Giá vàng hôm nay 8/9, Giá vàng bất ngờ tuột mốc 1.800 USD, bộ ba tài sản nên đầu tư nhất hiện nay?
Kết thúc phiên phiên giao dịch hôm qua ngày 7/9, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục duy trì đà đi ngang tại phần lớn hệ thống kinh doanh, biên độ chênh lệch giữa giá mua và bán vẫn được giới kinh doanh giữ ở mức rất cao phòng rủi ro khoảng trên 700.000 đồng/lượng. Thị trường phần lớn vẫn trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, giao dịch trầm lắng, giới đầu tư nhỏ lẻ dè dặt tham gia thị trường vì độ rủi ro rất cao.
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC lần lượt tại 56,75 - 57,47 triệu đồng/lượng và 57,45 triệu đồng/lượngtại hai chi nhánh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,60 - 57,80 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 56,70 - 57,70 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,80 - 57,70 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, bảng giao dịch điện tử của Bảo tín Minh Châu vẫn tiếp tục đứng giá từ nhiều ngày nay. Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu vẫn được niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới giao dịch trên sàn giao dịch Kitco ghi nhận trước giờ đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giảm 28,9 USD so với phiên liền trước, niêm yết tại 1.794,1 USD/ounce.
Mức giảm 35 USD là một sự đảo ngược đáng kể so với mức tăng 1% của tuần trước. Đồng USD giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 1 tháng, thị trường chứng khoán toàn cầu đạt đỉnh với hy vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ duy trì chính sách tiền tệ thích ứng trong ngắn hạn, góp phần đẩy giá vàng đi xuống mạnh hơn. Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường vàng không nhiều do là ngày Lao động ở Mỹ.
Giới đầu tư đặc cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa siết van gói nới lỏng định lượng, có thể tiếp tục bỏ qua lạm phát gia tăng sau thất bại lớn trên mặt trận việc làm của nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, giá vàng giảm khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao hơn với kỳ vọng sự phục hồi của nền kinh tế bị trì hoãn, sẽ cho phép Fed chịu đựng lạm phát cao hơn trong ngắn hạn.
Phố Wall lo ngại hơn một chút về lạm phát và với việc Fed có thể trì hoãn việc thu lại các chính sách tài chính lỏng lẻo, đường cong sẽ dốc xuống và điều đó sẽ chứng tỏ sự tiêu cực trong ngắn hạn đối với giá vàng. Nhà kinh tế trưởng James Knightley của ING cho rằng, cùng với sự hồi sinh của dịch Covid-19 là khả năng loại bỏ bất kỳ cơ hội nào để Fed giảm nới lỏng trong tháng 9, nhưng có vẻ tình hình sẽ tốt hơn vào tháng 11.
Tốc độ tăng việc làm chậm lại sẽ khiến Fed buộc phải kiên nhẫn hơn trong tương lai, đặc biệt là liên quan đến thông báo cắt giảm chính sách rất được mong đợi.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của OANDA nhận định, ở các mức giá này, kim loại quý "dễ bị bán tháo" hơn, nhưng cần lưu ý, tâm lý giảm giá hiện tại chỉ là tạm thời. Giá vàng có thể giảm xuống mức 1.755 USD/ounce và nếu mức đó dễ dàng bị phá vỡ, nó có thể đẩy giá vàng xuống thấp hơn, cuối cùng sẽ nhắm mục tiêu 1.700 USD. Và sau đó, các nhà đầu tư sẽ lại tiếp tục mua vàng.
Ông Hareesh V, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Geojit Financial Services, nhận định nhiều yếu tố cơ bản vẫn đang gây áp lực lên giá vàng. Thị trường đang lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư có thể giảm các tài sản trú ẩn an toàn như vàng và đầu tư lại vào một số tài sản rủi ro.
Dữ liệu việc làm đáng thất vọng của Mỹ vào tuần trước đã làm dấy lên kỳ vọng Fed có thể trì hoãn việc giảm thu mua tài sản và giúp giá vàng neo mức cao nhất trong 2 tháng, nhưng cũng khiến các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường chứng khoán.
Xả lớn hàng đầu cơ, đến lượt cổ phiếu ngân hàng nổi sóng
Mức giảm đột biến của chỉ số smallcap đã đẩy chỉ số này vào nhóm rơi mạnh nhất phiên hôm nay, trái ngược hoàn toàn với mức tăng xuất sắc nhất trong nhiều phiên trước. Đó là kết cục dĩ nhiên phải xảy ra, vì rất nhiều cổ phiếu đầu cơ tăng giá quá mạnh mà không có yếu tố hỗ trợ nào cụ thể.
Khi dòng tiền đổ xô vào đầu cơ các mã nhỏ và đều hiểu rằng đây là cuộc chơi mua sớm bán lại cho người đến sau thì cuối cùng cũng sẽ tạo một cơn lũ xả hàng tại một thời điểm nào đó. Hôm qua thị trường cực nóng ở nhóm này, hàng trăm cổ phiếu tăng giá. Hôm nay ngược lại, hàng trăm cổ phiếu giảm giá.
Chưa có hiện tượng cổ phiếu đầu cơ giảm giá hàng loạt. Cả sàn HoSE hôm nay mới có 7 mã giảm sàn thuộc nhóm vốn hóa nhỏ. SJF trong 6 phiên tính đến hôm qua đã tăng 30%, hôm nay bị xả sập sàn. TMT trong 10 phiên tăng 36%, hôm nay cũng bị đánh úp xuống tận giá sàn. VMD hôm qua đã bị xả trước xuống sàn, hôm nay sàn tiếp tục. Kết cục của VMD là lời cảnh báo cho hiện tượng đầu cơ vì mã này từng tăng hàng chục phiên kịch trần liên tục.
Dĩ nhiên không phải tất cả các cổ phiếu đầu cơ đều bị xả giống nhau, một số thậm chí thanh khoản quá ít, rất khó “lùa” nhà đầu cơ khác vào để xả, nên giá còn được nâng đỡ. Mặt khác cũng có một số cổ phiếu nhỏ có yếu tố hỗ trợ nhất định nên vẫn thu hút được lực cầu bắt đáy.
Nhìn chung việc thổi giá rồi xả ở các mã đầu cơ đều đi theo một quy luật giống nhau là tạo sự nghi ngờ rồi kích thích lòng tham. Phải chờ đến khi lòng tham lên đến đỉnh điểm, nhà đầu cơ ào ạt mua vào, bất kể là cổ phiếu nào giống như ngày hôm qua, thì cơ hội chốt lời mới thuận lợi.
Trên cả sàn HoSE, cứ 1 cổ phiếu giảm giá chỉ có 0,43 cổ phiếu tăng giá. Thực tế này đảo ngược trạng thái hôm qua, khi số lượng cổ phiếu tăng giá gấp 3,3 lần số giảm giá. Chỉ sau 1 đêm đột ngột tình hình thay đổi chóng mặt như vậy chỉ có thể xuất hiện ở nhóm đầu cơ. Lợi nhuận chính là con dao hai lưỡi đối với xu hướng tăng giá ở các mã này, vì càng lãi nhiều thì càng hấp dẫn các nhà đầu tư chậm chân, nhưng lợi nhuận để dành cho họ lại rất ít, thậm chí chỉ là những cái bẫy.
Nhóm duy nhất xanh khá rực rỡ hôm nay là cổ phiếu ngân hàng: VPB tăng 3,93%, TPB tăng 4,6%, TCB tăng 1,43%, STB tăng 1,27%, MBB tăng 1,06%, CTG tăng 1,87%, BID tăng 1,53%, ACB tăng 1,4%, HDB tăng 1,33%...
Đây là sắc xanh hiếm hoi trong rổ VN30 vì ngay cả rổ này cũng có số mã giảm giá áp đảo số tăng. Mặt khác cổ phiếu ngân hàng có tính đồng nhất nhóm ngành khá rõ, nên việc tăng đồng loạt tạo ấn tượng tốt.
Điều còn thiếu là cổ phiếu ngân hàng đã không thể vực dậy VN-Index nổi. VCB bị đánh sập xuống tham chiếu lúc cuối phiên chỉ là một lý do. Có rất nhiều blue-chips khác không tăng nổi: VIC giảm 1,16%, GAS giảm 1,88%, GVR giảm 1,15%, FPT giảm 1,48%, HPG giảm 0,98%, MSN giảm 0,99%...
Cổ phiếu ngân hàng được mua mạnh và tăng giá một phần vì giá đang ở ngưỡng hỗ trợ và khá thấp. Thực ra tại vùng giá này hồi cuối tháng 8 vừa qua cổ phiếu ngân hàng cũng được bắt đáy nhiều, nhưng giá chỉ tăng một lần T+3 đã không có tiến triển gì mới. Phiên tăng đồng loạt hôm nay cũng không có tác động rõ ràng vì giá các mã ngân hàng vẫn chỉ luẩn quẩn ở vùng đáy.
Nếu các cổ phiếu ngân hàng tốt lên, thị trường sẽ có lực đỡ nhất định, ít nhất là bớt giảm nhanh nếu như các trụ còn lại quá yếu. Thị trường đã từng chứng kiến thảm cản khi ngân hàng cùng các trụ khác cộng hưởng giảm giá như các phiên rơi giữa tháng 8 vừa qua: Hàng chục điểm có thể bốc hơi khỏi chỉ số một cách dễ dàng.
Chiêu trò rao bán cắt lỗ bất động sản
Theo VietnamNet, chỉ cần gõ từ khoá “bán cắt lỗ sâu”, “bán giá thấp nhất thị trường"... do dịch Covid-19, lập tức có hàng nghin đường link rao bán chung cư xuất hiện. Nhiều căn hộ chung cư được người rao cắt lỗ hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, trong số đó, không thiếu tình trạng môi giới “treo đầu dê bán thịt chó”.
Trên một trang rao vặt bất động sản, sau khi đọc giới thiệu bán cắt lỗ chung cư quận Thanh Xuân hơn 500 triệu đồng, ông Đỗ Quang Thắng (một khách hàng ở Hà Nội) đã ấn vào đường link để xem. Đang có nhu cầu mua nhà ở khu vực này, ông khá bất ngờ khi chủ nhà rao bán mức giá thấp như vậy, trong khi giá trung bình dự án trên 40 triệu đồng/m2.
Ông Thắng gọi tới số điện thoại của người bán mới ngã ngửa khi nhận được thông báo căn hộ đó không còn. Nếu người mua có nhu cầu, bên bán sẽ giới thiệu danh sách các căn hộ khác trong cùng dự án. Chỉ ít ngày sau, ông Thắng liên tục nhận được điện thoại về tư vấn, mời mua căn hộ.
Nhiều dự án chung cư tại Hà Nội tăng giá.
Qua trao đổi với một người quen chuyên về môi giới bất động sản, ông Thắng mới biết được cách thức quảng cáo trên là chiêu trò. Người bán sẽ giới thiệu các căn cắt lỗ, có mức giá rất rẻ so với thị trường để thu hút người mua. Khi người mua gọi tới, họ sẽ biết nhu cầu và mong muốn của khách nên tìm cách giới thiệu các căn hộ khác, thậm chí có trường hợp còn thông báo với khách hàng là rao nhầm giá... Rao chỗ quận này nhưng nhà ở quận khác “kế ngay bên” là lời giải thích thường gặp.
Bà Trần Lan Hương, một nhân viên môi giới bất động sản khu vực Trung Hoà - Nhân Chính, thừa nhận, rao bán cắt lỗ, vỡ nợ do Covid-19,... đều là những chiêu trò. Đối chiếu thực tế thì thấy ngay, giá bán cắt lỗ vẫn ngang bằng với giá bán trên thị trường, không có chuyện giảm giá vài trăm triệu đồng như những người này quảng bá.
Theo bà Hương, do nguồn cung trên thị trường đang khan hiếm, trong khi nhu cầu thị trường vẫn khá cao nên các dự án chung cư thường có xu hướng tăng giá. Nói là "giảm giá", “cắt lỗ” do dịch bệnh chưa chắc đã chính xác.
“Nếu chủ nhà bán thấp hơn thị trường 1-2 giá chỉ có thể gọi là cắt lãi, chứ không thể gọi là cắt lỗ. Giả sử giá mua vào 26 triệu đồng, bán ra 25 triệu đồng mới gọi là cắt lỗ. Ở đây, mua vào 26 triệu đồng bán ra 49 triệu đồng là lãi 23 triệu đồng chứ không lỗ”, bà phân tích.
Khảo sát thực tế, nhiều dự án chung cư trên địa bàn Hà Nội đi vào hoạt động nhưng vẫn giữ được mức giá cao và nhiều người quan tâm, như khu vực Trung Hoà Nhân Chính, Times City, Royal City,... Điểm chung của các dự án này là đều có đầy đủ hạ tầng tiện ích, quản lý chất lượng nên dự án không bị xuống cấp.
Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, trên thị trường vẫn có một số dự án chung cư có mức giá giảm về tiền chênh so với thời điểm mua do đã được qua sử dụng và đã bị khấu hao. Ngoài ra, dự án thiếu tiện ích, rắc rối về pháp lý như không có sổ đỏ, tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về phí bảo trì, phí dịch vụ nên không được nhiều người mua quan tâm như các chung cư khác trong cùng khu vực.
Khách hàng cá nhân khốn khổ vì nợ ngân hàng thời dịch
Vợ chồng chị Minh Thùy (Q.3) vay 1,2 tỷ đồng tại Ngân hàng (NH) Public Việt Nam (Public Bank) để mua nhà, số tiền gốc và lãi chị phải đóng mỗi tháng khoảng 12-13 triệu đồng. Gần ba tháng qua chị Thùy thất nghiệp, cả nhà đếu sống nhờ vào đồng lương đã bị giảm gần phân nửa của chồng chị. Toàn bộ số tiền vợ chồng chị để dành phòng thân đều lấy ra trả nợ NH nhưng đến tháng Chín này, chị hết khả năng để trả. “Tôi có liên hệ NH thông báo hết khả năng trả nợ thì được NH cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong ba tháng tới” - chị Thùy nói với Phụ nữ TP.HCM.
Chị Hồng Linh (Q.Bình Tân) có khoản vay khoảng 1 tỷ đồng tại NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tổng tiền gốc và lãi phải đóng là 11,8 triệu đồng/tháng. Vợ chồng chị đã thất nghiệp suốt bốn tháng qua, số tiền dành dụm cả năm trước được dùng hết cho việc trả nợ NH và chi tiêu trong gia đình. “NH có thông báo giảm lãi 0,5% trên dư nợ đang vay. Nhưng với tình cảnh hiện tại, tôi mong được cơ cấu nợ khoảng 2-3 tháng hơn là giảm lãi. Bởi cơ cấu nợ thì có một khoảng thời gian không phải đóng, còn giảm lãi thì vẫn phải đóng hằng tháng. Tôi đã báo NH mất khả năng trả nợ, đề nghị được cơ cấu nợ và ngưng đóng tiền từ tháng Chín. Nếu có tiền lãi phạt quá hạn hoặc thậm chí nhảy nhóm nợ tôi cũng chịu” - chị Linh nói. Anh T.T.K. (H.Bình Chánh) cho hay anh vay Công ty Tài chính F. 50 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng, mỗi tháng đóng gốc lẫn lãi là 2,65 triệu đồng. Hai tháng qua do thất nghiệp anh không còn khả năng trả nợ.
Theo thông tin từ Public Bank, NH chấp nhận cơ cấu lại thời gian trả nợ, tối đa là 12 tháng với những khách vay gặp khó khăn về thu nhập. Khách vay phải làm đơn xin hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19. Tùy theo ảnh hưởng thu nhập mà chỉ đóng lãi không đóng gốc hoặc không đóng cả gốc lẫn lãi.
NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có chính sách đối với khách vay tại các địa phương phải giãn cách xã hội; khách hàng là F0, F1, F2… có khoản vay quá hạn sẽ được NH xem xét chỉ áp dụng thu lãi trong thời gian quá hạn bằng mức lãi suất cho vay trong hạn. Agribank cũng xem xét khả năng cơ cấu lại nợ với những khách hàng có yêu cầu.
Nhiều chuyên gia cũng như đại diện các NH nhận xét, chính sách hỗ trợ khách vay trong Thông tư 03 của NH Nhà nước Việt Nam có nhiều điểm bất cập khiến khách hàng không nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam – chia sẻ với báo Phụ Nữ TP.HCM rằng theo quy định hiện tại, chỉ cho phép cơ cấu với khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Do đó các khoản nợ từ ngày 10/6/2020 đến nay sẽ không được hỗ trợ cơ cấu, dẫn đến khách hàng khó khăn về tài chính sẽ bị chuyển thành nợ xấu, ảnh hưởng đến uy tín giao dịch của khách và cả chất lượng nợ của các NH. “Quy định thời gian trả nợ tối đa 12 tháng kể từ ngày được cơ cấu cũng gây khó cho khách hàng. Chẳng hạn, một khách hàng được phép cơ cấu nợ trong bốn tháng thì số tiền trả nợ của bốn tháng này sẽ cộng dồn trong tám tháng tiếp theo, sẽ gây áp lực trả nợ cho khách trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, chưa biết ngày nào có thể phục hồi thu nhập” - ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích.
Giám đốc chi nhánh một NH thương mại tại TP.HCM cho biết, năng lực của NH có hạn nên không phải trường hợp nào yêu cầu cũng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp nên việc thẩm định mức độ ảnh hưởng của khách cũng rất khó khăn. Nếu khách vay cá nhân được cơ cấu, chỉ nên chọn ba tháng thay vì ham kéo dài đến 5-7 tháng, bởi vì áp lực trả nợ dồn về các tháng sau rất lớn” - vị giám đốc này khuyên.
Thanh Hoá lập quy hoạch khu công nghiệp 733 ha
Dự án tại huyện Hoằng Hoá có thời gian lập quy hoạch dự án không quá 12 tháng.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phú Quý, thuộc huyện Hoằng Hoá. Khu công nghiệp Phú Quý có diện tích lập quy hoạch hơn 733 ha, quy mô dân số hiện trạng khoảng 2.145 người. Khu vực lập quy hoạch có vị trí thuộc địa bàn các xã Hoằng Kim, Hoằng Trinh, Hoằng Sơn, Hoằng Quý, Hoằng Xuyên, Hoằng Cát và Hoằng Quỳ.
Dự án được định hướng đa ngành, trong đó ưu tiên phát triển các loại hình như công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp 4.0; may mặc, da giày, chế biến rau quả, nông sản, chế biển thủy hải sản, cơ khí, sửa chữa, máy móc nông nghiệp; sản xuất thủ công mỹ nghệ.
Phía Bắc Khu công nghiệp Phú Quý giáp đường hiện trạng tiếp đến là đất sản xuất nông nghiệp xã Hoằng Trinh, Hoằng Kim. Phía Nam giáp đường giao thông Quỳ Xuyên và cụm công nghiệp Phú Quý. Phía Tây giáp hành lang an toàn đường sắt, tiếp đến là Quốc lộ 1. Phía Đông giáp đất nông nghiệp các xã Hoằng Sơn, Hoằng Xuyên, Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa.
Trước đó, hồi tháng 12/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký kết biên bản ghi nhớ với đại diện lãnh đạo Công ty WHA Industrial Development PLC (WHA, Thái Lan) về việc nghiên cứu đầu tư 2 dự án hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích khoảng 1.339 ha, bao gồm 539 ha tại Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp Phú Quý.
WHA là nhà phát triển bất động sản công nghiệp, logictics tích hợp tiện ích và năng lượng có kinh nghiệm 30 năm kinh nghiệm. Đơn vị này cũng là chủ đầu tư dự án khu công nghiệp WHA IZ 1 – Nghệ An, quy mô hơn 3.200 ha với tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An.
Tại Thanh Hóa, hiện có khu kinh tế Nghi Sơn và 8 khu công nghiệp hoạt động gồm Lễ Môn, Đình Hương – Tây Bắc Ga, Bỉm Sơn, Hoàng Long, Lam Sơn – Sao Vàng, Ngọc Lặc, Bãi Trành và Thạch Quảng.
Từ 2016-2020, Thanh Hoá thu hút hơn 1.070 dự án đầu tư trực tiếp, bao gồm 76 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tổng vốn đăng ký lần lượt hơn 114.500 tỷ đồng và hơn 3,6 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.
Giá thuê trung bình khu công nghiệp Thanh Hóa khoảng 40-50 USD mỗi m2, thấp hơn nhiều vùng lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương. Colliers Việt Nam nhận định giá thuê bất động sản công nghiệp tại Thanh Hóa có thể tăng khoảng 10% trong năm nay và cao hơn trong tương lai, trở thành thành phố công nghiệp hiện đại.