, nhiều trò", anh T.H.K chia sẻ.
Theo ngân hàng SCB, đường link giả mạo này thường chỉ sai khác một vài ký tự hoặc chi tiết so với đường link thật của ngân hàng nên rất dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Đại diện của SCB cho biết, "Đã có trường hợp khách hàng nhấp vào link giả mạo trong tin nhắn và đã mất tiền. Số tiền này lập tức bị chuyển sang các tài khoản của các ngân hàng khác. Đây là hình thức lừa đảo đã được SCB và các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần trong thời gian qua".
Trên trang web chính thức của SCB đã đăng tải cảnh báo về tình trạng mạo danh tin nhắn của SCB nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng. SCB khẳng định ngân hàng này chỉ có duy nhất địa chỉ website tại đường dẫn: https://scb.com.vn, đồng thời không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook Messenger…). Do đó, khi nhận các yêu cầu truy cập vào các đường link yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, khách hàng tuyệt đối không bấm vào các đường link này.
Ngân hàng VIB cảnh báo thủ đoạn mạo danh gọi điện thoại chào mời gói cho vay dựa trên thẻ tín dụng
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) mới đây cũng phát đi cảnh báo về thủ đoạn mạo danh ngân hàng gọi điện thoại, nhắn tin chào mời gói cho vay dựa trên thẻ tín dụng của khách hàng.
Theo đó, các đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng, tạo các trang web giả mạo để tư vấn khách hàng đăng ký sử dụng các dịch vụ tài chính. Sau khi lấy được thông tin của khách hàng, các đối tượng trên sẽ gửi email, tin nhắn, trao đổi với khách hàng để mời mở thẻ tín dụng, hứa sẽ cấp hạn mức tín dụng cao (từ 70.000.000 đồng – 100.000.000 đồng) và thoả thuận sau khi nhận được một thông báo mở thẻ thành công từ địa chỉ thư điện tử giả mạo (phổ biến dạng @gmail.com, @yahoo,...) khách hàng cần chuyển phí mở thẻ từ 7.000.000 đồng – 10.000.000 đồng trước khi nhận được thẻ vào tài khoản cá nhân. Sau khi khách hàng chuyển phí vào tài khoản cá nhân của đối tượng mạo danh, các đối tượng này đóng toàn bộ điện thoại, email và các hình thức liên hệ với khách hàng.
VIB khẳng định hiện ngân hàng chỉ có chương trình chuyển đổi trả góp áp dụng với các giao dịch khách hàng đã hoàn tất trên thẻ tín dụng, "chưa hề triển khai hình thức cho vay trên hạn mức thẻ tín dụng".
Thực tế việc tấn công giả mạo qua website đã tồn tại từ lâu. Nhưng thời gian gần đây, số lượng tăng lên nhiều, đặc biệt là thông qua việc phát tán các link giả mạo qua email, tin nhắn mang đầu số ngân hàng khiến khách hàng nhầm lẫn. Các ngân hàng không ngừng phát đi cảnh báo tới khách hàng nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy và mất tiền oan trong tài khoản.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) khuyến cáo, khi nhận được tin nhắn hay thư điện tử có chứa đường dẫn lạ, khách hàng không nên vội vàng truy cập hoặc nhấp vào đường dẫn đó. Đối tượng lừa đảo thường tạo ra các website có tên miền gần giống với tên website của các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín nhằm cố ý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Khách hàng cần tìm hiểu thêm thông tin trên website chính thức của các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức tín dụng, ngân hàng,… thông qua các công cụ tìm kiếm của bên thứ ba như Google, Bing,… hoặc sử dụng các thông tin liên lạc (chẳng hạn, gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng, đường dây nóng,…) được cung cấp trên website chính thức đó để kiểm chứng, xác thực thông tin.
Bên cạnh đó, cần tăng cường bảo mật cho sim điện thoại nếu thường xuyên sử dụng cho các hoạt động xác thực giao dịch tài chính, tín dụng trực tuyến, ví điện tử,… nhằm giảm thiểu rủi ro bị rút tiền từ các tài khoản trực tuyến này trong trường hợp sim, quyền kiểm soát sim hoặc điện thoại bị mất.