Không vay tiền vẫn có khoản nợ
Những năm trở lại đây, câu chuyện khách hàng bỗng dưng mắc nợ công ty tài chính, thậm chí thành nợ xấu dù không làm hồ sơ vay vốn hay mở thẻ tín dụng không còn quá mới mẻ.
Mới đây, Anh Trần Nhật Đức (thôn 7, xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân, Hà Nam) cho biết, do có nhu cầu đầu tư kinh doanh nên anh đã đến Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) để làm thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, anh Đức vô cùng bất ngờ khi phía ngân hàng MSB thông báo anh có tên trong hồ sơ nợ xấu tại Cổng thông tin tín dụng quốc gia (CIC).
Anh Trần Nhật Đức (áo xanh) trao đổi về khoản nợ xấu anh vướng phải. Ảnh: Doanh nghiệp & Đầu tư
Cụ thể, ngân hàng MSB cho anh Đức biết hiện anh Đức nợ số tiền là 10.000.000 (mười triệu đồng) và đã chậm thanh toán 96 ngày (tính đến ngày 30/4) tại Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (Vietcredit). Trước thông tin này, anh Đức cho biết chưa từng làm thủ tục vay tiền hay phát sinh bất cứ khoản vay tín dụng hay thiết lập thẻ tín dụng nào tại Vietcredit cũng như các công ty tài chính khác.
Trước sự việc này anh Đức đã liên hệ phía Vietcredit thì được biết khoản vay này có từ tháng 5/2020 với số tiền 10.000.000 và đến nay đang chậm thanh toán với mức nợ xấu nhóm 3.
Thông tin về khoản nợ xấu của anh Trần Nhật Đức trên Cổng thông tin tín dụng Quốc gia (CIC)
Quá trình khiếu nại yêu cầu Vietcredit giải quyết, anh Đức có cung cấp CMND để đối chiếu thì hình ảnh trong hồ sơ vay hoàn toàn sai lệch, không đúng theo giấy tờ gốc của anh. Phía Vietcredit cũng thừa nhận anh Trần Nhật Đức không phải là người đã vay khoản tín dụng 10 triệu đồng như đã nêu trên.
Từ sự việc này, vấn đề đặt ra là một cá nhân không hề vay tiền nhưng lại có hồ sơ tại Vietcredit, vậy hồ sơ đó đã được "phù phép" như thế nào để được Vietcredit duyệt vay? Và Vietcredit có trách nhiệm như thế nào trong sự việc này?
Thực tế, không riêng anh Trần Nhật Đức trở thành nạn nhân trong các vụ làm giả hồ sơ để vay tiêu dùng. Trước đó cũng đã có nhiều người khác rơi vào tình cảnh tương tự. Do vậy, để tránh những rủi ro và phiền toái có thể gặp phải có thể gặp phải, khách hàng cần hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng và bảo quản thông tin cá nhân của mình. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có những chế tài phù hợp để chấn chỉnh tình trạng này, tránh để người dân phải rơi vào cảnh "khóc dở mếu dở" khi vướng phải hai chữ "nợ xấu".
Đâu là nguyên nhân?
Công an thời gian qua cũng phát hiện nhiều đối tượng lừa đảo đã làm giả giấy tờ, mượn danh tính người khác để vay tiền từ công ty tài chính. Việc Định danh chưa chuẩn xác, nhân viên bỏ qua quy trình, khách hàng để lộ thông tin có thể là những nguyên nhân dẫn đến việc không vay vẫn mắc nợ.
Ông Cao Văn Bình, Phó tổng giám đốc của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) nhận định, sự bùng nổ của các dịch vụ cho vay tiêu dùng với thủ tục nhanh gọn, đơn giản hơn nhiều so với cho vay thông thường khiến một số kẻ lừa đảo có cơ hội để gian lận dễ dàng hơn.
Trong khi một bộ hồ sơ vay vốn thông thường cần nhiều giấy tờ chứng minh nhân thân và chứng minh tài chính, các ứng dụng cho vay tiêu dùng chỉ yêu cầu khách hàng cung cấp chứng minh nhân dân hoặc bằng lái xe kèm theo ảnh chân dung.
Tận dụng thủ tục đơn giản của ứng dụng cho vay online ngày càng phát triển, nhiều đối tượng đã lập hàng trăm hồ sơ vay tiêu dùng giả mạo danh tính người khác. Chứng minh nhân dân giả vẫn lọt qua hàng rào hệ thống ngân hàng và được duyệt khoản vay. Vì thế, một số người không may bị "mạo danh" bỗng dưng trở thành con nợ của công ty tài chính.
Ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) nói, với các đường dây giả mạo hồ sơ tinh vi, kể cả khi giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, nhân viên nhà băng cũng không thể phát hiện ra bằng cách sờ nắn. Khi giao dịch tại quầy, nhân viên nhà băng sẽ đối chiếu chứng minh thư của khách hàng bằng mắt thường, chụp và lưu lại bản photo vào hồ sơ cứng.
Trong khi đó, với tiện ích của giao dịch trực tuyến, đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện được cùng lúc nhiều khoản vay khống một cách nhanh gọn hơn so với việc đến trực tiếp tại quầy. Tuy nhiên, theo ông Hy, điểm mạnh của phương thức định danh trực tuyến, việc lưu lại dữ liệu khuôn mặt sẽ giúp "truy vết" đối tượng lừa đảo dễ dàng hơn.
Giám đốc ngân hàng số của một nhà băng đang định danh khách hàng trực tuyến thừa nhận, eKYC vẫn có những rủi ro nhất định nếu việc làm giả giấy tờ tinh vi. Ngân hàng hiện nay định danh khách hàng dựa trên chứng minh thư và sử dụng dữ liệu nội bộ và của các đơn vị khác như Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), doanh nghiệp viễn thông, bảo hiểm.. để kiểm tra chéo thông tin. Tuy nhiên, những dữ liệu này vẫn chưa đủ để đảm bảo tính chính xác 100% trừ khi có dữ liệu sinh trắc học toàn dân. Vì thế, việc dễ dàng cấp khoản vay trực tuyến mà không cần gặp mặt trực tiếp khách hàng sẽ có rủi ro, như những gì đang xảy ra tại các công ty cho vay tiêu dùng.
Bên cạnh kẽ hở trong việc định danh khách hàng chưa chuẩn xác, một trong những nguyên nhân dẫn đến "người mở tài khoản một đằng, chủ tài khoản một nẻo" là do nhân viên nhà băng làm sai quy trình. Đối với giao dịch gặp mặt trực tiếp, việc mở tài khoản hay thẻ tín dụng bắt buộc cần tới giấy tờ tuỳ thân và chữ ký chính chủ của khách hàng, nhưng một số nhân viên lại bỏ qua quy trình trước áp lực doanh số.
Việc nhân viên ngân hàng mượn chứng minh thư của bạn bè, người quen để phát hành thẻ diễn ra phổ biến hiện nay. Nguy hiểm hơn, một số nhân viên phát hành thẻ tín dụng mà không được sự đồng ý của chính chủ thẻ, dẫn đến nhiều trường hợp phát sinh nợ xấu mà khách hàng không hề hay biết.
Ngày 18/6/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã cấp đổi Giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính cổ phần Xi Măng. Theo đó, công ty đổi tên thành Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit Finance Company).
Ngày 27/4, tại Lễ công bố Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2021 (FAST500) tổ chức tại Hà Nội, VietCredit đã được vinh danh ở thứ hạng cao 36 trên tổng số 500 doanh nghiệp có mặt trong bảng xếp hạng.
Tại buổi lễ công bố, ông Nguyễn Đức Phương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietCredit chia sẻ: “Năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến những thiệt hại, ảnh hưởng do dịch Covid-19 mang lại cho nền kinh tế. Trong bối cảnh ấy, việc ổn định và duy trì hoạt động kinh doanh theo chúng tôi là mục tiêu không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với việc chủ động đưa ra các kịch bản ứng phó trước diễn biến của dịch bệnh, nắm bắt các cơ hội tăng trưởng cùng sự đồng lòng và hành động quyết liệt của toàn thể cán bộ nhân viên, VietCredit đã có một kết quả tăng trưởng thật tốt.”.
“Đây là sẽ động lực để chúng tôi tiếp tục mang đến những sản phẩm, dịch vụ tài chính chất lượng hơn nữa phục vụ người dân Việt Nam.”, ông Nguyễn Đức Phương nói thêm.